Được coi là một trong những mắt xích quan trọng hỗ trợ phát triển du lịch Hải Dương, các điểm dừng chân du lịch (ĐDCDL) liên tục đổi mới để tăng thêm sức hấp dẫn.
Sản phẩm bày bán tại các điểm dừng chân du lịch ngày càng đa dạng. Ảnh: Nhân Chính
Đi vào hoạt động cách đây hơn 10 năm, ĐDCDL 559 tại phường Chí Minh (Chí Linh) luôn thu hút đông khách du lịch tham quan, mua sắm. Diện tích rộng 12.000 m2 được bố trí làm 2 khu riêng biệt gồm khu ăn uống và mua sắm. Mỗi khu được sắp xếp thành những bộ phận khác nhau như khu ăn uống, khu vực tiếp khách. Khu vực bán hàng được sắp xếp thành từng vùng miền cho khách hàng dễ tham quan, lựa chọn.
Để tận dụng mọi diện tích và thu hút được sự quan tâm của du khách, đơn vị đã tìm hiểu, nghiên cứu cách thức tổ chức của nhiều ĐDCDL khác. Ông Phạm Mệnh Cử, người quản lý điểm dừng chân này cho biết: “Ngoài tận dụng được ưu điểm về khoảng cách hợp lý (cách Hà Nội và Quảng Ninh mỗi điểm 100 km), đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ, chúng tôi cố gắng thu hút khách hàng bởi sự chuyên nghiệp, chu đáo trong phục vụ và đa dạng các sản phẩm. Hiện ĐDCDL 559 có hàng trăm sản phẩm khác nhau để khách hàng lựa chọn". Năm 2016, đơn vị thu hút khoảng 280.000 lượt khách. Ước tính trong 2 ngày cuối tuần vừa qua ĐDCDL này đón tiếp khoảng 3.000 lượt khách/ngày. Dự kiến trong những ngày tới lượng khách sẽ còn đông hơn do đã vào mùa lễ hội.
Mấy năm gần đây, việc phục vụ khách tại các ĐDCDL trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyên môn hóa rõ rệt. Có điểm chỉ chuyên phục vụ khách Trung Quốc, có điểm chỉ phục vụ khách Nhật Bản, có điểm chủ yếu phục vụ khách trong nước... Do chỉ hướng đến một đối tượng khách hàng nhất định nên phong cách trang trí cửa hàng, các sản phẩm bày bán, giá cả và cách thức phục vụ của nhân viên những điểm này cũng có sự khác biệt.
Các điểm dừng chân du lịch phải thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút du khách
Trái với sự nhộn nhịp, ồn ào ở điểm dừng chân 559, khi vào điểm dừng chân Việt Tiên Sơn (Chí Linh), chúng tôi thấy sự tĩnh lặng, trật tự dù ở đây vẫn đang có nhiều khách hàng đến mua sắm. Anh Nguyễn Văn Tuân, người quản lý ở đây cho biết: “Trước đây điểm cũng tiếp đón nhiều đối tượng khách hàng, tuy nhiên gần đây điểm đã có sự lựa chọn riêng đó là hướng đến phần lớn là khách hàng Nhật Bản, bởi người Nhật có ý thức cao, mua sắm văn minh và có tiềm năng hơn những khách hàng khác”. Để đón tiếp được khách Nhật, các nhân viên ở đây đều biết tiếng Nhật hoặc tiếng Anh.
ĐDCDL là nơi du khách chỉ lưu lại trong thời gian ngắn song nếu được đón tiếp chu đáo, lịch sự sẽ giúp du khách có ấn tượng tốt đối với vùng đất Hải Dương. Ông Phạm Mệnh Cử cho biết thêm: “Sự phát triển ngày càng nhiều nhà hàng, khách sạn cùng với các trung tâm thương mại dọc quốc lộ 18 là thách thức lớn của ĐDCDL 559. Do đó, chúng tôi đang triển khai dự án ĐDCDL sinh thái với vườn sinh thái, khu chơi golf, khách sạn nghỉ dưỡng 3 sao và quầy bán hàng lưu niệm hiện đại để phục vụ du khách”.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu các ĐDCDL chậm đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, các sản phẩm lưu niệm bày bán cho du khách thiếu hấp dẫn và "chặt chém" du khách khi mua quà lưu niệm thì sẽ dần thưa vắng khách. Chị Nguyễn Thị Lan, hướng dẫn viên Công ty Du lịch S Việt Tour (Hải Phòng) cho biết ở một số ĐDCDL của Hải Dương vẫn có tình trạng phân biệt giữa khách nước ngoài và khách trong nước. Tình trạng "chặt chém" khi du khách nước ngoài mua hàng lưu niệm vẫn còn xảy ra. “Chỉ một gói chè nhỏ vài gram bọc trong chiếc túi vải thêu hoa nhưng một số ĐDCDL trên đường 18 hét giá đến 700.000 đồng với du khách. Việc này không nên có ở các ĐDCDL”, chị Lan nói.
Hải Dương hiện có gần 20 nhà hàng, doanh nghiệp kinh doanh dưới hình thức ĐDCDL, tập trung ở thị xã Chí Linh, TP Hải Dương và nằm dọc các quốc lộ 5, 18 và 37. Đây là những nơi trung chuyển giữa các điểm du lịch ở Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng. Do đó, để thu hút du khách, các ĐDCDL cần luôn tự đổi mới, thường xuyên tham vấn ý kiến của du khách hoặc những hướng dẫn viên du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng cho mình một thương hiệu riêng.
LAN NGỌC
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ có thêm từ 3-5 điểm dừng chân du lịch, tập trung trên quốc lộ 18, quốc lộ 5. Các điểm dừng chân này sẽ được xây dựng bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và tăng cường bảo đảm an toàn giao thông. Tại các điểm dừng chân này sẽ được bố trí nội thất, kệ, quầy bán hàng đáp ứng đồng thời hai yếu tố thẩm mỹ và thông thoáng. Không gian mua hàng thuận tiện để hành khách đi lại, đứng xem, chọn hàng, thử hàng, mua hàng. Các điểm dừng chân du lịch phải đáp ứng yêu cầu xanh, sạch, văn minh để quảng bá hình ảnh của địa phương. |