Ông chủ Lầu Năm Góc và sứ mệnh “hạ nhiệt” căng thẳng Mỹ-Trung

29/06/2018 05:41

Đến Bắc Kinh trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ năm 2014, ông James Mattis mang theo sứ mệnh xoa dịu những căng thẳng giữa hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis duyệt đội danh dự tại lễ đón ở Bắc Kinh ngày 27.6

Có thể nói, với chuyến thăm này, ông đã thực hiện khá thành công nhiệm vụ duy trì một bầu không khí hòa dịu nhất định cho mối quan hệ đặc biệt, vừa mang tính đối tác chiến lược, vừa là đối thủ cạnh tranh.

Chuyến thăm của ông Mattis diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang leo thang cực độ liên quan đến nhiều vấn đề, từ an ninh đến kinh tế, thương mại.

Hàng loạt động thái áp thuế thương mại, trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới liên tục trong trạng thái căng thẳng, đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại.

Trong khi đó, quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ-Trung cũng gần như bị đóng băng. Washington đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018, vốn được coi là cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất thế giới.

Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Mattis đã trình bày một bài phát biểu quan trọng về chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời mãnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, đe dọa an ninh và tự do hàng hải trong khu vực.

Ngoài ra, vấn đề Đài Loan cũng là một trong những “nút thắt” của mối quan hệ giữa hai nước.

Trong chiến lược an ninh quốc gia mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi đầu năm nay, Washington đã xác định Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” đe dọa lợi ích an ninh của Mỹ. 

Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng trên, cả Mỹ và Trung Quốc đều xác định rằng sự đối đầu giữa hai nước sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi ích của cả hai bên.

Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng là hai lực lượng quân sự nằm trong số những lực lượng hùng mạnh nhất thế giới, bởi vậy bất kỳ một cuộc chiến thương mại hay đối đầu quân sự nào giữa hai nước đều gây ra những hậu quả thảm khốc khó lường.

Trong bối cảnh đó, có thể nói yếu tố “lợi ích chung lớn hơn khác biệt” sẽ tiếp tục được cả Mỹ và Trung Quốc cố gắng duy trì và việc "hòa hoãn" mối quan hệ căng thẳng trở thành mục tiêu của chuyến thăm.

Ngoài ra, những diễn biến gần đây trong khu vực, đặc biệt liên quan tới tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng buộc Mỹ và Trung Quốc phải thừa nhận vai trò của nhau cũng như khẳng định tầm quan trọng của việc hai cường quốc phải duy trì phối hợp với nhau.

Ở châu Á nói chung và bán đảo Triều Tiên nói riêng, hai bên đều có những lợi ích chiến lược liên quan tới sự ổn định, mà mức độ ảnh hưởng của cả Bắc Kinh lẫn Washington là điều không thể phủ nhận.

Nói cách khác, cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể tự mình thúc đẩy quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nếu không có sự phối hợp của bên kia.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là thành công rõ ràng của Tổng thống Donald Trump, song để biến các thỏa thuận thành hành động thực tế, rõ ràng Washington đang rất cần có sự ủng hộ tích cực và thiện chí của Bắc Kinh, bởi vai trò của Trung Quốc trong tiến trình này đã được khẳng định rõ qua 3 chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc chỉ trong vòng hơn 2 tháng.

Vì vậy, với chuyến thăm lần này, ông Mattis đặt mục tiêu giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc vì những lợi ích lớn hơn.

Tại Bắc Kinh, “ông chủ” Lầu Năm góc nhấn mạnh: “Tôi đến đây để đối thoại và giữ cho quan hệ của chúng ta đi đúng đường.”

Bởi vậy, nội dung thảo luận giữa hai bên ít tập trung vào những bất đồng, mà đề cập tới các vấn đề chiến lược mà hai bên có khả năng phối hợp, đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của quan hệ quân sự Mỹ-Trung và cách thức để duy trì xung lực này.

Trong các cuộc gặp của ông Mattis với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa, cũng như Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, ông Mattis đã tìm cách trình bày rõ về các lợi ích của Mỹ tại châu Á nhằm tránh leo thang căng thẳng không đáng có.

Ông Mattis chỉ nêu rõ quan điểm của Lầu Năm góc về vấn đề tranh chấp biển, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải và Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế.

Giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh hy vọng mở rộng hợp tác quân sự Mỹ-Trung và quan trọng hơn là tăng cường các kênh thông tin liên lạc có thể giúp ngăn xung đột khi quân đội hai nước vô tình “chạm trán” trên không hoặc trên biển.

Sau các cuộc gặp tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Mattis và giới chức Trung Quốc đều đã có những phát biểu tích cực.

Ông Mattis khẳng định: “Đây là một thời điểm quan trọng trong lịch sử của Trung Quốc và Mỹ khi chúng ta cùng hướng về phía trước.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa cũng cho rằng: “Chỉ bằng cách không xung đột, không đối đầu và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng thắng mới có thể đạt tiến triển chung."

Với các cuộc gặp được hai bên mô tả là “rất cởi mở và chân thành,” chuyến thăm của ông Mattis dường như đã phần nào giúp “hạ nhiệt” những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sự hòa hoãn Mỹ-Trung được cho là đang định hình rõ hơn cái mà Tổng thống Trump gọi là “cách tiếp cận mới” cho mối quan hệ vốn được coi là trục quan hệ chính chi phối bàn cờ quốc tế.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông chủ Lầu Năm Góc và sứ mệnh “hạ nhiệt” căng thẳng Mỹ-Trung