Đền thờ và lăng mộ Trần Xuân Yến, được phong Hàn lâm viện thừa chí và chức vụ cao nhất là Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc tử giám...
Lăng mộ tiến sĩ Trần Xuân Yến được xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII
Tại khu đống phía bắc xã An Châu (TP Hải Dương) ngay cạnh tỉnh lộ 390, đến nay vẫn còn bảo lưu được một di tích lịch sử văn hóa, một biểu tượng của lòng tôn sư trọng đạo từ cách đây gần ba thế kỷ. Đó là đền thờ và lăng mộ Trần Xuân Yến, được phong Hàn lâm viện thừa chí và chức vụ cao nhất là Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc tử giám - Trường đại học duy nhất của thời kỳ phong kiến.
Trần Xuân Yến sinh năm Kỷ Tỵ (1689), quê tại xã An Lạc, huyện Thanh Lâm, nay là xã An Châu (TP Hải Dương). Năm 33 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ hai (1721). Ông là người tài đức vẹn toàn, học cao hiểu rộng, giàu lòng hiếu nghĩa. Ông được triều đình trọng dụng, làm quan dưới bốn đời vua Lê: Lê Dụ Tông, Lê Duy Phường, Lê Thuần Tông và Lê Ý Tông cùng hai chúa Trịnh là Trịnh Cương, Trịnh Giang. Với cương vị Tế tửu Quốc tử giám, ông nổi tiếng là một nhà giáo mẫu mực, tài năng, chuyên dạy cho con cái quý tộc trong triều, đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy bận công việc giảng dạy ở kinh đô Thăng Long, song Trần Xuân Yến còn là người có tâm có đức với quê hương. Ông đã ban cấp bốn mẫu ruộng và nhiều tiền bạc cho hai giáp Tiền, giáp Thượng, được nhân dân tôn là Hậu thần.
Tiến sĩ Trần Xuân Yến qua đời năm 1751, hưởng thọ 62 tuổi. Nhà vua rất thương tiếc, ban đặc ân cho về quê mai táng, sai dựng đền, lăng để phụng thờ, bản xã thì tôn là thành hoàng thờ ở đình. Học trò của ông là các quan đương chức đã góp công góp của cùng địa phương xây đền thờ và lăng mộ, để các thế hệ học sinh sau này có nơi đi lại thắp hương tưởng nhớ công đức của ông.
Ở đây, mộ Trần Xuân Yến là di tích gốc, tính đến nay đã được 261 năm, vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn. Khác với nhiều danh nhân đương thời, mộ Trần Xuân Yến được xây dựng rất khiêm tốn: mộ phần xây thấp, theo thể khối hình chữ nhật, mặt trên trạt phẳng, không chạm khắc gì cả. Phía bắc, trước mộ, đặt một bia hình trụ (0,35 m x 0,36 m x 2,1 m) chất liệu đá xanh. Mặt trước bia ghi rõ bằng 13 chữ Hán khắc chìm: Hoàng Lê triều tứ Tân Sửu khoa Tiến sĩ Trần Công chi mộ (mộ của Trần Công - Hoàng đế triều Lê ban tặng Tiến sĩ khoa Tân Sửu).
Lăng được xây dựng cuối thế kỷ XVIII, chất liệu đá xanh trên diện tích 130 m2, bài trí thờ tự cân đối theo "Thần đạo". Từ ngoài vào, ta thấy có một đôi chó đá, một đôi nghê đá, một đôi thống đá, một kỷ đá và một long ngai đá. Tư thế các con giống ngồi chầu long ngai của Trần Xuân Yến ở bên trong.
Đền thờ lộ thiên, gồm một bệ và một tấm hậu bằng đá xanh. Đến năm 1991, nhân dân địa phương xây thêm hai tay ngai bằng gạch ghép vào tạo thành hậu bành và xây thêm phần che mưa nắng, gọi là nhà hậu bành. Nhà hậu bành kiến trúc hình vuông (2,1 m x 2,1 m), kết cấu chính gồm bốn trụ gạch, ghép xà gỗ, bốn mái lợp ngói vuông. Hai bên ban thờ được đặt hai con nghê đá theo thế đối xứng chầu về trung tâm. Đền thờ cũng xây dựng năm 1991 và tu sửa năm 1997, làm cho khu di tích thêm phần uy nghi, to đẹp hơn. Công trình có kiến trúc kiểu chữ nhất, gồm ba gian nhà xây vôi gạch, lợp ngói, kết cấu gồm 2 vì xây bưng kín trên xà bê-tông gác tường. Trong đền có khám thờ Trần Xuân Yến và hai phu nhân ở hai bên.
Khu di tích lăng mộ Trần Xuân Yến còn bảo lưu được một số hiện vật chất liệu đá có giá trị. Hiện vật có giá trị nhất là tấm bia "Hậu thần bi ký", khắc dựng năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751).
Di tích đền thờ và lăng mộ Trần Xuân Yến đã được UBND tỉnh xếp hạng năm 2005.
Hằng năm, cứ vào ngày mở hội xuân, các bô lão và đại biểu các dòng họ rước bát hương từ lăng mộ về đình cúng tế, sau đó lại rước về lăng. Đến ngày 27-2 âm lịch là ngày chính kỵ, rất nhiều du khách, trong đó có các cháu học sinh, sinh viên đến dâng hương tưởng niệm tấm gương nhà giáo có công lớn trong sự nghiệp trồng người, cũng là dịp cầu mong việc học hành thi cử được tiến tới. Đây được xem là một nét đẹp truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta, cần được phát huy trong thời đại mới.
NGUYỄN HỮU PHÁCH