Tránh leo thang căng thẳng Mỹ - Iran

25/06/2019 10:32

Căng thẳng Mỹ - Iran trong tuần qua đã đạt đến đỉnh điểm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công quân sự nhằm trả đũa Iran sau vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ.


Tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của Mỹ vượt biển Andaman vào ngày 15.6

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã rút lại ý định này trước 10 phút sau khi lệnh tấn công có hiệu lực. Đổi lại, Mỹ đã quyết định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran kể từ ngày 24.6. Cho đến nay, tuy giữa hai nước chưa xảy ra chiến tranh song dư luận thế giới đang rất lo ngại những diễn biến căng thẳng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự mới với những hệ lụy khó lường.

Căng thẳng liên tục leo thang

Kể từ sau sự kiện 2 tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản bị tấn công ở khu vực gần vùng Vịnh (ngày 13.6), mối quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn căng thẳng đã bị đẩy lên một nấc thang cao hơn. Mỹ không ngừng cáo buộc và công bố các bằng chứng cho thấy Iran là thủ phạm, trong khi Iran thì kịch liệt bác bỏ mọi sự liên quan.

Trong động thái làm gia tăng căng thẳng, Mỹ liên tục triển khai các khí tài quân sự tới Trung Đông với lý do nhằm đối phó “mối đe dọa từ Iran”. Ngày 17.6, Mỹ đã quyết định tăng cường 1.000 binh sỹ tới Trung Đông. Trước đó, Mỹ còn điều tàu khu trục USS Mason tới Vùng Vịnh ngay sau cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu nước ngoài tại vịnh Oman (ngày 14.6). Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố việc triển khai quân bổ sung này nhằm mục đích “phòng thủ” trước những mối đe dọa trên biển, trên không và trên bộ ở Trung Đông. Song ông Shanahan cũng cho rằng các động thái của Iran đang đe dọa lợi ích và các lực lượng Mỹ trong khu vực. Ông Shanahan khẳng định Washington không "tìm kiếm xung đột với Iran" nhưng Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục "thực hiện những điều chỉnh binh lực khi cần thiết".

Trước những lời đe dọa quân sự từ Mỹ, Iran đã bày tỏ lập trường cứng rắn. Chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khẳng định tên lửa đạn đạo của Iran có thể đánh trúng “các tàu sân bay trên biển” với độ chính xác cao. Iran cũng tuyên bố nước này đủ khả năng về mặt quân sự để phong tỏa eo biển Hormuz một cách công khai và triệt để.

Bên cạnh đó, Iran khẳng định tiếp tục “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ngày 19-6, Iran còn tuyên bố sẽ khởi động tiến trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn vào tháng 7 tới và sẽ không trao thêm thời gian cho các cường quốc châu Âu để có biện pháp bảo vệ Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tiếp đó, tình hình Trung Đông lại càng “nóng” hơn sau khi Iran ngày 20.6 tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ trên trên vùng trời eo biển Hormuz. Iran cho rằng chiếc máy bay này đã vi phạm không phận nước này, nhưng Mỹ thì lại cho rằng chiếc máy bay của Hải quân Mỹ khi đó đang hoạt động trên không phận quốc tế.

Vụ máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ được xem như bị "đổ thêm dầu vào lửa". Cho rằng Iran đã “phạm phải một sai lầm lớn”, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay trong ngày 20.6 đã thông qua quyết định tiến hành vụ tấn công nhằm vào một số mục tiêu của Iran, như radar và các hệ thống tên lửa. Tuy nhiên, đến phút chót ông chủ Nhà Trắng đã rút lại quyết định trên. Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, khi các máy bay trên không và tàu chiến đã vào vị trí và sẵn sàng “khai hỏa”, song cuối cùng đã không có tên lửa nào được phóng đi khi tuyên bố tấn công được rút lại.

Tiết lộ lý do ngừng tấn công Iran, ngày 21.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã rút lại kế hoạch không kích nhằm vào Iran vì đó có thể là sự đáp trả không tương xứng với việc Iran bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Tổng thống Trump đánh giá Iran “khôn ngoan” khi đã không bắn hạ một máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ, bởi Mỹ có thể chấp nhận thiệt hại về phương tiện kỹ thuật, nhưng không thể chấp nhận bị thiệt hại về người. Và thay vì phát động một cuộc tấn công hạn chế nhằm vào Iran thì Tổng thống Mỹ đã quyết định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran kể từ ngày 24.6. Quyết định này được xem là đã tạm thời tháo ngòi nổ trong bối cảnh Mỹ và Iran đang cận kề miệng hố chiến tranh.

Liệu có chiến tranh?

Việc Mỹ hủy kế hoạch tấn công chỉ 10 phút trước khi máy bay Mỹ định tấn công các mục tiêu của Iran với lý do tránh gây thương vong cho khoảng 150 người và Washington “không vội tấn công” Tehran, còn Iran thì không lựa chọn phương án bắn hạ máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ, mà chỉ bắn vào một máy bay không người lái của Mỹ, được các nhà phân tích nhận định là đã phần nào tránh để xung đột giữa hai nước bị đẩy lên cao hơn nữa.

Các nhà phân tích nhận định, đằng sau hành động trên của Mỹ và Iran, có thể hiểu rằng Tổng thống Mỹ muốn cảnh báo Iran không được vượt “giới hạn đỏ”, còn việc Tehran lựa chọn phương án không bắn hạ máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ mà chỉ bắn hạ vào máy bay không người lái cũng phần nào “mở cánh cửa” cho ông chủ Nhà Trắng, tránh có những quyết định mang tới hậu quả nguy hiểm không thể kiểm soát.

Sự việc trên cho thấy dường như ông chủ Nhà Trắng không muốn có chiến tranh với Iran, nhất là khi nó đang ở vào thời điểm chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai đã bắt đầu. Một cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Iran có nguy cơ dẫn tới Tehran trả đũa, có khả năng gây ra xung đột quy mô lớn trên phạm vi khu vực. Và nếu chiến tranh xảy ra, cuộc xung đột này khó tránh sẽ kéo theo sự tham gia của các đồng minh của Mỹ và là “đối thủ” của Iran như Saudi Arabia hay Israel, cũng như các lực lượng lâu nay Washington vẫn cho rằng “có quan hệ với Iran” như Hezbollah tại Liban, Al-Houthi tại Yemen và một số nhóm dân binh Shiite tại Iraq.

Rủi ro từ cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông chắc chắn khiến các lợi ích của Mỹ và đồng minh khu vực bị ảnh hưởng, chưa kể Washington có thể bị “sa lầy” vào một cuộc chiến quân sự mới. Trung Đông rơi vào khủng hoảng tất yếu làm gia tăng giá dầu thô toàn cầu, tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới, qua đó làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn là yếu tố quyết định lá phiếu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Chính vì vậy, việc công khai rút lại quyết định tấn công Iran được đánh giá là một bước đi khôn khéo của Tổng thống Trump cho thấy ông muốn truyền tải thông điệp muốn đàm phán và tạo dư luận ông đang “trao cơ hội hòa bình” cho Iran, tháo ngòi nổ chiến tranh đã rất cận kề.

Trong khi đó về phía Iran, việc nước này tuyên bố công khai rằng có khả năng bắn hạ một máy bay quân sự có người lái của Mỹ nhưng Iran đã không làm vậy, cho thấy dường như Iran cũng đang gửi tín hiệu không muốn leo thang cuộc khủng hoảng này bằng cách tránh gây ra thiệt hại về người. Nhưng dù không muốn leo thang căng thẳng song động thái bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ cũng cho thấy Iran lập trường cứng rắn của nước này, rằng Iran sẵn sàng chấp nhận kịch bản một cuộc tấn công quân sự hạn chế của Mỹ nếu các lợi ích của Tehran bị đe dọa.

Hiện Iran cũng không chấp nhận đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới theo các điều kiện Mỹ nêu ra. Nước này đang theo đuổi chiến lược rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), để gây sức ép đối với Liên minh châu Âu (EU) và các nước có lợi ích tại Trung Đông gia tăng nỗ lực tác động Mỹ thay đổi chính sách cứng rắn với Tehran. Động thái của Iran bắn hạ máy bay quân sự không người lái của Mỹ cũng có thể được hiểu như “biện pháp răn đe” nhằm gây sức ép ngược với Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng, những hành động gần đây của Iran được hiểu như là sự mặc cả của nước này trước khi ngồi vào bàn đàm phán, mà khi đó nhượng bộ của Tehran chính là phải khôi phục nguyên trạng JCPOA.

Nỗ lực hạ nhiệt

Trước những diễn biến căng thẳng trên, trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt tại Mỹ, Thượng viện nước này vừa bỏ phiếu thông qua hai nghị quyết ngăn chặn hơn 20 thương vụ bán vũ khí trị giá 8,1 tỷ USD cho Saudi Arabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Jordan do chính quyền của Tổng thống Trump đưa ra trước đó. Điều này cho thấy giới nghị sĩ Mỹ đang hết sức thận trọng trước những bước leo thang giữa Mỹ và Iran và hạ nhiệt căng thẳng được cho là giải pháp mà các nghị sĩ Mỹ lựa chọn, nhằm tránh cho Washington trước một cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm với Tehran.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng kêu gọi nước Mỹ cần phản ứng một cách “chiến lược và thông minh”, có sự phối hợp với các đồng minh, trong việc đối phó vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ tại eo biển Hormuz.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng kêu gọi Mỹ và Iran kiềm chế, tránh các động thái làm leo thang căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh các bên cần giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ JCPOA, đồng thời hối thúc tất cả các bên ký thỏa thuận tuân thủ triệt để cam kết tương ứng. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh kêu gọi các nước hỗ trợ thực thi JCPOA, yêu cầu tất cả các bên tránh có bước đi dẫn đến leo thang căng thẳng tại khu vực.

JCPOA vốn được cộng đồng quốc tế coi là thành tựu lớn về ngoại giao và chống phổ biến hạt nhân, đóng góp vào hòa bình, an ninh của thế giới và khu vực. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đức và Anh khuyến cáo Tehran không nên vượt qua giới hạn về lượng dự trữ urani được quy định trong JCPOA. Đức khẳng định, sẽ không chấp nhận việc đơn phương ngừng tuân thủ một số cam kết trong JCPOA. Trong khi đó, đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết, EU sẽ không hành động dựa trên những tuyên bố của Iran và sẽ đợi các báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Theo các nhà phân tích, việc tuân thủ các nghĩa vụ trong khuôn khổ JCPOA, thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận lịch sử này được cho là giải pháp duy nhất và đúng đắn vào lúc này mà các bên tham gia JCPOA cần làm để có thể hạ nhiệt bầu không khí đang trở nên quá nóng, tránh dẫn tới những động thái kích động nguy hiểm ở Trung Đông và tránh để khu vực bị lâm vào một cuộc chiến mới với những hậu quả khôn lường. Khi đó, nguy cơ mất an ninh năng lượng sẽ có thể tác động đến nền kinh tế toàn cầu, gây ra những hậu quả khó lường.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh leo thang căng thẳng Mỹ - Iran