Mỹ toan tính gì khi muốn rút khỏi INF?

08/12/2018 08:10

Những lợi ích và toan tính riêng của Mỹ đang khiến sự sống còn của Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trở nên mong manh.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải) và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong lễ ký INF tại Nhà Trắng ngày 8.12.1987

Tranh cãi qua lại

Hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev gặp nhau ở Geneva và tuyên bố rằng "trong chiến tranh hạt nhân sẽ không có bên nào chiến thắng và đây là cuộc chiến không bao giờ được xảy ra". Ngày 8.12.1987, Mỹ và Nga nhất trí ký INF. Gần 1 năm sau, ngày 1.6.1988, INF chính thức có hiệu lực. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km). Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, tránh dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.

Những gì đạt được ở Reykjavik là một dấu mốc lịch sử bởi các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô đều nhất trí mục tiêu cuối cùng của tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân là loại bỏ tất cả các loại vũ khí này. Con đường để thực hiện mục tiêu rõ ràng là khó khăn nhưng thực tế hiệp ước này đã phần nào ngăn cản các cuộc chạy đua vũ trang và xoa dịu những chia rẽ và căng thẳng giữa Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 4.12.2018, Mỹ đã ra tối hậu thư cho Nga 60 ngày để tuân thủ INF và ám chỉ rằng Washington sẽ buộc phải khôi phục cân bằng quân sự ở châu Âu với việc thử nghiệm và triển khai tên lửa mới nếu sau 60 ngày, Nga không tuân thủ hiệp ước. Tại hội nghị Ngoại trưởng NATO ngày 4.12 tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính phủ Mỹ đã nêu vấn đề Nga vi phạm INF ít nhất 30 lần kể từ năm 2013. Cùng lúc, các ngoại trưởng NATO lần đầu tiên đưa ra tuyên bố rằng tên lửa 9M729 của Nga đã vi phạm INF và việc cứu vãn để hiệp ước này không "đổ vỡ" phụ thuộc hoàn toàn vào Moscow.

Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định nước này vẫn đang tuân thủ các điều khoản trong INF và Mỹ biết rõ điều này. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5.12 cho biết Nga sẽ buộc phải trả đũa nếu Mỹ rút khỏi INF. Phát biểu trên truyền hình, ông Putin cho biết Moscow phản đối việc phá bỏ thỏa thuận, đồng thời cáo buộc Mỹ từ lâu đã muốn rút khỏi INF nên đổ lỗi cho Nga vi phạm văn kiện này để viện cớ rút lui.

Nga và Mỹ có thực sự muốn cứu INF?

Trong khi chính quyền ông Trump đưa ra cáo buộc Nga vi phạm INF trong nhiều năm qua thì còn có một lý do khác đằng sau quyết định rút khỏi hiệp ước này của Mỹ. Theo nhiều nhà phân tích, INF ngăn cản Mỹ triển khai các loại vũ khí mới nhằm đối phó với Trung Quốc. Bắc Kinh không bị ràng buộc bởi INF nên quốc gia này không phải đối mặt với những quy định hạn chế phát triển các loại tên lửa hạt nhân tầm trung. Theo Lầu Năm Góc, hầu hết các loại tên lửa của Trung Quốc đều nằm trong giới hạn cấm của INF.

Chuyên gia Elbridge Colby, Giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ cho biết thách thức hiện nay của Washington là làm sao để cân bằng những lo ngại của liên minh châu Âu (EU) khi Mỹ rút khỏi INF và nhu cầu phát triển các loại vũ khí để đối phó với những đe dọa gia tăng từ phía Trung Quốc. "EU lo ngại rằng việc Mỹ rút khỏi INF có thể đẩy họ vào một cuộc chạy đua vũ trang với Nga trong khi không cải thiện thêm gì về tình hình an ninh. Tuy nhiên, Washington lại cho rằng Trung Quốc mới là mối đe dọa quân sự lớn nhất mà Mỹ và đồng minh cần phải đối phó", ông Colby nhận định.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg khẳng định rằng: "Chúng tôi không muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới. Chúng tôi không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để duy trì mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Nga hiện có cơ hội cuối cùng để quay lại tuân thủ Hiệp ước INF nhưng chúng tôi cũng phải chuẩn bị cho một thế giới không có hiệp ước này".

Trong những năm qua, mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp. Mối lo ngại về những tiến triển đạt được từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh trong quan hệ Nga - Mỹ ngày càng tăng lên, nhất là sau thông báo Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Thực tế là khi ký kết INF, cả Nga và Mỹ đều muốn duy trì hiệp ước này nhưng sự thiếu tin tưởng lẫn nhau cũng như yếu tố Trung Quốc trong một môi trường địa chính trị không ngừng biến động đã ngăn cản cả hai không muốn tiếp tục thực thi INF mà hai bên từng đặt bút ký.

Vì thế, điều quan trọng Mỹ và Nga cần làm hiện nay không phải là rút khỏi INF mà là một cuộc đối thoại nghiêm túc nhằm tìm ra giải pháp cho các vấn đề và tạo nên những thay đổi cần thiết cho hiệp ước này và cho cả mối quan hệ giữa hai quốc gia.

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ toan tính gì khi muốn rút khỏi INF?