Những danh thủ vang bóng một thời

02/02/2019 16:53

Hải Dương là mảnh đất sinh ra nhiều tài năng bóng đá. Ở thời kỳ nào, tỉnh ta cũng có những danh thủ, góp sức cho bóng đá nước nhà lập nên những kỳ tích.

Cựu danh thủ Lê Thế Thọ (đứng thứ ba từ trái sang) đón tiếp, làm việc với Chủ tịch FIFA Sepp Blatter nhân dịp ông sang Việt Nam dự lễ cắt băng khánh thành sân cỏ nhân tạo ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF (năm 2008)

Vào những thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ trước, người hâm mộ Hải Dương rất tự hào về đội bóng đá chuyên nghiệp của tỉnh. Càng vinh dự hơn khi tỉnh Đông là "cái nôi" sản sinh ra nhiều danh thủ cho bóng đá Việt Nam.

"Cầu thủ vàng" của bóng đá Việt Nam

Nổi bật nhất trong những cầu thủ lừng danh xuất thân từ mảnh đất xứ Đông là danh thủ Lê Thế Thọ (sinh năm 1941). Ông có biệt danh Thọ "lắc". Cái tên ấy phần nào nói nên lối đá tinh quái, kỹ thuật điêu luyện của ông bởi chỉ cần một cú lắc là ông có thể dễ dàng đi bóng qua cầu thủ đối phương. Ông thật sự là một quái kiệt trong làng bóng đá Việt Nam.

Danh thủ Thọ "lắc" chỉ cao 1 m 64, nặng 54 kg, nhưng với tài năng thiên bẩm, mới 23 tuổi ông đã trở thành thủ quân của đội tuyển quốc gia. Trong sự nghiệp "quần đùi, áo số", danh thủ người Hải Dương này nổi tiếng là người có phẩm chất của một cầu thủ lớn với thể lực sung mãn, sức bền, tốc độ, kỹ thuật toàn diện, tư duy nhạy bén. Khi thi đấu, ông di chuyển như con thoi không biết mệt mỏi; mạnh mẽ và thông minh trong việc thu hồi bóng, tổ chức tấn công. Báo chí nhiều nước trong phe xã hội chủ nghĩa mô tả ông là "người tầm thước nhưng nhanh như sóc".

Thủ quân Thọ "lắc" cùng đồng đội tung hoành khắp các đấu trường trong nước, quốc tế, nhất là ở một số giải tầm cỡ khu vực và thế giới như giải Việt - Trung - Triều - Mông (gồm các nước Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ) do Việt Nam đăng cai, Đại hội Thể thao các nước mới trỗi dậy (GANEFO). Trong sự nghiệp thi đấu của mình, ông có những trận đấu để đời và góp phần làm nên tên tuổi của bóng đá Việt Nam. Đáng nhớ nhất là lần tham gia giải GANEFO năm 1963 tổ chức ở Indonesia. Trong trận đấu gặp Campuchia, gần hết thời gian hai đội vẫn hòa nhau 2 - 2, mọi người đang rất lo lắng thì như có phép màu, danh thủ Lê Thế Thọ nhận bóng ở khoảng cách 20 m, dùng cú lắc thương hiệu vọt qua cầu thủ đối phương và tung cú sút mu chính diện làm tung lưới đội bạn giúp Việt Nam giành chiến thắng nghẹt thở 3 - 2. Cũng ở giải này, trong trận gặp Triều Tiên (đứng thứ 6 thế giới), ông đã ghi bàn thắng duy nhất giúp Việt Nam vượt qua đối thủ với tỷ số 1 - 0. Việt Nam đoạt huy chương đồng ở giải này. "Giai đoạn tôi ở đội tuyển quốc gia, bóng Việt Nam thi đấu ngang ngửa với nhiều nước có nền bóng đá phát triển như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên... Nhiều trận, đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng rất ngoạn mục", ông Thọ tự hào kể.

Sau khi từ giã sân cỏ, ông Thọ tiếp tục cống hiến cho bóng đá và sự nghiệp thể thao quốc gia. Ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia... Ông có công đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp...

Năm 2004, cựu danh thủ Thế Thọ đã đoạt danh hiệu "Cầu thủ vàng Việt Nam nửa thế kỷ qua" trong một cuộc bình chọn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Ông cũng đại diện cho Việt Nam nhận danh hiệu "Cầu thủ vàng" do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trao tặng nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập AFC (1954-2004). 

Rạng danh bóng đá xứ Đông

Ngoài "cầu thủ vàng" Lê Thế Thọ, trong giai đoạn 1960 - 1990, mảnh đất Hải Dương còn sản sinh nhiều cầu thủ xuất sắc khác.

Cùng thời với danh thủ Thế Thọ là tiền đạo Phùng Mạnh Ngọc (sinh năm 1942). Mạnh Ngọc và Thế Thọ từng là cặp bài trùng của đội tuyển Việt Nam. Hai người cùng trưởng thành từ lò bóng đá xứ Đông. Với đôi chân khéo léo, khả năng dứt điểm tốt cộng với những đường kiến tạo tinh tế của Thế Thọ, tiền đạo Mạnh Ngọc nhiều lần lập công mang về những bàn thắng quan trọng cho đội tuyển Việt Nam.

Cũng giai đoạn này, một cầu thủ nổi tiếng khác của Hải Dương là liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Khánh (1942 - 1968). Trước khi vào chiến trường Khe Sanh, Phạm Ngọc Khánh đầu quân cho đội bóng lừng danh Thể Công. Ông được đánh giá là cầu thủ tài năng, có lối chơi kỹ thuật, dũng mãnh, kiên cường.

Ông Phạm Văn Sơn, nguyên Trưởng Bộ môn Bóng đá tỉnh cho biết: "Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Đông còn sản sinh ra hàng chục cầu thủ trẻ xuất sắc khác và đầu quân cho những câu lạc bộ tên tuổi của miền Bắc. Các cầu thủ luôn phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người Hải Dương để tạo dựng được những ấn tượng, tình cảm trong lòng người hâm mộ như Hữu, Tòng, Thêu, Thái (Thể Công), Kiềm, Linh, Khiêm (Thanh niên Bộ Công An), Tuấn (Quân khu 3)...".

Từ truyền thống yêu bóng đá, trong quá khứ Hải Dương đã sản sinh ra nhiều cầu thủ tài năng. Các cầu thủ không chỉ góp phần giúp bóng đá nước nhà ngày một phát triển mà còn làm rạng danh mảnh đất xứ Đông. Mạch nguồn ấy vẫn tiếp tục được hun đúc, nuôi dưỡng đến tận bây giờ để tạo nên những thế hệ trẻ tài năng kế cận.

DANH TRUNG

Với bóng đá phong trào phát triển và nở rộ, Hải Dương có nhiều cầu thủ xuất sắc đã giúp đội bóng của tỉnh gặt hái thành công ở đấu trường quốc gia. Đội bóng thị xã Hải Dương từng tham gia thi đấu hạng B của miền Bắc. Sau đó, tỉnh ta có đội bóng đá Đường 5 (trực thuộc Tỉnh đội, sau chuyển về Ty Thể thao). Những năm sau ngày đất nước thống nhất, Hải Dương có đội bóng Giao thông vận tải khá nổi tiếng thi đấu nhiều năm ở hạng A2 toàn quốc (khoảng năm 1977 - 1988). Năm 1989, đội bóng giành quyền lên thi đấu hạng A1. Nhưng thật đáng tiếc là đá được một mùa giải thì đội bóng phải giải tán vào năm 1990.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những danh thủ vang bóng một thời