Mỹ tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc: Người tiêu dùng bị ảnh hưởng thế nào?

06/05/2019 19:52

Sáng 6.5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ.

Quyết định này có thể được đưa ra vào ngày 10.5 tới.


 Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng

Ai phải trả thuế nhập khẩu?

Theo lẽ thường, thuế nhập khẩu đánh vào hàng Trung Quốc dĩ nhiên sẽ khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc tăng giá để bù đắp. Điều này dẫn tới giá những món hàng Trung Quốc mà người Mỹ dùng chắc chắn tăng lên. Nhưng ông Trump nói rằng thuế nhập khẩu áp lên hàng Trung Quốc đang giúp kinh tế Mỹ thể hiện tốt hơn trong giai đoạn qua. Đồng thời quả quyết phía Trung Quốc gánh thuế ấy chứ người Mỹ không ảnh hưởng lắm do không làm tăng giá hàng quá nhiều.

Ngay lập tức hãng tin Reuters đã có bài phân tích tổng quát để xem quy trình đánh thuế như thế nào và ai thực chất là người trả thuế nhập khẩu.

Theo đó, Cục Hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) thông thường yêu cầu các công ty nhập khẩu trả thuế này trong vòng 10 ngày kể từ lúc các đợt hàng xuất khẩu bước qua hải quan. Thuế nhập khẩu được trả cho chính phủ Mỹ là tiền từ các công ty nhập khẩu ở Mỹ. Hầu hết các nhà nhập khẩu hàng do Trung Quốc sản xuất đều là công ty Mỹ hoặc các đơn vị thuộc công ty nước ngoài đang đăng ký hoạt động ở Mỹ và nhập hàng Trung Quốc. Mỗi mặt hàng nhập vào Mỹ hợp pháp đều có một mã hải quan. Các nhà nhập khẩu đều phải kiểm tra thuế quan và thuế khác đối với loại hàng mà họ đem về nước, sau đó tính toán rồi trả tiền.

Vấn đề đặt ra là liệu các công ty Mỹ có giao chi phí thuế quan cho các nhà cung cấp hàng hóa từ Trung Quốc xử lý hay không? Một số công ty đã làm như vậy. Chính vì thế, các công ty Trung Quốc trong trường hợp này cũng đóng thuế nhập khẩu. Một công ty nhập khẩu Mỹ khi trả thuế nhập khẩu có thể quản lý chi phí của mình theo 5 cách: Trả toàn bộ chi phí và khiến lợi nhuận biên của họ bị thấp đi; cắt giảm chi phí để bù đắp vào phần hao hụt do thuế quan cao; yêu cầu các nhà cung cấp (nhà xuất khẩu) Trung Quốc giảm giá để đối phó với thuế quan cao; tìm các nhà cung cấp thay thế Trung Quốc. Điều này khiến nhiều công ty Trung Quốc mất cơ hội làm ăn; tăng giá bán lại sản phẩm cho thị trường trong nước để bù đắp chi phí thuế quan. Nói cách khác, đây là cách làm buộc người tiêu dùng trong nước gánh giúp phần thuế nhập khẩu.

Theo Reuters, đa số nhà nhập khẩu Mỹ sử dụng đan xen 5 loại biện pháp trên để chia sẻ gánh nặng cho bên cung cấp, cho bản thân họ hoặc người tiêu dùng - đại lý trong nước.

Chứng khoán lao dốc

Ngày 6.5, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã ghi nhận phiên giảm điểm mạnh sau khi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có dấu hiệu leo thang trở lại.

Lúc 14 giờ (giờ Việt Nam), trên sàn chứng khoán Thượng Hải, cổ phiếu chứng khoán Shanghai Composite đã trượt dốc khoảng 6%. Trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, chỉ số Shenzen Composite lao dốc khoảng 8%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng mất 3,2% giá trị so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 5.5.

Sắc đỏ cũng bao trùm toàn bộ các chỉ số chứng khoán chủ chốt của khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nikkei của Nhật Bản giảm 0,22%, Kospi của Hàn Quốc giảm 0,74% và ASX của Australia giảm 0,82%.

Tại Việt Nam, kết thúc ngày giao dịch 6.5, chỉ số VN-Index mất 16,17 điểm, sàn HoSE "bốc hơi" gần 3 tỉ USD. Đây cũng là đợt giảm điểm mạnh nhất của thị trường trong 1 tháng trở lại đây. Nhóm VN30 chứng kiến 28 mã cổ phiếu nằm sàn, trong đó có những cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (Vingroup), VNM (Vinamilk), VJC (Vietjet Air)...

Sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra tại thời điểm "sell in May and go away" (thuật ngữ ám chỉ thị trường tháng 5 diễn biến phức tạp và nhà đầu tư nên nghỉ ngơi để tránh mất tiền). Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng thị trường đã chứng kiến sự suy giảm từ tháng 4 và những phiên đầu tháng 5 sau kỳ nghỉ lễ chứ không phải chỉ phiên hôm nay.

Trong tháng 4.2019, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE chưa đến 50.000 tỷ đồng, có dấu hiệu sụt giảm sau khi tình hình giao dịch đạt đỉnh vào tháng 3.2019 với giá trị hơn 76.400 tỉ đồng. Ông Khánh cho rằng thông tin Tổng thống Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu lên 25% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc vào ngày 10.5 tới cũng là yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

PHƯƠNG LINH(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc: Người tiêu dùng bị ảnh hưởng thế nào?