Kể từ ngày 1.4.2019, Hiệp ước về hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine đã chấm dứt hiệu lực do phía Ukraine không muốn gia hạn.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine rất căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea
Với việc hiệp ước này chính thức chấm dứt hiệu lực, mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới.
Hiệp ước về Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine
Hiệp ước về Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine được ký ngày 31.5.1997 tại Kiev. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau. Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1.4.1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối. Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Năm 2019 là thời hạn để Hiệp ước được gia hạn lần thứ hai, song phía Ukraine đã ra luật chấm dứt hiệu lực văn kiện này.
Hồi đầu tháng 9.2018, chính quyền Ukraine chính thức thông báo cho phía Nga về ý định rút khỏi Hiệp ước Hữu nghị. Tiếp đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký ban hành sắc lệnh về việc ngừng hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine, chiểu theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (SNBO) về việc chấm dứt hiệp ước trên, theo đó luật có hiệu lực từ ngày 12.12.2018. Nội các Ukraine cũng đã chỉ thị Bộ Ngoại giao thông báo cho Nga và các tổ chức quốc tế về mong muốn của Kiev chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị.
Như vậy, Ukraine không còn nghĩa vụ thực hiện Hiệp ước và được toàn quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình theo Thỏa thuận ngừng hiệu lực chiểu theo điều 70 Công ước Vienna về các thỏa thuận quốc tế.
Những nấc thang căng thẳng
Trên thực tế quan hệ giữa Nga và Ukraine đã trở nên căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và việc Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea (Crưm) kể từ năm 2014.
Năm 2018 căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên quan tới biển Azov bùng phát sau một loạt vụ hai bên bắt giữ các tàu của nhau, đỉnh điểm là vụ Hải quân Ukraine bắt giữ tàu đánh cá Nord của Nga cuối tháng 3 cùng 10 công dân Nga, hay tàu chở dầu Mechanic Pogodin hồi tháng 8. Đáp lại, Nga siết chặt việc kiểm tra các tàu nước ngoài qua eo biển Kerch, trong đó nhiều tàu thương mại của Ukraine cũng bị giữ.
Đến tháng 11.2018, quan hệ giữa Nga và Ukraine đã bị đẩy lên mức nghiêm trọng sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải. Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov. Với sự yểm trợ của máy bay quân sự quần đảo phía trên, tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu. Đụng độ khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga.
Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn các tàu Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nêu rõ 3 con tàu của Ukraine đã không phản hồi những yêu cầu hợp pháp của giới chức Nga, xâm phạm biên giới Nga để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng lãnh hải Nga. Phía Nga đánh giá đây là hành động khiêu khích với ý đồ "quân sự hóa" biển Azov, và đã triển khai thêm tàu cùng lực lượng tới khu vực này.
Do những căng thẳng, bắt đầu từ ngày 26-11-2018, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Nga là nam giới trong độ tuổi từ 16 - 60. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên quan tới biển Azov là một "sự cố biên giới" và việc Kiev ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov là "một phản ứng thái quá". Nga và Ukraine cũng đã có những biện pháp trừng phạt lẫn nhau sau vụ việc này.
Những diễn biến căng thẳng liên quan tới biển Azov được xem là bước gia tăng đối đầu trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine, có nguy cơ đẩy hai nước tới bờ vực của cuộc đụng độ quân sự quy mô lớn.
Trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraine đang leo thang sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine, ngày 3-12-2018, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã trình Quốc hội một dự luật khẩn về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine. Ngày 10-12-2018, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng tuyên bố việc chấm dứt hiệu lực Hiệp ước Hữu nghị Nga - Ukraine là “một phần của chiến lược hoàn toàn cắt đứt với quá khứ và hướng sang châu Âu”.
Không những chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine, ngày 18-1 vừa qua, Ukraina còn đã thông báo 49 thỏa thuận giữa nước này với Liên bang Nga đã bị hủy bỏ, đồng thời lưu ý khoảng 50 thỏa thuận nữa giữa hai bên sẽ có thể chung số phận và xem xét toàn bộ cơ sở thỏa thuận pháp lý với Nga.
Gây trở ngại cho quan hệ Nga-Ukraine
Trước việc Ukraine chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine, phía Nga lấy làm tiếc về động thái mà theo Moskva là mang tính "phá hoại" của Kiev đồng thời gọi hành động của Kiev là “tự bắn vào chân mình”.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng văn kiện này có ý nghĩa nền tảng trong quan hệ song phương, nếu bị chấm dứt thì phía Ukraine thiệt hại nhiều hơn so với Nga.
Chuyên gia chính trị Alexey Chesnakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cục diện chính trị, cho rằng quyết định của chính quyền Ukraine rút khỏi Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác với Nga sẽ gây trở ngại lớn tới các cuộc đàm phán về Biển Azov và Eo biển Kerch, kể cả đàm phán của nhóm Bộ Tứ Normandy (Đức, Pháp, Nga và Ukraine).
Ông cho biết thêm rằng quyết định của Kiev cũng sẽ xóa bỏ cơ sở pháp lý cho thỏa thuận song phương hiện nay về tự do hàng hải trên Biển Azov và Eo biển Kerch, vốn chủ yếu dựa trên Hiệp ước Hữu nghị. Ông kết luận: "Với hướng đi này, Ukraine đã tự ý tước bỏ quyền tự do hàng hải của mình trong khu vực Biển Azov và Eo biển Kerch".
Theo TTXVN