Để quả vải bán được trên sàn thương mại điện tử

08/06/2022 06:01

Vì nhiều nguyên nhân nên vụ vải này số vải quả của Hải Dương rao bán trên sàn giao dịch điện tử đến thời điểm này không nhiều.


Việc quả vải tươi dễ hỏng nếu không được bảo quản tốt cũng là một hạn chế khi đưa lên bán trên sàn thương mại điện tử. Trong ảnh: Vải tươi được đóng gói, bảo quản lạnh bằng nước đá. 
Ảnh: THÀNH CHUNG

Từ năm 2021, vải thiều Thanh Hà bắt đầu được tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mở ra một kênh tiêu thụ mới, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vụ vải năm nay số lượng vải đưa lên sàn đến thời điểm này không nhiều. 

Người dân còn thụ động

Năm ngoái, vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ trên các sàn thương mại như Alibaba, Voso, Lazada, Sendo, Shopee... và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Tuy nhiên, năm nay số lượng vải tiêu thụ qua kênh này không nhiều. Nguyên nhân chính do nông dân Thanh Hà chưa nắm bắt được thời cơ để bán vải thiều qua mạng. Việc nông dân chưa sử dụng thành thạo các trang mạng là rào cản lớn đối với việc đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử. Phần lớn người trồng vải còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp mà chưa chủ động thiết lập một kênh bán hàng qua mạng. Chị Quách Thị Phượng, Tổ trưởng tổ sản xuất vải thiều số 6, xã Thanh Xá cho biết chị cũng đã rao bán vải trên trang Facebook cá nhân của mình và một số nhóm nhưng hình thức này chưa mang lại hiệu quả cao và cũng chưa chuyên nghiệp.

Năm nay vải chín không đều nên giá bán cao hơn mọi năm. Giá vải bán tại vườn ngày 6.6 khoảng 35.000 đồng/kg, khi đưa lên sàn, giá phải cao hơn nên khó thu hút người mua. Thay vì mua vải trên sàn điện tử với giá cao nhiều người tiêu dùng chọn mua ở chợ hoặc siêu thị. Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Cường (Thanh Hà) cho biết dù vải sớm đang cho thu hoạch rộ nhưng năm nay chưa có đơn vị nào đến làm việc với HTX để đưa vải lên sàn thương mại điện tử.

Việc đưa vải lên bán tại sàn thương mại điện tử còn khó do nhược điểm của quả vải tươi là dễ hỏng nếu không được bảo quản tốt. Không phải lúc nào các chợ online cũng sẵn hàng tại kho để giao đến tay người dùng. Vì thế, sẽ có một số tình huống xảy ra như chậm hàng hoặc khó bảo đảm về chất lượng, mẫu mã sản phẩm như hình ảnh quảng cáo. Theo một số giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tại Thanh Hà, một số doanh nghiệp lại ngại khó vì đưa vải lên sàn phải có giấy kiểm tra và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ cơ quan chức năng.  Ông Ngô Bá Đức, cán bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết năm ngoái đơn vị đã kết nối các sàn thương mại với huyện và người dân. Năm nay, họ sẽ làm trực tiếp với người dân chứ không thông qua trung tâm. 

Với những lý do đó, vải thiều Thanh Hà hiện nay vẫn được tiêu thụ chủ yếu theo hình thức truyền thống, thương lái đến tận vườn thu mua, người dân bán tại các điểm cân hoặc bán gửi qua hệ thống bưu điện cho khách ở xa.



Vải thiều Thanh Hà chủ yếu vẫn được các thương lái đến tận vườn thu mua, rất ít có trên sàn thương mại điện tử


Cần thay đổi tư duy

Khi kinh tế số trong nông nghiệp đang trở thành xu hướng, người trồng vải cần thay đổi tư duy, chủ động tìm đầu ra cho quả vải bằng nhiều hình thức. Để kênh bán hàng trực tuyến tiếp tục đồng hành cùng người dân Thanh Hà trong tiêu thụ vải thiều, các cấp, ngành liên quan cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin cho người trồng vải. Tích cực hướng dẫn cách thức bán hàng thông qua hình thức phát trực tiếp trên Facebook (livestream), bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Người dân cần chủ động học hỏi, tìm tòi các phương thức bán hàng trên các trang mạng điện tử, để mở rộng thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc vào đầu mối tiêu thụ là doanh nghiệp; đồng thời nâng cao giá trị của quả vải thiều.

Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết việc đưa vải thiều lên sàn giao dịch thương mại điện tử là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu, đồng thời khẳng định giá trị, chất lượng của đặc sản này. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho nông dân.  UBND huyện sẽ phối hợp tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để quả vải bán được trên sàn thương mại điện tử