Chiều 22-7, sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa đã phải trả giá bằng bản án tử hình cho hành vi giết người yêu man rợ của y...
Sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa đã phải trả giá bằng mạng sống của mình
Ngày 22-7, tại trại tạm giam số 1 (Công an Hà Nội), Hội đồng thi hành án đã thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với 3 tử tù, trong đó có tử tù Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, ở tại Kiến An, Hải Phòng) - kẻ giết hại người yêu sau đó chặt đầu, phi tang xác nạn nhân gây rúng động dư luận trong năm 2010.
Theo một cán bộ tham gia thi hành án cho hay, việc thi hành án tử hình đối với 3 tử tù bắt đầu từ 17h và kết thúc vào lúc 19h30 cùng ngày.
Trước đó, tối 4-5-2010, Nguyễn Đức Nghĩa đã ra tay sát hại Nguyễn Phương Linh (SN 1984, trú tại quận Hai BàTrưng, Hà Nội), người yêu cũ của Nghĩa, tại tòa nhà chung cư thuộc Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Sau khi gây án, Nghĩa lấy máy tính xách tay, điện thoại di động và xe máy của nạn nhân đi cầm cố được 5 triệu đồng. Để che giấu hành vi, Nguyễn Đức Nghĩa đã dã man cắt đầu và ngón tay của nạn nhân rồi mang đi vứt tại khu vực thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Sau đó, khi cơ quan công an phát hiện thi thể nạn nhân, hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa bỏ trốn lên Thái Nguyên và bị bắt sau đó.
Ngày 14-7, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX sơ thẩm TAND Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa 6 năm tù về tội cướp tài sản, tử hình về tội giết người; tổng hợp hình phạt là tử hình.
Cho rằng hành vi giết người của mình không "man rợ" như cáo trạng truy tố, Nguyễn Đức Nghĩa đã làm đơn kháng án.
Ngày 11-11-2010, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa. Xét hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, HĐXX phiên phúc thẩm đã bác toàn bộ đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa tử hình về tội giết người.
Chỉ 4 ngày sau phán quyết của tòa phúc thẩm, Nghĩa làm đơn ân xá gửi lên Chủ tịch nước. Tuy nhiên, tại văn bản 2221, chủ tịch nước đã bác đơn ân giảm của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa.
Tuy bị kết án tử hình, nhưng suốt thời gian dài, Nguyễn Đức Nghĩa vẫn sống trong trại giam chờ đợi ngày đền tội. Lý do là khi Nghĩa bị tuyên án tử hình, quy định thi hành án bằng tiêm thuốc độc vẫn chưa có hiệu lực. Đến khi quy định này có hiệu lực, suốt một thời gian dài, cơ quan thi hành án vẫn chưa chuẩn bị đủ trang thiết bị và thuốc men để thực hiện.
Sau hơn 4 năm, khi vụ án kinh hoàng ngày nào đã dần chìm vào quên lãng, Nguyễn Đức Nghĩa đã bị đưa ra xử tử theo đúng quy định pháp luật.
KHÁNH CÔNG(VnM)