Những thách thức đối với Tổng thống Indonesia J.Widodo trong nhiệm kỳ II

21/05/2019 16:06

Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4.2019 và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.


Ông Joko Widodo tái đắc cử Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ 2

Chiến thắng này cho thấy sự kỳ vọng của cử tri Indonesia về một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ lớn lao đối với chính quyền của Tổng thống Widodo.

Tổng thống Joko Widodo tái đắc cử

Ngày 21-5, Ủy ban bầu cử Indonesia đã công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4 vừa qua, xác nhận Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Theo Ủy ban bầu cử Indonesia, ông Joko Widodo giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu ủng hộ đạt 55,5% so với 44,5% của đối thủ Prabowo Subianto, cựu Tướng quân đội và thành viên đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra). Phát biểu trước báo chí, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Indonesia, ông Arief Budiman nói: “Phán quyết này được công bố ngày 21.5… và sẽ có hiệu lực ngay lập tức”.

Theo kế hoạch trước đó, Ủy ban bầu cử Indonesia sẽ công bố kết quả bầu cử tổng thống vào ngày 22.5. Để đảm bảo an ninh cho việc công bố kết quả này, Indonesia đã siết chặt an ninh, trong đó huy động và đặt 32.000 cảnh sát và binh sĩ trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu tại thủ đô Jakarta. Cảnh sát Indonesia ngày 17-5 cho biết lực lượng an ninh đã bắt giữ hàng chục nghi can khủng bố có liên hệ với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, trong đó có một số đối tượng lên kế hoạch đánh bom tại một sự kiện chính trị.

Ngày 17.4 vừa qua, Indonesia đã tiến hành tổng tuyển cử, bầu các vị trí Tổng thống, Phó Tổng thống và trên 20.000 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp của nước này. Cuộc bầu cử năm nay có sự tham gia của 245.000 ứng cử viên đại diện cho 6 đảng phái chính trị trên cả nước. Cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ 2019-2024 là "màn tái đấu" giữa hai ứng cử viên quen thuộc từng là đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2014 gồm Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và cựu Tướng quân đội Prabowo Subianto.

Sau khi Ủy ban bầu cử Indonesia công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chúc mừng Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Giới truyền thông Australia dẫn thông tin từ tuyên bố của Chính phủ Indonesia cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục cải thiện hợp tác và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước láng giềng gần gũi”.

Nhiệm kỳ I nhiều khó khăn

Cách đây 5 năm, ông Joko Widodo - một người "ngoại đạo" về chính trị, với lời hứa mở khóa tiềm năng phát triển kinh tế của Indonesia - bất ngờ đắc cử Tổng thống nước này. Không thể phủ nhận trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Indonesia Widodo đã có những chính sách quyết liệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Trong 5 năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Widodo đã triển khai một số cải cách thân thiện với thị trường như hạn chế trợ cấp giá xăng dầu, nhờ đó giúp định hạng tín nhiệm quốc gia của Indonesia được nâng lần đầu tiên sau 2 thập kỷ. Cùng với đó, Tổng thống Widodo phê chuẩn loạt dự án hạ tầng với tổng trị giá hơn 300 tỷ USD, nhờ đó tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Indonesia sau 34 năm quy hoạch đã được khai trương. Bên cạnh đó, chính phủ của Tổng thống Widodo đã giành quyền kiểm soát tài sản từ những công ty Freeport-McMoRan Inc., Chevron Corp. và Total SA, nhằm đưa Indonesia từ một nước xuất khẩu tài nguyên thô thành một quốc gia cung cấp hàng hóa đã qua chế biến.

Mặc dù vậy kể từ năm 2014 đến nay, Indonesia chỉ đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm hơn 5%, thấp hơn mục tiêu 7% mà Tổng thống Widodo đề ra. Các chuyên gia kinh tế nhận định nguyên nhân quan trọng khiến Indonesia chưa thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mà Tổng thống Widodo đề ra là bởi nước này không thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Tình trạng này là kết quả của các quy định ngặt nghèo về lao động của Indonesia khiến những ngành có hàm lượng lao động cao "khó sống", đồng thời khiến các công ty khó thu hút lao động nước ngoài trình độ cao.

Đồng nội tệ Rupiah của Indonesia cũng đã giảm giá mạnh trong năm 2018, trong một đợt biến động của các thị trường mới nổi, rớt xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ. Những điểm yếu này là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều nhà đầu tư rút vốn khỏi Indonesia, cộng thêm nhập khẩu xăng dầu ở mức cao, góp phần khiến thâm hụt thương mại của nước này lên tới gần 3% GDP trong năm 2018. Trong 3 tháng đầu năm nay, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã tăng 5,07% , gần như "đi ngang" so với cùng kỳ năm trước, và thấp hơn so với ước tính tăng 5,18% của các nhà quan sát thị trường. Trong khi hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, còn Tổng sản phẩm quốc nội giảm so với quý IV/2018.

Trong bối cảnh kinh tế quốc gia "vạn đảo" với hơn 260 triệu dân gặp khó khăn, chênh lệch khoảng cách giàu-nghèo và chênh lệch về sự phát triển giữa các vùng miền có xu hướng tăng, tỷ lệ nghèo đói dù những năm qua có xu hướng giảm, nhưng đói nghèo vẫn là thách thức, nạn thất nghiệp cũng như sự biến động về giá của các thực phẩm cơ bản, cuộc bầu cử lần này được coi là cuộc trưng cầu dân ý đối với nhà lãnh đạo Indonesia Widodo.

Nhưng tương tự như cuộc đua 5 năm trước trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019, ông Joko Widodo đã đánh bại đối thủ Prabowo Subianto với một khoảng cách tương đối về số phiếu và giành thêm một nhiệm kỳ nữa lãnh đạo đất nước Indonesia.

Những thách thức trong nhiệm kỳ mới

Với việc cử tri Indonesia tiếp tục đặt niềm tin vào nhà lãnh đạo Widodo, nhiệm kỳ tới của ông sẽ là một chặng đường gập ghềnh. Giờ sẽ là lúc ông Jokowi bắt tay vào thực thi những lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, bao gồm giáo dục miễn phí, giá cả các mặt hàng cơ bản được giữ ở mức ổn định, tạo hàng triệu việc làm cho giới trẻ, và tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nhất là các dự án xây dựng đô thị cũng như hạ tầng kỹ thuật số, thông qua đó tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.

Không chỉ gặp thách thức trong việc giải quyết các vấn đề trong nước, định hướng chính sách đối ngoại của Indonesia trong nhiệm kỳ tổng thống mới cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Là quốc gia lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á , nhiệm vụ đối với Tổng thống Indonesia Widodo là sẽ phải xác định cách thức quốc gia này điều chỉnh quan hệ với các nước trong khu vực. Quan hệ hợp tác với các nước ASEAN cũng cần được mở rộng và tăng cường để thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Jakarta sẽ trở thành thủ đô của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và vị thế của Indonesia trong khu vực được nâng cao.

Ngoài ra Indonesia cũng phải xem xét các mối lo ngại an ninh ngày càng tăng bao gồm vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong khu vực…

Theo các nhà phân tích, không chỉ đối với các vấn đề khu vực mà Indonesia còn phải thể hiện nổi bật được vai trò đối với các vấn đề quốc tế lớn. Có thể khẳng định rằng chính sách đối ngoại tự do và tích cực của Indonesia cũng sẽ không có gì thay đổi trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Widodo. Chính sách đối ngoại xuyên suốt của Indonesia sẽ vẫn là độc lập, tự chủ, không nghiêng về bên nào trong các trục quan hệ quốc tế, đồng thời tích cực, chủ động tham gia các vấn đề quốc tế. Chính vì vậy, Indonesia sẽ phải tập trung hơn nữa vào việc thúc đẩy chính sách ngoại giao toàn diện, nhấn mạnh vai trò của ngoại giao hòa bình, năng lực của Indonesia trong việc hòa giải một số cuộc xung đột quốc tế và sức mạnh ngoại giao mềm của Indonesia trong một số cuộc đàm phán thương mại quốc tế để tăng cường vị thế của Indonesia trên các diễn đàn quốc tế.

Khi nhiệm kỳ tổng thống mới của Indonesia được bắt đầu dự kiến vào tháng 10-2019, Indonesia vẫn đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Tổng thống Indonesia vẫn đang là đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong cơ quan quyền lực nhất của LHQ. Theo dự kiến, Tổng thống Indonesia Widodo sẽ chủ trì các cuộc tranh luận tại HĐBA trong năm thứ hai Indonesia đảm nhiệm cương vị này. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang thúc đẩy và mong muốn sẽ chắc chắn có được một vị trí trong Hội đồng Nhân quyền LHQ vào cuối năm 2019... Do vậy, những nỗ lực hiện tại của Indonesia sẽ tiếp tục cần được thúc đẩy hơn nữa.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những thách thức đối với Tổng thống Indonesia J.Widodo trong nhiệm kỳ II