Anh Day là thợ may có thứ hạng tại thôn Tư kết duyên với chị Lanh ở làng chài. Hai người đẹp đôi như Tiên Đồng, Ngọc Nữ.
Anh Day là thợ may có thứ hạng tại thôn Tư kết duyên với chị Lanh ở làng chài. Hai người đẹp đôi như Tiên Đồng, Ngọc Nữ. Day cao một mét bảy lăm, mặt chữ điền, da màu bánh mật, đôi mắt đẹp mê hồn, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Lanh cổ cao ba ngấn, gương mặt trái xoan thanh tú, màu da trắng hồng, dáng dấp như minh tinh màn bạc. Nghịch cảnh! Đứa con gái đầu lòng của họ đầu thai nhằm cửa nhà thị Nở. Cô bé càng lớn lên càng tương phản với vẻ đẹp hoàn hảo của đấng sinh thành. Chị Lanh cổ cao ba ngấn thì cô Lê (con gái chị) cổ thấp ngang vai. Gương mặt chị Lanh khả ái khiến cho ai nhìn rồi không muốn chớp mi thì gương mặt cô Lê cụt ngủn, mắt trố lồi, môi dày như miếng thịt trâu, da sần sùi, đen nám. Chị Lanh cao ráo, thắt đáy lưng ong thì cô Lê lùn tịt như đòn bánh tét lắc lư. Cô Lê bước đi bậm bịch, lặc lè như con vịt bầu, giọng nói the thé, gờn gợn cõi âm. Tạo hóa chưa chịu dừng bàn tay bất công, bạc ác ở đó. Đồng hành với thể xác kệch cỡm, dị hợm là cái nết dở dở, ương ương của cô Lê như cái hàn thử biểu dự báo thời tiết sáng nắng, chiều mưa.
Hơn bốn mươi cái xuân, cô Lê làng chài vẫn đi về một cõi. Cõi của cô là túp lều chênh vênh trên con dốc đường đi ra biển. Quãng nửa đêm, khi mọi người bỏ lại sau lưng sự vật vã của một ngày làm kiếp người, thì cô Lê mở hết công suất chiếc máy cassette cũ hèm, rống giọng như dồn hết nội lực cho lần sau cuối. Y như rằng cô Lê phá bĩnh sự yên tĩnh của mọi người để trả thù đời đen bạc. Dạo nọ, người ta không thấy cô Lê gánh cá mướn. Sáng sáng, một góc ngã tư, một người đàn bà đeo kính đen ngồi bắt chéo hai chân, miệng phì phèo đốt thuốc lá. Đó là lúc cái hàn thử biểu xê dịch. Không ai dám cười trước mặt điệp viên 007 xuất hiện ở làng chài. Cười xong, coi chừng mang họa.
*
Phía dưới con dốc đường đi ra biển cũng là một mảnh đời bập bềnh sóng nước. Không biết chàng ta đến từ đâu? Sinh ra mùa nào mà đời khổ ải vậy. Một lần tôi hỏi Tẫn: “Sao anh không tìm một nửa kia ráp lại?”. Tẫn ngơ ngác: “Nhà báo nhiều chữ nghĩa, nói toẹt móng heo cho tôi biết chuyện gì có hơn không?”. Chàng cười toe toét, để lộ mấy cái răng ám khói nicotin vàng khè khi hiểu nội dung câu hỏi của tôi: “Vợ con đèo bòng làm chi. Với lại ai thèm lấy một gã nghèo kiết xác như tôi nhỉ?”. Tôi ngoái đầu nhìn lên con dốc, mắt hấp háy, cười: “Điệp viên 007 gái tân”. Tẫn lắc đầu quầy quậy. Trông bộ dạng anh ta giống hệt một gã hề: "Tôi đâm đầu vào đó để ngày ngày nghe liên khúc dân ca các miền hở? Mấy hôm nay không biết ai chọc ghẹo, mụ ấy chửi sa sả không ngừng”. Tôi không dị ứng với cô Lê, vì suy cho cùng, chửi cũng là một cách giải tỏa. Có điều chửi ở đâu và công suất của nó là bao nhiêu? Anh muốn chửi thì cứ đến chỗ vắng vẻ, tha hồ.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, người tứ cố vô thân như Tẫn có khi nào buồn chán không? Một túp lều xập xệ, một người đàn ông lúc nào cũng khệ nệ bộ đồ câu nháng trên tay. Mùa hè, trưa trưa, thi thoảng cũng có vài người tạt vào nghỉ chân, bắn một bi thuốc Lào, rít sòng sọc vui tai. Những lúc như vậy trông Tẫn thật hồn nhiên, đáng yêu với khách. Ở cái làng chài nhà cửa mọc san sát, dừa gối tán lá vào nhau, con trai giữ chặt con gái để “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/Chừng nào hết cỏ mới qua đồng người” này, tôi là người thân thiết với Tẫn nhất. Phần vì Tẫn sống lẻ loi cần sự sẻ chia. Ở khía cạnh khác, Tẫn có lối kể chuyện cuốn hút người nghe. Mỗi khi thấy tôi bước vào thềm, Tẫn cười hì hì: “Hôm nay nhà báo có mang báo cũ tặng tôi không? Nhà báo cần tin tức gì nào?”. Câu hỏi vừa dứt cũng là lúc Tẫn trao cho tôi ly nước trà nóng hổi. Tức thì chuyện nọ xọ chuyện kia tuôn chảy: “Ông Tản đánh bắt hơn ba tấn cá chù, thương lái mua hết từ lúc mờ sáng… Giá mực ống hôm nay tăng mười nghìn đồng một cân… Con Lan xóm dưới tẹo mẹo với thằng Hùng bị chồng bắt tại trận, cạo đầu…".
Tẫn dừng câu chuyện nửa vời, bắn một bi thuốc lào, ngửa mặt lên trời phả ra một luồng khói trắng xóa, sảng khoái. Tin tức sau cùng của Tẫn bao giờ cũng nóng sốt: “Có chuyện này đau xót lắm nhà báo!”. Tẫn tộp ngụm trà, nét mặt chợt buồn đến lạ: “Hồi sáng không biết ai bỏ cháu bé mới sinh vào cái thùng giấy đặt trước cửa nhà tôi. Cháu đã tắt thở. Trời ơi! Ai mà độc ác!”. Tôi sửng sốt: “Thế ông giải quyết chuyện ấy ra sao?”. Tẫn bùi ngùi: “Mình dùng nước ấm lau rửa cháu sạch sẽ, lấy khăn quấn lại, đem vào rừng chôn cất chứ biết làm cách nào hơn!”. Tẫn bảo cái số của Tẫn đen như cứt chó. Cũng là người đi dạo biển vào mùa đông. Người ta vớ được ti vi, tủ lạnh, tiền có mệnh giá năm trăm nghìn đồng cả xấp… tấp vào bãi biển. Còn Tẫn nhặt nhạnh phao, chai nhựa… bán chẳng mấy đồng. Xui xẻo hơn, thường gặp xác chết. Nhiều lần cái đèn pin trên tay Tẫn run rẩy dừng lại trên cái xác căng phồng bốc mùi. Tẫn nghe như có luồng điện chạy dọc sống lưng. Đêm đen. Gió thét, mưa gào. Xác chết. Và nỗi cô đơn. Nhưng tình yêu thương con người là động lực thúc đẩy Tẫn phải tiến tới. Miệng niệm Phật! Van vái linh hồn kẻ xấu số. “Nhà báo ạ! Những lúc như vậy tôi bủn rủn tay chân, sợ vãi đái ra quần, vậy mà vẫn tiếp cận xem người chết là nam hay nữ, già hay trẻ, mặc quần áo gì để còn chạy về báo cáo cho chính quyền sở tại”. Tôi phì cười: “Người ta biết ông là địa chỉ nhân đạo nên mới gửi cháu bé mới sinh…”. Lời nói tuột nhanh như mối dây, tôi không chộp lại được sợ Tẫn buồn. Ấy thế anh chàng vẫn điềm nhiên, oang oang: “Có một dạo cư dân làng chài gọi tôi là “Tẫn xác chết”. Tôi có duyên gặp xác chết mà. Mình làm điều tốt, hẳn là kẻ khuất mặt phù hộ. Nhà báo có bao giờ thấy tôi đau bệnh chưa?”. Tôi nhìn thẳng vào mắt Tẫn thấy niềm tin lấp lánh.
*
Thời gian đầu lang thang đến làng chài, sáng sáng, Tẫn dùng đôi vai vạm vỡ ghé vào mạn thuyền cộng hưởng sức mạnh đưa thuyền lên bờ, được chủ thuyền cho cá tươi về nấu. Về sau, ngư dân đóng toàn thuyền ca nô mã lực lớn, vươn khơi xa. Cái nghề “đẩy thuyền” và đi “lưới bốc” bị xóa tên trong từ điển làng chài. Tẫn chuyển sang câu nháng. Một chiếc cần câu dài quá khổ, một trục cước dày cộm, một miếng mồi tươi gắn với cục chì bằng ngón chân cái được ném ra xa. Bàn tay Tẫn kéo, rà từ ngày này qua ngày khác. Và anh sống được với nghề. Chán câu nháng, Tẫn đánh lưới hai. Loại lưới thích hợp với việc đánh cá gần bờ trong mùa biển động. Đêm đông, sóng gió ầm ào. Một chiếc xuồng bé tẹo với mấy tay lưới hai, Tẫn đánh đố với hiểm nguy để tồn tại. Đêm đêm, người làng chài nhìn ra biển thấy ánh đèn như hạt đỗ thoắt ẩn, thoắt hiện là lắc đầu, ngán ngẩm. Một lần, chong xuồng vào bờ, Tẫn không giữ vững tay chèo, chiếc xuồng bị sóng đánh úp. Trong cơn thập tử nhất sinh, Tẫn cảm nhận như có đôi tay vô hình cứu vớt. Dường như những người chết đuối được Tẫn giúp đã hiển linh!
*
Vào một đêm trời không trăng sao. Người ta chợt thấy cửa nhà cô Lê hé mở. Bóng của một gã đàn ông lách vào. Đèn phụt tắt. Từ dạo ấy cô Lê dở hơi không còn tra tấn dân làng chài bằng máy cassette vào lúc nửa đêm và cũng không còn nổi những cơn thịnh nộ ngẫu hứng. Cô Lê như biến thành một người khác hẳn, mặt tươi như hoa, nụ cười thường trực trên môi, gặp ai cũng chào, thi thoảng còn khe khẽ hát một mình. Thị Nở yêu rồi chăng?
Tẫn là người bắn tin cho tôi đầu tiên: “Có tin thú vị đây! Gái tân đã có bạn tình. Nhà báo biết chàng ta là ai không?”. Tôi cười ngặt nghẽo: “Ối giời ơi! Không ai ngờ cô Lê cũng có người yêu. Tôi mà biết thị yêu ai thì chết liền!”. Tẫn hạ giọng như sợ người ngoài nghe thấy: “Một gã đàn ông đã có vợ con đề huề. Anh ta chuyên kéo màn cho đoàn hát bội từng hát ở đây nhiều năm”. Tôi bái phục Tẫn! Chuyện gì anh ta cũng biết. Tin sốt dẻo ấy nổ ra như cơn địa chấn, gây bất ngờ đối với những ai coi thường cô Lê. Lần đầu tiên tôi thấy cô Lê mặc váy, lại là váy ôm mới hãi. Cô Lê phô diễn tất cả đường nét thô thiển, cục mịch đến tội nghiệp! Chiếc váy đỏ chói dưới cái nắng hè vàng hoe gây ấn tượng mạnh. Cô Lê cứ núng nính bước đi trên cát, hai bàn chân mang guốc mộc bung ra chài bai như người bị bệnh xương khớp lâu năm. Gương mặt cô Lê hiện lên vẻ hoan hỉ khôn cùng, nhất là khi đi ngang qua nhà Tẫn. Tôi thầm nghĩ có khi nào cô Lê chảnh với Tẫn không? Có thể lắm chứ! Cô Lê biết Tẫn ngấm ngầm chê bai mình. Ngờ đâu kẻ chê bai người khác không mảnh tình vắt vai, đáng ghét.
*
Một hôm, Tẫn vào rừng xem chỗ Tẫn chôn đứa bé có ổn không. Chàng sửng sốt thấy cô Lê đang sụp lạy trước nấm mộ nhỏ. Khi an táng bé, Tẫn đã nhấc mấy viên đá đặt trên đầu mộ làm dấu nên nhận ra ngay. Tẫn rón rén đến từ phía sau lưng cô Lê. Trong đầu anh hiện lên bao câu hỏi không tài nào giải đáp. Đứa bé chắc là con cô Lê? Vì sao cô Lê không chôn đứa bé mà lại đặt nó trước cửa nhà anh? Cô Lê bí mật theo dõi anh khi đem đứa bé vào rừng?
Tẫn còn đang ngẫm nghĩ, cô Lê đột ngột đứng dậy, quay phắt ra sau lưng nhìn Tẫn, miệng há hốc, mắt trợn ngược, lí nhí: “Tôi… tôi… ông… làm gì vậy?”. Tẫn nhìn xoáy vào mắt cô Lê, gằn giọng: “Câu hỏi này dành cho cô thì đúng hơn! Cô lạy ai đó? Cô Lê tái mặt, run giọng: “Tôi…tôi… có lạy ai đâu?”. Tẫn tiếp tục truy vấn đến cùng: “Rõ ràng tôi thấy cô vừa khấn vái trước nấm mộ, còn chối hả? Có phải đây là nấm mồ con của cô không?”. Cô Lê bối rối như gà mắc tóc: “Không! Không có! Tôi làm gì có con! Mà có con với ai cơ chứ? Ông nói chuyện xằng bậy!”. Tẫn dứ dứ cái điện thoại trên tay, cười nhạt: “Tôi đã quay hình ảnh của cô vào đây rồi, còn chối hả?”. Đến lúc này cô Lê mềm nhũn như con chi chi: “Tôi xin ông! Tôi lạy ông! Đừng để mọi người biết chuyện này. Đứa bé là con ai tôi không hề biết. Hôm tôi đi dạo biển tình cờ nhìn thấy, biết ông có lòng thương người nên tôi đem về đặt ở cửa ngõ nhà ông để ông chôn cất. Tôi xin lỗi ông! Tôi xin lỗi!...”.
*
Cái tin cô Lê lấy cắp hai mươi triệu đồng của bà Ánh buôn cá lan truyền khắp xóm nhanh như điện xẹt. Trên bến cá, dòng người nhộn nhạo, lố nhố. Tiếng la hét ầm ĩ một vùng. Cô Lê bị chồng con bà Ánh lôi xềnh xệch lên con dốc như người ta lôi con cá cờ to tướng. Có điều con cá cờ thường được ngư dân bỏ trong chiếc bao tải, còn cô Lê thì bỏ trong chiếc váy căng cứng. Bà Ánh luôn miệng chửi rủa: “Mày giả dạng đi gánh cá thuê để trộm cắp! Tiền của tao mày giấu ở đâu? Tao đưa mày tới công an bỏ tù mọt gông! Đồ ăn cướp!”. Cô Lê gào khóc, giãy giụa, mồ hôi trộn với nước mắt nhễ nhại trông thảm hại: “Ối trời ơi! Tôi không lấy cắp tiền của bà! Tôi không lấy! Tôi không lấy! Ai cứu tôi với!”. Không một ai lên tiếng bênh vực cho kẻ trộm. Người ta xô đẩy cô Lê vào nhà cô. Gọi là nhà cho oai, kỳ thật đó là túp lều lợp tranh tạm bợ, tường cót ép, nền nhà cát với cát. Bà Ánh hối con chạy về nhà mang tới cây xà beng. Bà Ánh giữ chặt cô Lê, còn chồng và con trai bà thay nhau xăm nền cát. Chừng mười phút nghe một tiếng bụp vang lên. Con trai bà Ánh buông xà beng, dùng hai tay đào bới liên hồi. Cậu bé la toáng lên sung sướng: “Đây rồi mẹ ơi!”. Tức thì cái hộp nhựa được bật nắp, bên trong hiện lên một bó tiền. Bà Ánh nhào tới chộp bó tiền, reo vang: “Tiền của tôi đây rồi!”, mặc cho cô Lê giãy giụa, gào khóc: “Ôi! Làng xóm ơi! Tiền của tôi gánh cá mướn dành dụm mấy năm ròng! Ai giành lại giùm tôi! Trời ơi!”. Chẳng có người nào đứng về phía cô Lê cả. Thường ngày, cô Lê chửi rủa người ta làm vui. Cô chửi ra rả cả ngày không mỏi miệng. Còn giờ đây cô Lê không vận dụng được sở trường vốn có. La khóc chưa trọn buổi, cô Lê đã mất hết giọng nói, mắt sưng húp, không buồn ăn uống. Chính cái lúc cần chửi rủa nhất thì cô Lê chỉ khục khạc, khào khào trong cổ họng. Đài phát thanh mất sóng.
Hôm sau, ngủ dậy, cô Lê phát hiện một bó tiền nằm giữa nhà. Mắt cô sáng rực. Cô mừng như cha chết sống dậy. Cô Lê mở bó tiền ra ngồi đếm không thiếu một đồng. Người đàn bà lỡ thì chẳng hiểu đầu đuôi xuôi ngược thế nào tiền người ta cướp đi bỗng dưng trở về nhà gọn lỏn. Việc đầu tiên là cô Lê đốt mấy nén nhang vái lạy trước bàn thờ tiên linh ông bà đã phù hộ hung thành kiết.
Cách nhà cô Lê không bao xa cũng có một người đàn bà thắp nhang van vái trước bàn thờ Phật: “Nam mô a di đà Phật! Từ bi hỷ xả! Số tiền hai mươi triệu đồng của con, con bỏ lọt vào thùng cá. Con nghi oan ức cho người ta! Nam mô a di đà Phật!”.
Truyện ngắn củaTRẦN QUỐC CƯỠNG