Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI gửi tới học sinh một vài lưu ý giúp các em ôn thi môn Ngữ văn hiệu quả, đạt kết quả cao.
Ôn luyện trọng tâm kết hợp sơ đồ tư duy
Cô Nguyễn Thị Thu Trang khuyên các thí sinh: "Trong giai đoạn ôn thi nước rút này, học sinh nên tập trung ôn tập kiến thức trọng tâm về văn bản thơ và truyện chủ yếu trong chương trình ngữ văn lớp 9".
Cụ thể, học sinh nên ôn tập theo đặc trưng thể loại bằng cách viết ra hoặc hệ thống hóa bằng hình thức sơ đồ tư duy, bảng tổng kết. Đặc biệt, không đọc văn mẫu và học thuộc lòng, vì đề bài luôn linh hoạt kiểm tra kiến thức kết hợp với năng lực tư duy giải quyết vấn đề nên việc học thuộc máy móc sẽ khó triển khai được ý.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh: "Điều quan trọng là các em cần ôn tập kết hợp với luyện đề hàng ngày; vừa rèn kĩ năng làm bài thi, vừa củng cố kiến thức qua việc vận dụng giải quyết các đề bài. Đồng thời, các em cũng đừng quên trau dồi kiến thức xã hội, cập nhật tin tức để đưa dẫn chứng cụ thể vào kiểu bài nghị luận xã hội. Chủ động tương tác, trao đổi với giáo viên".
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập và ôn luyện của học sinh cuối cấp nói riêng và toàn thể học sinh nói chung. Cô Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: "Các em gặp khó khăn trong kĩ năng làm bài khi không được tương tác trực tiếp, nhiều bạn có tâm lý ngại hỏi, không dám hỏi hoặc loay hoay tự tìm cách. Vì thế, điều quan trọng và quyết định nhất chính là các em cần nâng cao tinh thần tự giác - tự chủ trong quá trình học và thi".
Thời gian không còn nhiều, lời khuyên của cô Trang là thí sinh cần xác định mục tiêu theo ngày, theo tuần. Mỗi ngày giải quyết 1 vấn đề của kiến thức, 1 kĩ năng cụ thể. Đồng thời, các em nên chủ động học hỏi từ thầy cô, bạn bè, trao đổi tài liệu, câu hỏi bằng các hình thức khác, tham khảo thêm các phương pháp học tập hay, hiệu quả.
Phân bố thời gian hợp lý khi làm bài
Theo kinh nghiệm của cô Thu Trang, nhiều học sinh khá giỏi khi thi thường viết rất dài nên không phân bố được thời gian làm bài hợp lý. Do dành quá nhiều tâm huyết và bút lực cho 1 câu, nên đến câu sau, thí sinh có thể “đuối” cả về thời gian và sức lực.
Cô Trang lưu ý, trong bài thi ngữ văn vào 10, tất cả các câu hỏi đều được phân chia điểm thi rất rõ ràng, do đó cần phân bố thời gian làm bài theo từng câu và từng mức điểm thi cụ thể. Ví dụ với câu 5 điểm ở phần làm văn thì cần có nhiều thời gian làm bài hơn, những câu 1-2 điểm thì cần dành ít thời gian làm bài hơn.
Theo cô Trang, để phân bổ được thời gian làm bài hợp lý, trước hết thí sinh cần đọc kĩ đề bài và tìm ý, thời gian này sẽ chiếm khoảng 8-10 phút. Đây là bước rất quan trọng giúp thí sinh xác định được trọng tâm vấn đề, xác định được yêu cầu đề bài để trong quá trình làm bài không bị viết lan man dài dòng, hoặc dành thời gian quá nhiều cho một câu.
Tiếp đó, các em nên làm bài trong khoảng 100 phút. Trong quá trình làm bài cũng cần phân chia nhỏ mức thời gian cụ thể. Ví dụ nếu viết đoạn văn 3 điểm thì các em sẽ phân bố thời gian làm bài khoảng tầm 30-40 phút cho một đoạn văn. Còn với bài văn 5 điểm thì các em phải dành thời gian làm bài khoảng 60-70 phút.
Cuối cùng, phải dành ra ít nhất 5 phút để soát lại bài. Các em cần đọc lại một lượt bài làm của mình để soát lỗi chính tả, lỗi dùng từ, soát xem đã gạch chân đầy đủ chú thích hay có trả lời thiếu ý nào không. Và cuối cùng, các em hãy soát lại kĩ một lần nữa xem phần trình bày bài làm đã rõ ràng chưa, trong trường hợp nếu chưa trình bày khoa học thì các em hãy kịp thời bổ sung, chỉnh sửa.
Giữ vững tâm lý lạc quan, tích cực
Lời khuyên của cô Nguyễn Thị Thu Trang với thí sinh là: "Các em nên bố trí cân đối giữa việc học tập kết hợp nghỉ ngơi ăn uống điều độ, tránh học thêm quá nhiều mà không có thời gian tự học. Về tâm lý, các em hãy giữ suy nghĩ tích cực, thái độ lạc quan, đừng tự tạo áp lực cho bản thân, bình tĩnh gỡ từng khúc mắc, cụ thể hóa nỗi lo lắng. Theo đó, nhiều bạn hay có tâm lý hoang mang lo sợ nhưng khi hỏi thì không biết mình lo sợ điều gì. Các em hãy cụ thể nỗi lo lắng đó ra, lo sợ về kĩ năng nào, lo sợ về dạng bài tập nào... để từ đó nhờ thầy cô, bạn bè cùng hỗ trợ".
"Thêm nữa, các em đừng hoang mang trước những thông tin không chính xác về dự đoán đề thi, xu hướng năm nay... Hãy vững vàng học kiến thức, tin vào bản thân và đặt mục tiêu rõ ràng, đúng năng lực, cô tin các em sẽ chinh phục được kì thi vào 10", cô Trang nhấn mạnh.
Theo báo Tin tức