Mùa hè năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp đã được hai năm. Mọi tổ chức đã hình thành. Nhà thơ Tố Hữu lúc này 27 tuổi, nhà văn Nguyễn Đình Thi 23 tuổi, được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ phụ trách công tác văn nghệ. Cùng với nhiệm vụ, đồng chí Lê Văn Lương thay mặt Trung ương Đảng còn trao cho hai anh một chút tiền nhỏ để chi tiêu cho công việc.
Nguyễn Đình Thi được Tố Hữu ủy nhiệm giữ số tiền nọ. May mắn anh xin được một cái ruột tượng của bà chủ nhà trọ, thế là liền cho tiền vào đó, thắt ngang bụng, tự nghĩ: Tiền của Đảng, phải giữ gìn cẩn thận!
Công việc đầu tiên của hai anh lúc này là đi triệu tập các văn nghệ sĩ như Văn Cao, Ngô Tất Tố... để ra một tờ báo. Một trưa, trên đường công tác, đã thấy đói bụng, Tố Hữu hỏi Nguyễn Đình Thi: “Thế nào, nhà văn có muốn chén một bữa cơm ngon lành không?”. Nguyễn Đình Thi cười: “Muốn quá rồi, nhưng làm thế nào bây giờ?”.
Tố Hữu nhíu mày, nheo mắt, ghé tai Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Đình Thi bật cười:
- Ủa, anh trông tôi giống một hàng binh Tây à?
Tố Hữu tủm tỉm:
- Thì cái dáng cao lớn, bộ râu ria xanh lún phún, lại thêm cái ruột tượng khiến bụng cậu xệ ra, chẳng là hàng binh Âu Phi thì là gì! Vấn đề là cậu cứ ngồi im. Mọi việc mặc tớ!
Nói đoạn, kéo vào một nhà dân. Chẳng hiểu Tố Hữu nói năng, giới thiệu thế nào mà chị chủ nhà rất đon đả, sốt sắng đón tiếp, lại dọn ngay một mâm cơm thật là thịnh soạn, có thịt gà luộc, cá chép rán... đãi hai người.
Cơm nước xong. Tố Hữu cám ơn bà chủ nhà. Nguyễn Đình Thi thực hiện lời dặn của Tố Hữu im thít suốt buổi, giờ xem chừng cảm động bỗng buột miệng thành lời: “Em cũng xin chân thành cám ơn chị ạ!”.
Chị chủ nhà bấy giờ mới ngã ngửa người, đấm một cái rõ mạnh vào lưng nhà văn và cười ngặt nghẽo:
- Khỉ gió cái nhà chú này! Thế hóa ra chú là người bên ta à!
HẢI ĐĂNG (st)