Hơn 30 năm đồng hành với ngành giáo dục Hải Dương trong cung cấp bảo hiểm thân thể (BHTT) học sinh, giáo viên, nhưng đến nay Bảo Việt có thêm nhiều đối thủ.
Các doanh nghiệp cần cạnh tranh lành mạnh khi cung cấp dịch vụ bảo hiểm thân thể cho học sinh, giáo viên
Giành giật thị phần
Một số lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều cho rằng thị trường BHTT học sinh, giáo viên trong năm học 2017-2018 sẽ nóng hơn. Nguyên nhân là do có thêm một số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia như Bảo Long (AAA), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm Hàng không (VNI)... Phí tham gia BHTT năm học mới được các doanh nghiệp dự kiến khoảng 150.000 đồng/học sinh/năm. Như vậy, tổng số tiền BHTT học đường trên địa bàn tỉnh có thể đạt hơn 65 tỷ đồng, tăng khoảng 33% so với năm học trước.
Với thế mạnh có hệ thống văn phòng giao dịch rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố, Bảo Việt Hải Dương tăng cường tiếp cận các trường học để giữ thị phần. Một lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết: "Mọi việc rất khó nói trước. Chúng tôi đã gặp trường hợp khi chuẩn bị ký hợp đồng thì họ lại thay đổi vì hiệu trưởng có người nhà cũng làm BHTT".
Các doanh nghiệp nhỏ hơn và đến sau cũng tập trung giữ thị phần. Nếu Bảo hiểm PJICO Hải Dương tập trung ở huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng thì Bảo Minh chú trọng vào địa bàn thị xã Chí Linh... Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI) Hải Dương cho biết: "Ngoài giữ vững thị phần trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, một phần thị xã Chí Linh, TP Hải Dương, năm học này chúng tôi đã khai thác thêm các huyện Thanh Miện, Cẩm Giàng...". Nhiều trường ở TP Hải Dương được đồng thời 2-3 doanh nghiệp chào mời cung cấp BHTT học sinh, giáo viên.
Trong năm học 2016-2017, thị phần BHTT học đường của Bảo Việt chỉ còn gần 72%, giảm 8% so với năm học 2015-2016; PVI chiếm khoảng 11,5%, giảm gần 2% so với năm học trước. Trong khi đó, Bảo Minh, Bảo hiểm PJCO chiếm từ 7 - 9%, tăng 2-3%, còn lại là Bảo bưu PTI...
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015-2016, tỉnh ta có 938 trường với hơn 330.000 học sinh THCS, tiểu học, mầm non tham gia bảo hiểm với mức phí 100.000 đồng/năm/học sinh. Cùng với đó là khoảng 100.000 học sinh THPT, giáo dục thường xuyên, sinh viên, cán bộ, giáo viên tham gia bảo hiểm với mức phí 150.000 đồng/người/năm.
Cần cạnh tranh lành mạnh
Cạnh tranh trên thị trường BHTT luôn diễn ra quyết liệt. Chính vì các điều khoản, phí bảo hiểm giữa các công ty tương đồng nhau nên quyền lợi bảo hiểm luôn là một biện pháp quan trọng để các doanh nghiệp giành giật thị phần.
Cùng mức phí 150.000 đồng/người/năm nhưng mức chi trả quyền lợi tối đa lại dao động từ 17 - 22 triệu đồng/trường hợp tùy từng doanh nghiệp. Theo đại diện PVI Hải Dương, để tiếp cận được các trường học ở Thanh Miện, doanh nghiệp phải chấp nhận giữ mức phí tham gia BHTT 100.000 đồng/học sinh như đối với các vùng sâu, xa, khó khăn. Bên cạnh đó là cạnh tranh bằng tỷ lệ chi phí để lại hỗ trợ cho nhà trường thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Nhiều doanh nghiệp còn miễn giảm phí bảo hiểm cho học sinh, giáo viên thuộc đối tượng chính sách xã hội… Ông Nguyễn Văn Duân, Giám đốc PJICO Hải Dương cho biết: "Để hỗ trợ khách hàng, năm học này chúng tôi tăng mức chi trả từ 85.000 đồng lên 100.000 đồng cho 1 ngày nằm viện".
Để cung cấp BHTT học sinh, giáo viên, nếu các huyện đều có 2 doanh nghiệp bảo hiểm thì thị xã Chí Linh hiện có 4 doanh nghiệp và TP Hải Dương tới 6-7 doanh nghiệp tiếp cận các trường học. Bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Chí Linh cho rằng, BHTT học sinh, giáo viên mang tính chất tự nguyện. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này cần cạnh tranh lành mạnh bằng các tạo dựng thương hiệu tốt, có cách làm hiệu quả và chú trọng quyền lợi của khách hàng.
THÀNH LONG