Thi đua là gieo trồng

05/07/2013 08:59

Ngày 5-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta" (bút danh C.B), đăng báo Nhân dân số 15.

Trong bài viết, Bác chỉ rõ mục đích và kết quả tiêu biểu của phong trào thi đua ái quốc là đã góp phần làm cho “công việc tiêu diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm sẽ mau đến ngày hoàn toàn thắng lợi”. Đồng thời, bài báo cũng nêu lên những khuyết điểm, nguyên nhân và sự cần thiết phải sửa chữa ngay những khuyết điểm này để phong trào thi đua phát triển rộng khắp và có kết quả hơn.

Đối với Bác Hồ, thi đua là khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự cường, lòng tự tôn và khí phách tự hào dân tộc. Cần quy tụ mọi tầng lớp nhân dân thành một khối đại đoàn kết để phát động mọi người thi đua yêu nước, ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Bác Hồ: “Công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua”, bất kỳ công việc gì ích nước lợi nhà đều có thể và cần phải thi đua. Người lấy thi đua làm động lực, bồi dưỡng nâng cao, phát huy lòng yêu nước; qua phong trào thi đua làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập; lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua.

Trong các cuộc nói chuyện ở các cơ quan, đơn vị, Bác thường đề cập tới công tác thi đua. Trong vòng 20 năm, từ năm 1948 đến 1968, Bác đã có hơn 30 bài nói, bài viết, thư khen về công tác thi đua, chưa kể các văn bản quy phạm pháp luật do Bác ký ban hành về công tác thi đua. Bác thường dạy: Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khi đọc các báo, tài liệu hay bản tin có nêu gương "người tốt, việc tốt" trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập, Bác đều đánh dấu, đề nghị xác minh và khen thưởng kịp thời. Bác còn gửi tặng Huy hiệu của Người cho những ai làm được việc tốt.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, lúc thuận lợi, khi khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua luôn luôn được giữ vững và phát triển ngày càng sâu rộng, trở thành truyền thống, thành kinh nghiệm quý báu của Đảng, của nhân dân ta. Thi đua thực sự là động lực thúc đẩy nhân dân ta nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

62 năm kể từ bài viết của Bác, đến nay kiểm lại, người người vẫn thấy mình phải tiếp tục phấn đấu, tiếp tục thi đua, tiếp tục trở thành những chiến sĩ trên mặt trận của mình "để đi đến thắng lợi cuối cùng".

PHƯƠNG DUNG (biên soạn)

(0) Bình luận
Thi đua là gieo trồng