Vượt qua những đoạn đường khó đi nhất, chân và tay tôi liên tục nhấn phanh, phần đầu xe máy thi thoảng bị chẹo khi gặp đá, gạch hoặc ụ đất nhỏ trên mặt đường...
Chiếc xe máy Wave gắn bó với bưu tá Đồng Xuân Hồng trên mọi nẻo đường
Hun hút đường đồi
Một ngày đầu tháng 12, tôi vượt hơn 50 km từ TP Hải Dương về UBND xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) tìm gặp bưu tá Đồng Xuân Hồng (57 tuổi). Anh Hồng đã gắn bó với nghề được 10 năm. Khi tôi đến, anh đang tất bật phát công văn tới các phòng, ban của xã nhưng không quên quay ra nhắc: “Tôi nhiều việc quá, chắc cô phải chờ lâu đấy”. Sau hơn 30 phút, anh Hồng ngồi lên chiếc xe máy cũ, đề 3 lần mới nổ máy. Tôi theo anh đến cả 7 thôn để phát công văn và thư mời họp. Đi qua trục đường chính đã được bê-tông hóa là đoạn đường đất dẫn vào thôn Tân Lập. Anh Hồng rẽ trái, rẽ phải nhiều lần, càng đi vào sâu thì đường càng quanh co và heo hút. Nhiều đoạn đường có đá nổi gồ ghề hoặc rễ cây mọc cả lên mặt đường, tôi vừa cố gắng giữ chặt tay lái vừa nhìn theo anh Hồng vì chỉ sợ bị lạc. Có những đoạn đường đất vào các ngõ, xóm chỉ rộng hơn 1 m. Chúng tôi tiếp tục vượt dốc, qua những con đường mòn ở hai bên chỉ có cây cối âm u và đồi đất cao đến thôn Đồng Châu và các thôn Đá Bạc 1, Đá Bạc 2, Hố Sếu, Hố Giải, Thanh Mai. Có những con đường đất dài hơn 3 km. Hoàng Hoa Thám là xã duy nhất của tỉnh có gần 2 km tỉnh lộ 398 B vẫn là đường đất.
Vượt qua những đoạn đường khó đi nhất, chân và tay tôi liên tục nhấn phanh, phần đầu xe máy thi thoảng bị chẹo khi gặp đá, gạch hoặc ụ đất nhỏ trên mặt đường. Anh Hồng vẫn tươi cười chào hỏi mọi người và giới thiệu về những cảnh đẹp của quê hương. Khi ấy, tôi cũng chỉ dám nhìn theo xe của anh, vì nếu không tập trung thì tôi có thể bị ngã hoặc lạc đường bất cứ lúc nào. Anh Đồng Xuân Hồng chia sẻ: “Rất nhiều lần bánh xe bị nổ lốp và tôi phải dắt bộ do xe đâm vào gai, đá nhọn hoặc đinh. Trời mưa, nhiều đoạn đường bị ngập nên xe bị chết máy là chuyện thường xuyên xảy ra. Lần gần đây nhất là tháng 6-2013, trời mưa to, nước suối qua thôn Đồng Châu chảy xiết, tôi đã dừng xe để dắt bộ nhưng vẫn bị dòng nước đẩy cả xe và người trôi đi. Tôi đã cố gắng hết sức mới có thể lên được bờ”.
Vượt khe núi đáTheo sự giới thiệu của Bưu điện huyện Kinh Môn, tôi về thị trấn Minh Tân tìm gặp bưu tá Vũ Thị Tâm (47 tuổi). Minh Tân là một trong những xã, thị trấn có địa hình phức tạp và hiểm trở nhất của huyện. Do đường xa và khó đi, hơn 2 năm qua, chị Tâm chỉ dám đi xe đạp. Chị dẫn tôi đi “mục sở thị” đoạn đường “kinh khủng” nhất mà hằng ngày chị vẫn đi qua. Đó là con đường khai thác đá của Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch đóng trên địa bàn thị trấn. Núi đá cao che khuất tầm nhìn, để chuyển thư và bưu phẩm cho Công ty CP Tân Hà Kiều ở bên kia núi đá, chị Tâm phải vượt qua khe núi là dốc cao với mặt đường lởm chởm những cục đá lớn. Xe máy của tôi đã về số 2 nhưng lên dốc vẫn rất khó khăn. Mặt đường ngoài đá còn có cát, bụi dính và làm chệch bánh xe. Khoảng 3-4 phút lại có xe tải chở nguyên vật liệu đi qua, bụi bay mù mịt và trắng xóa cả đoạn đường. Chị Tâm chia sẻ: “Những ngày mưa, bùn dính chặt vào bánh xe không thể đi được. Tôi phải xuống dắt xe và đi bộ. Ngày nắng thì bụi dính trắng cả lông mi, tóc nên về đến nhà là tôi phải tắm gội ngay. Cũng có ngày tôi đi qua đoạn đường này 2 lần, vì có bưu phẩm gửi về là tôi phải chuyển ngay để bảo đảm kịp thời hoạt động sản xuất của công ty. Nhiều lần xe chệch bánh, chị Tâm bị ngã khiến chân tay trầy xước và tứa máu. Chiếc xe đạp của chị cũng bị cong vành, méo mó. Không ít lần tôi đi qua đoạn khai thác đá của Công ty Hoàng Thạch, họ đang cho nổ mìn để lấy đá, đá nhỏ bay tung tóe xuống chân núi”.
Cạnh thị trấn Minh Tân là xã Tân Dân cũng có địa hình đồi núi khá phức tạp. Bưu tá Lê Thị Hân (36 tuổi) làm việc được hơn 1 năm dẫn tôi đến những thôn thuộc vùng xa của xã như Đồng Hèo, Thượng Trà, Thượng Chiểu. Thi thoảng chị dừng xe, chỉ tay về những quả đồi ở phía xa và giới thiệu đó là nơi mà hằng ngày chị vẫn đi phát báo, thư, bưu phẩm, công văn. Có những sườn đồi rộng 3-4 m nhưng chỉ toàn là đường đất, vách đất ở 2 bên sườn cao hơn 10 m. Chị Hân cho biết: “Người dân ở đây sống chủ yếu ở chân đồi, mật độ dân cư thưa. Đường trong thôn và các sườn đồi hầu hết vẫn là đường đất, khi mưa rất lầy lội và trơn. Để phát một bưu phẩm tới người nhận, có khi tôi phải đi nửa ngày”. Địa hình đồi núi hiểm trở và heo hút, chị Lê Thị Hân vẫn một mình đi phát thư, bưu phẩm qua 4 thôn. Những khi xe hỏng hoặc bị ngã nhưng chị không tìm được người giúp.
Cần được hỗ trợTheo số liệu của Cục Thống kê, năm 2012 tỉnh Hải Dương có 265 xã, phường, thị trấn trong đó có 20 xã miền núi ở thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn. Mỗi xã có một bưu tá, ở những xã có diện tích rộng, địa hình phức tạp thường có 2 bưu tá. Không chỉ khó khăn về giao thông, bưu tá ở các xã miền núi còn gặp nhiều rủi ro và nguy hiểm. Các bưu tá đều đi làm việc độc lập, những rủi ro về an ninh như gặp đối tượng trộm cắp, nghiện hút luôn rình rập. Không ít bưu tá vùng xa đã nghỉ việc vì thấy quá vất vả và khó khăn, thậm chí có người làm việc chưa được 1 tháng. Công việc vất vả và nguy hiểm, nhưng mức lương của bưu tá vùng xa hiện nay chỉ từ 0,6 - 1 triệu đồng/người/tháng. Ở những xã phát triển dịch vụ thu cước viễn thông, bán thẻ điện thoại, phát các ấn phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp thì tính cả thu nhập phát sinh cũng chỉ 1,8-2 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù đã được Bưu điện tỉnh và Bưu điện huyện động viên, chia sẻ về mặt tinh thần nhưng đồng lương ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống gia đình.
Trong thời gian làm việc, những người bưu tá vùng xa luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, họ vẫn lên đường phát những cánh thư, công văn và bưu phẩm. Công việc vất vả là vậy nhưng họ đều tâm huyết và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Theo chân các bưu tá, tôi thấy họ luôn nở nụ cười khi gặp người dân địa phương. Bưu điện tỉnh và chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của các bưu tá vùng xa, miền núi, tạo điều kiện cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
LÊ XUYỀN