Man Utd đốt 1,3 tỷ USD như thế nào

17/11/2020 11:28

7 năm sau khi Alex Ferguson giải nghệ, Man Utd chưa bao giờ trở lại là chính mình. Nguyên nhân có nhiều nhưng chắc chắn không phải giới chủ của họ keo kiệt.

Từ năm 2013, chính sách chuyển nhượng của Man Utd rất không ổn định. Lúc thì chiêu mộ những cầu thủ trẻ tiềm năng, khi thì mua các ngôi sao danh tiếng và có thời điểm lại sắm những cầu thủ đã ở bên kia sườn dốc. Ảnh: Sky Sports

Phó Chủ tịch Điều hành Ed Woodward, dưới sự ủy quyền của nhà Glazers, đã ném vào thị trường chuyển nhượng 1,32 tỷ USD từ năm 2013. Bốn huấn luyện viên (HLV) đã được đưa về với 36 chữ ký mới được câu lạc bộ (CLB) thực hiện.

Vậy Man Utd thu về được những gì? Câu trả lời là: một Europa League, một FA Cup, một League Cup (có thể bỏ qua Community Shield, một danh hiệu không mang nhiều ý nghĩa xác định một đội bóng lớn hay không). Tức là, để mang về phòng truyền thống một chiếc Cup (không phải Ngoại hạng Anh hay Champions League), giới chủ tại Old Trafford đã tốn trung bình hơn 400 triệu USD.

Man Utd lúc này là minh chứng rõ nhất cho câu nói không phải cứ nhiều tiền là giành được nhiều danh hiệu, dù họ đã đưa về những cầu thủ từ dạng có số má cho đến những ngôi sao giàu tiềm năng. Ở đây, vấn đề chuyển nhượng của Man Utd thực sự gặp vấn đề và nó thể hiện ở mọi triều đại HLV kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu.

Với David Moyes, ông chỉ có hai chữ ký trước khi nhận trát sa thải, là Marouane Fellaini và Juan Mata. Cả hai đều không phải những cầu thủ dở, nhưng lại chẳng đủ tốt cho một Man Utd đang lung lay dữ dội sau sự ra đi của Sir Alex. Thực tế hè 2013, Man Utd từng cố ký hợp đồng với Toni Kroos, Cesc Fabregas, Gareth Bale hay cả Thiago Alcantara nhưng cuối cùng những gì họ có chỉ là Fellaini.

David Moyes được lựa chọn để kế nhiệm Ferguson, nhưng là HLV ít được hỗ trợ nhất. Ảnh: Sky Sports.

David Moyes được lựa chọn để kế nhiệm Ferguson, nhưng là HLV ít được hỗ trợ nhất. Ảnh: Sky Sports

Theo cây bút James Cooper của Sky Sports, HLV Moyes đã không nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ ban lãnh đạo đội bóng trong khâu chuyển nhượng, dù bản thân ông có thể không bao giờ đủ tầm để dẫn dắt Man Utd.

Nhận định này có phần đúng, bởi đội hình mà Sir Alex để lại sau khi giải nghệ không mạnh như người ta nghĩ khi một loạt cái tên đã ở bên kia sườn dốc như Nemanja Vidic, Rio Ferdinand, Patrice Evra, thậm chí là Michael Carrick hay Wayne Rooney. Nhiều cầu thủ đơn giản không đủ tầm gồng gánh đội bóng, kể như Tom Cleverley, Danny Welbeck hay Jonny Evans.

Moyes bay ghế, và Louis Van Gaal được lựa chọn. Ông đến Man Utd sau World Cup 2014 nên không ngần ngại lựa chọn những cầu thủ đã chơi tốt ở giải đấu năm đó như Daley Blind, Marcos Rojohay Angel Di Maria... Tuy nhiên, phần lớn trong số họ là "bom xịt". Mười ba cầu thủ mới được mang về, nhưng chỉ bốn cái tên có thể tạm gọi là ổn, gồm Ander Herrera, Luke Shaw, Anthony Martial và Sergio Romero. Còn lại đều thất bại, có thể kể đến Memphis Depay, Radamel Falcao, Morgan Schneiderlin và đặc biệt là Angel Di Maria.

Việc các chữ ký không thể hiện được khả năng, cùng với lối đá nhàm chán của Van Gaal khiến ông bị sa thải hè 2016. Trong quãng thời gian này, nhà cầm quân người Hà Lan giành một FA Cup và đưa đội dự Champions League mùa 2015-2016. Đến tận năm 2020, Van Gaal mới tiết lộ ban lãnh đạo Man Utd đã không hoàn thành các yêu cầu chuyển nhượng của ông. "Tôi đưa danh sách những cầu thủ tôi cần cho ban lãnh đạo, và họ chẳng đưa được ai về. Doanh thu của họ lên tới gần 800 triệu USD, vậy mà chẳng mua được người tôi muốn. Tôi cần những mục tiêu số một, họ lại mang về cho tôi mục tiêu số bảy", Van Gaal bức xúc kể lại.

Sau sự ra đi của Van Gaal, Jose Mourinho là người được chọn. HLV người Bồ Đào Nha vốn thích vung tiền mua sắm cầu thủ và Phó Chủ tịch Ed lập tức chiều chuộng khi chiêu mộ hàng loạt cái tên được Jose Mourinho yêu cầu, trong hai kỳ chuyển nhượng hè 2016 và 2017. Romelu Lukaku, Henrikh Mkhitaryan, Victor Lindelof, Nemanja Matic và đặc biệt là Paul Pogba được đưa về với giá kỷ lục thế giới lúc bấy giờ.

Mourinho tưởng như sẽ tạo ra một triều đại mới ở Man Utd, nhưng các vấn đề về con người lại xuất hiện ở mùa giải thứ ba của ông. Ảnh: Sky Sports.

Mourinho tưởng như sẽ tạo ra một triều đại mới ở Man Utd, nhưng các vấn đề về con người lại xuất hiện ở mùa giải thứ ba của ông. Ảnh: Sky Sports

Man Utd có những thành công bước đầu với chức vô địch Europa League trong mùa đầu tiên của Mourinho. Mùa thứ hai, đội chủ sân Old Trafford giành ngôi á quân Ngoại hạng Anh - thành tích tốt nhất từ khi Sir Alex nghỉ hưu, và về nhì ở FA Cup. Tuy nhiên, đây là lúc các sai lầm xuất hiện. Cooper bình luận: "Man Utd nghĩ họ cuối cùng cũng làm được điều gì đó, và họ đã lầm. Mourinho sẽ nói mãi về chiến tích xếp thứ hai, về Europa League và về League Cup, rằng đó là những danh hiệu lớn nhất mà Man Utd giành được trong bảy năm qua".

Đến mùa giải thứ ba của Mourinho, Man Utd không bổ sung những cầu thủ đủ chất lượng để đội bóng tiếp tục cạnh tranh sau những thành công bước đầu. Hàng thủ vốn lỏng lẻo không được đắp vào bởi một trung vệ thực sự chất lượng, dù Mourinho đã kêu gào tên của Harry Maguire, của Jerome Boateng. Cộng với việc nhiều trụ cột như Pogba, Lukaku, Matic mất phong độ, mùa giải của Mourinho trở thành thảm họa.

Nhưng ban lãnh đạo Man Utd chẳng màng đáp ứng. Kết quả: Mourinho bị sa thải ngay dịp Giáng sinh, khi Man Utd chơi tệ hại, kém đội đầu bảng lúc bấy giờ là Liverpool tới 19 điểm. Lúc đó, Man Utd là đội bóng có hàng thủ tệ thứ nhì giải đấu. Cấp cho Mourinho hơn 400 triệu USD để rồi nhìn đội bóng rơi vào tình cảnh này, rõ ràng giới chóp bu tại Man Utd lại phải hành động.

Ed Woodward sau đó bổ nhiệm Ole Gunnar Solskjaer làm HLV tạm quyền, trước khi trao cho ông bản hợp đồng chính thức. Bước vào mùa giải chính thức đầu tiên cùng Man Utd, nhà cầm quân người Na Uy được cấp tiền đưa về những cầu thủ ông cần, nổi bật là Harry Maguire, Arron Wan-Bissaka và sau là Bruno Fernandes. Họ đều thể hiện được vai trò của mình, giúp Man Utd cán đích trong top 3 mùa trước và vào bán kết ở ba giải đấu Cup mà họ tham dự.

Tuy nhiên, câu chuyện của Mourinho lại xuất hiện trong trường hợp của Solskjaer. Đầu mùa này, ông muốn một trung vệ đủ chắc chắn để đá cặp với Maguire nhưng chẳng được đáp ứng. Solskjaer cần một trung phong đích thực, nhưng thay vì Erling Haaland thì ban lãnh đạo lại đưa về Edinson Cavani theo cách vơ bèo gạt tép ở ngày cuối thị trường chuyển nhượng.

Phó Chủ tịch Điều hành Ed Woodward (trái) chưa tìm ra được chính sách ổn định và hiệu quả trong công tác chuyển nhượng của Man Utd. Ảnh: Sky Sports.

Phó Chủ tịch Điều hành Ed Woodward (trái) chưa tìm ra được chính sách ổn định và hiệu quả trong công tác chuyển nhượng của Man Utd. Ảnh: Sky Sports

Solskjaer cần Jadon Sancho để tăng cường khả năng tấn công bên cánh phải, nơi vốn vô hại mỗi khi họ lên bóng, thì Ed Woodward lại mang về Donny Van de Beek, một cầu thủ thiếu tốc độ và đột biến, với sở trường đá số 10. Hệ quả thấy rõ. Man Utd đang chơi cực kỳ bất ổn mùa này, thậm chí chưa biết thắng trên sân nhà và hiện đứng ở nửa sau bảng điểm Ngoại hạng Anh. Một số nhà cái hiện đặt cửa Solskjaer bị sa thải cao nhất trong số 20 nhà cầm quân tại giải đấu.

Nếu Solskjaer bị mất ghế, Man Utd sẽ trở lại chính cái vòng lặp do họ tạo ra: bổ nhiệm HLV mới, vung tiền mua sắm, sa thải và rồi lại bổ nhiệm mới, lại vung tiền. 1,32 tỷ USD đã ra đi theo cách ấy, đổi lại phần nhiều là những nỗi thất vọng tràn trề.

Bây giờ, câu hỏi đặt ra là Man Utd nên vẽ ra kế hoạch chuyển nhượng thế nào cho hiệu quả, để đồng tiền mang về thành quả thay vì bị ném qua cửa sổ một cách vô lý? Đây là điều ban lãnh đạo CLB chưa nhìn ra.

Theo cây bút Jack Wilkinson của Sky Sports, Man Utd phải thể hiện sự dứt khoát khi mua người. Ông cho biết: "Một trong những điểm thất vọng từ khi Sir Alex giải nghệ là Man Utd luôn thiếu quyết đoán trên thị trường chuyển nhượng. Họ mua Fellaini trong hoảng loạn, và Cavani cũng thế. Tôi nghĩ CĐV đội bóng muốn thấy phong thái chuyển nhượng như dưới thời Sir Alex và David Gill. Họ luôn xác định các mục tiêu từ sớm, và kìm hãm mức giá chuyển nhượng của các mục tiêu ấy".

Wilkinson nói thêm: "Về các mục tiêu, tôi tin rằng Man Utd nên ký hợp đồng với các cầu thủ tuy trẻ nhưng đã khẳng định được tài năng. Bản thân họ vẫn còn phát triển được nữa. Tôi biết Man Utd vừa ký hợp đồng với Cavani nhưng nếu nhìn vào chiến lược chuyển nhượng gần đây, họ đã có sự thay đổi tích cực, hướng tới những cầu thủ giỏi nhưng vẫn giàu tiềm năng".

HLV Solskjaer hướng dẫn tân binh Van De Beek trên sân tập của Man Utd. Ảnh: Sky Sports.

HLV Solskjaer hướng dẫn tân binh Van De Beek trên sân tập của Man Utd. Ảnh: Sky Sports

Do đó, có lẽ Solskjaer là người ổn nhất trong số bốn HLV từng dẫn dắt đội bóng từ sau khi Sir Alex. Đang gặp vô vàn khó khăn cùng Man Utd, nhưng ít ra ông đang tỏ ra khá mát tay trên thị trường chuyển nhượng. Các bản hợp đồng ông đưa về đều ít nhiều phát huy tác dụng. Nhóm Cavani, Van de Beek, Alex Telles có thành công hay không lại là câu chuyện của tương lai, bởi họ chưa có nhiều thời gian để khẳng định bản thân.

Gerard Brand của Sky Sports nhận định: "Ole là người làm tốt nhất (so với ba người tiền nhiệm). Man Utd đã không ký được Sancho, nhưng đây không phải lỗi của ông ấy. Maguire đã chơi rất tốt khi được Solskjaer đưa về và dù có đôi trận mất phong độ thì tôi tin anh ấy cũng sớm trở lại và xứng đáng với băng thủ quân. Bruno luôn tỏa sáng. Wan-Bissaka cũng có vài thời điểm dở, nhưng nhìn chung cậu ấy là một chữ ký tốt".

James Cooper đồng quan điểm khi nhận xét về Solskjaer: "Mourinho dĩ nhiên sẽ nói ông ta là người tốt nhất vì ông ấy có nhiều danh hiệu nhất, nhưng Ole mới là người làm tốt nhất. Hãy nhìn vào các bản hợp đồng của ông ấy. Họ đều phát huy tác dụng. Tất nhiên, một số chữ ký vẫn trong trạng thái chờ".

Bình chọn của Sky Sports

Năm bản hợp đồng tệ nhất: Angel Di Maria, Alexis Sanchez, Morgan Schneiderlin, Matteo Darmian và Diogo Dalot.

Bốn bản hợp đồng ổn nhất: Zlatan Ibrahimovic, Bruno Fernandes, Juan Mata và Ander Herrera.

Ba sự ra đi đáng tiếc: Memphis Depay, Wilfried Zaha và Jonny Evans.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Man Utd đốt 1,3 tỷ USD như thế nào