Giá vé máy bay tăng "nóng"

25/06/2022 09:00

Các hãng hàng không liên tục tăng chuyến nhưng giá vé máy bay vẫn "nhảy múa" tăng từng ngày do sức ép giá nhiên liệu và nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Giá vé máy bay tăng "nóng" nhưng hành khách vẫn bấm bụng... bước lên tàu bay!

Các dải vé giá rẻ đã cạn, khách mua sát ngày bay giá vé càng cao, thậm chí có khả năng "cháy vé" ở một số điểm đến du lịch. Hầu hết các chặng bay nội địa trong giai đoạn tháng 7 đến cuối tháng 8.2022 đều tăng giá.

Bay nội địa, quốc tế đều tăng giá

Có lịch thi công chức đợt 2 tại TP Hồ Chí Minh ngày 5.7, chị Lê Thị Lan Sum (quê Quảng Nam) cho biết sau khi lên mạng tìm mua vé, chị rất bất ngờ bởi giá vé đã tăng 30-40% so với cách đây 2 tháng. 

"Hồi tháng 5, tôi bay từ Đà Nẵng vào TP Hồ Chí Minh, giá vé lúc đó khoảng 900.000 đồng. Cũng hành trình này nhưng hiện nay giá rẻ nhất vào buổi sáng sớm đã 1,4 triệu đồng. Giá vé chát quá", chị Sum than.

Ghi nhận trên website của 5 hãng bay nội địa cho thấy nếu mua vé máy bay từ cuối tháng 6, khởi hành bay từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đến các điểm du lịch Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang và Đà Nẵng vào giữa tháng 7, giá vé rẻ nhất cũng trên 1,3 triệu đồng/vé, tăng 20-30% so với tháng trước. 

Với chặng bay Hà Nội - Đà Nẵng, Vietnam Airlines mở bán hạng vé rẻ nhất là 1,5 triệu đồng/vé vào khung giờ sáng sớm hoặc tối muộn, Vietjet và Bamboo Airways dao động từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/vé. Nếu mua khứ hồi, hành khách chi ít nhất 3 - 5 triệu đồng.

Tương tự, Vietnam Airlines mở bán chặng bay thẳng từ Hà Nội - Phú Quốc trên 2,5 triệu đồng/vé vào khung giờ ban đêm. Vietjet mở bán chặng TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc giá 1,7 - 2,3 triệu đồng/vé, Bamboo Airways 2 - 3 triệu đồng/vé. 

Đây là mức giá cho hành trình một chiều, chọn lựa hành trình khứ hồi, tức là chiều đi và chiều về, giá vé cho chặng TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc ít nhất trên 3 triệu đồng/người.

Đại diện Công ty CP dịch vụ vận chuyển Thế giới (WorldTrans) cho biết giá vé bay đi và đến Việt Nam đã tăng từ 20-35% so với thời điểm trước dịch, do nhu cầu đi lại tăng và ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu. 

Chẳng hạn, đường bay từ TP Hồ Chí Minh - Hàn Quốc có giá từ 9 - 13 triệu đồng/vé, đường bay TP Hồ Chí Minh - châu Âu có giá trung bình từ 18 - 27 triệu đồng/vé, đường bay TP Hồ Chí Minh - Mỹ có giá khoảng 41 - 51 triệu đồng/vé.

Giá vé máy bay TP Hồ Chí Minh - Singapore vào ngày 30-6 là 2,4 triệu đồng/vé, rồi tăng dần lên mức hơn 4 triệu đồng/vé vào ngày 8-7. Thậm chí, giá vé máy bay từ Hong Kong (Trung Quốc) đi London (Vương quốc Anh) của Hãng Cathay Pacific Airway trong tháng 6.2022 đã lên đến 42.051 đôla Hong Kong (HKD), tương đương 5.360 USD, cao gấp 5 lần so với thời điểm trước đại dịch. Tương tự, giá vé máy bay thẳng từ New York đi London cũng tăng hơn 2.000 USD.

Đại diện Hãng Asiana Airlines tại thị trường Việt Nam thừa nhận giá vé máy bay dịp hè năm nay "chát" hơn so với cùng kỳ những năm trước dịch chủ yếu là do giá nhiên liệu tăng mạnh. "Cũng do sức ép giá nhiên liệu, các chương trình ưu đãi giá vé cũng khan hiếm hơn", vị này nói.

Chi phí tăng mạnh, nhân lực khan hiếm

Trao đổi với chúng tôi, các hãng bay tại Việt Nam cho biết kế hoạch tăng chuyến trong dịp hè với tần suất bay tăng kỷ lục. 

Chẳng hạn, vào cao điểm hè, Vietnam Airlines khai thác 430 chuyến bay/ngày, Vietjet 450 chuyến/ngày, phần lớn các chuyến bay là nội địa. Thống kê tỉ lệ đặt vé trên website, các hãng ghi nhận lượng khách đi lại dịp hè tăng mạnh, thậm chí vượt thời điểm trước dịch năm 2019.

Ông Đặng Anh Tuấn, trưởng ban truyền thông của Vietnam Airlines, cho biết hàng không đang bước vào thời điểm phục hồi, cao điểm hè là điểm tựa để các hãng bật tăng trở lại mạnh mẽ sau dịch. 

Tuy nhiên, giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao khiến chi phí hoạt động của hãng tăng thêm hàng ngàn tỉ đồng. Các hãng hàng không khác cũng thừa nhận "cơn bão" giá vé máy bay trước giá nhiên liệu tăng cao là điều không thể tránh khỏi.

Ông Vũ Đức Biên, tổng giám đốc Hãng hàng không Vietravel Airlines, cho hay tốc độ phục hồi hàng không tăng rất nhanh, hãng đã lên kế hoạch sôi động trong mùa hè này và dự kiến sẽ tăng thêm máy bay sẵn sàng mở bay quốc tế vào cuối năm. Kỳ vọng sự bùng nổ nhưng giá nhiên liệu biến động mạnh vẫn là thách thức lớn đối với hàng không, đặc biệt là "tân binh" Vietravel Airlines.

"Giá nhiên liệu bay Jet-A1 hiện đã lên tới 140 USD/thùng là thách thức cực lớn cho các hãng hàng không. Trong bối cảnh này, giá vé máy bay muốn giảm rất khó. Nếu giá nhiên liệu hạ nhiệt về mốc 80 - 100 USD/thùng, giá vé máy bay sẽ được điều chỉnh xu hướng giảm", ông Biên cho biết.

Theo các chuyên gia hàng không, giá vé máy bay chịu tác động bởi 2 yếu tố: giá nhiên liệu và chi phí cho lao động. Đà bùng nổ tần suất chuyến bay và khách tăng đột biến trong cao điểm hè nhưng các doanh nghiệp trong ngành hàng không đang đối diện với nguy cơ thiếu lao động. Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways... đang ráo riết tuyển tiếp viên, phi công, thậm chí đưa ra mức lương cao hơn trước dịch nhưng việc tuyển dụng nhân sự vẫn gặp khó.

Phục vụ hơn 50 hãng bay quốc tế, Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho biết đã thực hiện 6 đợt tuyển dụng nhân sự trong 3 tháng gần đây nhưng vẫn chưa đủ. Xu hướng đi du lịch dịp hè đang được đánh giá bùng nổ sau 2 năm bị dồn nén do dịch bệnh. 

"Đây cũng là giai đoạn mà các hãng bay tăng thêm doanh thu, lấy lại tổn thất trong đợt dịch vừa qua. Tuy nhiên, các hãng hàng không cần hạn chế việc "té nước" theo giá xăng", một chuyên gia khuyến cáo.

Nâng giá vé để bù đắp chi phí

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu chiếm 30-40% trong tổng chi phí của hãng bay. Khi giá nhiên liệu tăng, buộc nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới phải nâng giá vé để bù đắp chi phí.

"Tất cả chúng ta đều phải trả nhiều tiền hơn để đổ đầy bình xăng của mình và máy bay cũng vậy. Giá nhiên liệu là một nguồn chi phí lớn của hàng không, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi giá vé máy bay tăng mạnh", IATA nhận định.

Việc giá vé máy bay tăng cao đang trở thành rào cản với khách đi du lịch. Các công ty du lịch cho biết giá các sản phẩm du lịch đã tăng khoảng 5-10% tùy tuyến, do chi phí vận chuyển tăng.

Theo một hãng du lịch, với tình hình xăng dầu tăng giá khá cao như hiện nay, mức giá tour chưa thể đạt được như kỳ vọng so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch. Đây là khó khăn của ngành du lịch nói chung.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá vé máy bay tăng "nóng"