Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV) có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 được cộng đồng doanh nghiệp này đón nhận nhiệt tình với hy vọng sẽ được tiếp thêm động lực để phát triển.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển
Kỳ vọng
Ông Đoàn Bá Đàm, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông lâm sản TMD (Gia Lộc) đặt nhiều kỳ vọng vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV. Theo ông, nhiều năm qua, doanh nghiệp NVV chưa được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. "Từ năm 2012 đến nay, số tiền thuê đất không ngừng tăng lên. Mỗi năm, doanh nghiệp phải nộp tới gần 200 triệu đồng tiền thuê đất, tăng gấp 10 lần so với hơn 10 năm trước. Khi thành lập doanh nghiệp, chúng tôi không được hưởng một khoản hỗ trợ nào về tiền thuê đất. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV có những chính sách hỗ trợ về giá thuê mặt bằng nên sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được một phần chi phí, từ đó đầu tư tái sản xuất”, ông Đàm nêu ví dụ.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện doanh nghiệp NVV chiếm hơn 90% số doanh nghiệp trong tỉnh. Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến hơn 80% số doanh nghiệp NVV của Hải Dương cho biết khó tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng như của tỉnh dành cho doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách), trước đây, các chính sách hỗ trợ về vốn, tư vấn pháp lý, mở rộng thị trường… thường được ưu ái cho các doanh nghiệp của Nhà nước hoặc các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài. “Chúng tôi hy vọng các chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp NVV theo quy định của luật sẽ sớm được thực hiện để tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ hội bứt phá”, ông Hòa bày tỏ.
Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23.11.2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp NVV đã được triển khai nhưng quy định khá chung chung, chưa có tác dụng thiết thực. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV lần này sẽ tạo cú hích mới cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Đây cũng là lúc chính quyền các cấp cần tạo điều kiện tốt nhất để giúp doanh nghiệp NVV phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hỗ trợ cần có trọng tâm
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV sẽ giúp Hải Dương cũng như nhiều địa phương khác tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp NVV theo luật được thực hiện có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế đất nước và lợi thế của từng địa phương. Đặc biệt, trong luật phân chia các nhóm doanh nghiệp được hỗ trợ khác nhau, không bao cấp cho các doanh nghiệp chậm phát triển, thiếu năng lực, có nguy cơ giải thể, phá sản cao.
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đánh giá: “Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV đã đưa ra được các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, rõ ràng. Điều này giúp cho luật dễ dàng đi vào cuộc sống hơn”.
Nghiên cứu khá kỹ về các nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV, ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp NVV tỉnh cũng đồng tình với quan điểm hỗ trợ này. Theo ông Nghệ, giai đoạn hiện nay khi phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh, nhiều hộ kinh doanh muốn thành lập doanh nghiệp thì tỉnh cần có chính sách cụ thể để giúp họ khởi nghiệp. Khi lực lượng đã đông thì cần quan tâm hỗ trợ để doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh. Lúc này, các doanh nghiệp cần hỗ trợ về vốn, thị trường. Nguồn vốn đó không chỉ của Nhà nước mà còn cần sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại.
Để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV thực sự đi vào cuộc sống, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), các cấp, các ngành liên quan cần cân nhắc thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng thời điểm. Trước mắt, những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp NVV của tỉnh đang gặp phải hiện nay như mặt bằng sản xuất, vốn, thị trường… cần được tháo gỡ kịp thời. Tích cực tư vấn để thực hiện hiệu quả các chính sách liên quan đến luật, sao cho việc hỗ trợ phải đúng và trúng.
PV
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có 7 chương, 49 điều. Các nội dung hỗ trợ gồm: cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ năng lực công nghệ; đào tạo, tư vấn và thông tin; mua sắm công; xúc tiến mở rộng thị trường… Luật xác định các biện pháp hỗ trợ mang tính chuyên biệt hướng tới những doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng phát triển trong một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế. |