Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 8: Nhiều thách thức với thể thao Hải Dương

13/02/2018 10:58

Cuối năm nay, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 sẽ diễn ra. Đoàn thể thao Hải Dương sẽ gặp nhiều thách thức để hoàn thành mục tiêu nằm trong top 10 toàn quốc.


Đến nay, đội tuyển pencak silat của tỉnh đã sẵn sàng để gặt hái thành tích tại đại hội

Gấp rút chuẩn bị

Hải Dương đã chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần này ngay sau khi kết thúc đại hội lần thứ 7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành rà soát lực lượng, tham mưu với tỉnh ban hành Đề án "Xây dựng lực lượng huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 năm 2018". Theo đề án, đoàn thể thao tỉnh ta sẽ thi đấu 24 trong tổng số 36 môn (tăng 3 môn so với đại hội trước), với 50 HLV, chuyên gia và 204 VĐV. Mục tiêu của đoàn là giành 22 - 25 huy chương vàng (HCV), 19 - 20 huy chương bạc, 25 - 28 huy chương đồng để đạt mục tiêu nằm trong top 10 đơn vị dẫn đầu tại đại hội.

  Thời gian qua, các đội tuyển đã nhận được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của các trung tâm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ, chính sách. Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh được đầu tư khoảng 7 tỷ đồng để trải thảm chuyên dụng toàn bộ sàn nhà tập đa năng, hoàn thiện đường chạy điền kinh, mua thêm súng, đạn, cung, kiếm, nâng cấp khu ăn, nghỉ của VĐV. Các đội tuyển đua thuyền rowing, canoeing của Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước tỉnh được bổ sung thêm thuyền, mái chèo phục vụ luyện tập, thi đấu. Tỉnh dành nhiều chế độ ưu đãi cho VĐV như giữ nguyên chế độ tiền ăn cho VĐV trong thời gian tập huấn ở đội tuyển quốc gia, VĐV chưa đạt đẳng cấp trong thời gian tập huấn chuẩn bị cho đại hội cũng được trả lương. VĐV Nguyễn Thị Thanh Vân,  đội tuyển bắn súng chia sẻ: "Thời gian qua, chúng em luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để tập luyện, thi đấu. Kỳ đại hội lần này, chúng em sẽ phấn đấu có huy chương để mang vinh quang về cho thể thao tỉnh nhà".

Các đội tuyển đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho công tác chuyên môn. Trong đó tập trung cho những môn truyền thống, thế mạnh như bắn súng, cử tạ, pencak silat, đấu kiếm, điền kinh, rowing, canoeing, bóng bàn. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đến những môn mới, có triển vọng đoạt huy chương như bắn cung, wushu, boxing, nhảy cầu... Đặc biệt, những VĐV có khả năng giành HCV được đầu tư riêng về chế độ dinh dưỡng, điều kiện tập luyện, tập huấn.

Ông Phạm Sỹ Cẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các đơn vị liên quan của sở đều tích cực vào cuộc; chú trọng rà soát, tuyển chọn những HLV, VĐV xuất sắc nhất tham dự. Đến thời điểm này, các đội tuyển của Hải Dương đã cơ bản lựa chọn xong lực lượng tham dự. "Từ nay đến thời gian thi đấu đại hội, các đội tuyển thường xuyên được tập huấn dã ngoại để nâng cao kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý thi đấu cho VĐV. Một số đội tuyển thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài huấn luyện như bóng bàn, bóng chuyền nữ, cử tạ, bắn cung", ông Cẩn nói.

Cạnh tranh quyết liệt

Mặc dù công tác chuẩn bị được thực hiện bài bản, chu đáo, nhưng tại kỳ đại hội lần này, đoàn thể thao tỉnh ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành chỉ tiêu nằm trong top 10.

Bởi lẽ thời gian qua, hầu hết các tỉnh, thành phố, ngành đều quan tâm đầu tư cho thể thao thành tích cao. Nhất là những địa phương, ngành có tiềm lực kinh tế và đang nằm trong nhóm 15. Nhiều địa phương đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, thuê chuyên gia trong và ngoài nước huấn luyện, có chế độ ưu đãi cao đối với HLV, VĐV. Tiêu biểu như các TP Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc... Các đơn vị này sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh quyết liệt giành các vị trí từ thứ 7 - 10 với tỉnh ta.

Điều lệ của đại hội cho phép chuyển nhượng VĐV giữa các đơn vị. Nếu các đơn vị ngấp nghé trong top 10 được tăng cường thêm những VĐV hàng đầu thì cuộc cạnh tranh sẽ càng quyết liệt. Tỉnh ta lại chưa tạo ra thành tích cách biệt lớn với đối thủ xếp sau, chỉ hơn sít sao từ 1 - 3 HCV. Một số đơn vị có chế độ đãi ngộ, khen thưởng rất cao đối với VĐV giành HCV cũng khó "giữ chân" VĐV giỏi của tỉnh.

Nhiều VĐV có thành tích tốt của tỉnh không còn tiếp tục thi đấu mà đã chuyển ngành hoặc lập gia đình. Nhiều VĐV chủ lực tuổi đã cao và đang ở thời kỳ suy giảm phong độ cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích của đoàn thể thao tỉnh ta. Dù đã được đầu tư nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ tập luyện, thi đấu của nhiều bộ môn vẫn còn thiếu thốn. Khó khăn nhất hiện nay là đội tuyển bắn súng tỉnh. "Từ năm 2014 đến nay, các VĐV của câu lạc bộ hầu hết phải tập chay vì thiếu đạn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa lựa chọn được đơn vị cung cấp. Thiếu đạn nên việc luyện tập của VĐV bị gián đoạn. HLV không thể nắm rõ thành tích tập luyện của VĐV để khắc phục. Trong khi đó, một số đơn vị mạnh có đầy đủ súng, đạn, liên tục được tập huấn ở nước ngoài. Để VĐV hoàn thành chỉ tiêu giành 5 - 6 HCV là chuyện không hề đơn giản", anh Nguyễn Ngọc Vinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bắn súng tỉnh nói.

Theo ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh, tuy sẽ gặp nhiều khó khăn để nằm trong top 10 đội mạnh nhưng nếu đội ngũ quản lý, các đội tuyển luôn bám sát lộ trình, nội dung, kế hoạch đã xây dựng, cùng với sự quyết tâm, nhất trí cao của toàn ngành thì không có gì là không thể làm được.

DANH TRUNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 8: Nhiều thách thức với thể thao Hải Dương