Hàn-Triều và kế hoạch của Donald Trump

28/04/2018 07:11

Trong cuốn sổ lưu niệm tại Nhà Hòa bình, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã viết: “Trang sử mới bắt đầu từ phút giây này. Thời đại của hòa bình, nơi bắt đầu của lịch sử”.

Đó là một trong số rất nhiều dấu ấn lịch sử trong mối quan hệ hai miền Triều Tiên, vốn nằm ngoài dự đoán của rất nhiều người chỉ vài tháng trước. 

“Ngày thứ sáu trọng đại” là từ mà nhiều người dân Hàn Quốc, Triều Tiên cũng như cộng đồng quốc tế dùng để chỉ thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba. Trong không khí thiện chí đến bất ngờ của tình hữu nghị hai miền, tuyên bố chung Hàn-Triều đã được đưa ra. Ghi dấu ấn lịch sử cho chiến thắng cả về mặt chính trị lẫn ngoại giao cho hai miền bán đảo. Kết quả này làm hài lòng Bắc Kinh, làm yên lòng cộng đồng quốc tế vốn lo ngại về khả năng xảy ra xung đột hạt nhân. Song, lại là vấn đề lớn với Donald Trump.

Mối quan hệ tốt đẹp đầy bất ngờ tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: AsianCorrespondent

Những nội dung được công bố trong bản tuyên bố chung Hàn-Triều vào cuối ngày thứ sáu lịch sử chắc chắn sẽ được người dân hai miền biên giới nhiệt tình đón nhận. Bao gồm vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hiệp ước chấm dứt tình trạng chiến tranh, các biện pháp xây dựng “niềm tin quân sự”, tổ chức thường xuyên các hoạt động đối thoại và tăng cường kênh ngoại giao nhân dân.

Cam kết của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong việc ngừng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, chấm dứt các hành động khiêu khích và tuyên truyền thù địch, hướng tới bình thường hóa quan hệ, là một “món quà lớn” và đầy ý nghĩa dành cho hai miền bán đảo, đặc biệt là đối với Nhật Bản, quốc gia láng giềng vốn lo ngại về một cuộc quyết chiến trong phần lớn thời gian của năm 2017.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, nội dung đáng chú ý nhất vẫn là thỏa thuận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là nội dung cả Seoul và Bình Nhưỡng đều không thông báo chi tiết, làm dấy lên quan ngại từ Nhà Trắng. Trong quá khứ, Triều Tiên từng “đi nước đôi” khi một mặt cam kết tham gia vào một tiến trình giải giáp vũ khí dài hạn. Mặt khác, quốc gia này lại lợi dụng sự răn đe hạt nhân nhằm “chèo kéo” sự nhượng bộ.

Trong cuộc đối thoại lịch sự Hàn-Triều này, không một tín hiệu rõ ràng nào cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng sẽ xóa bỏ hay chỉ đơn giản là giảm bớt kho vũ khí hạt nhân trong một tương lai gần và có thể dự đoán được. Và đây chính là lý do cốt lõi khiến chính quyền Donald Trump “khó tính toán”. Trước đó, Nhà Trắng từng thể hiện mong muốn về một Bình Nhưỡng giải trừ vũ khí vô điều kiện, không thay đổi và có thể kiểm chứng được. Song, dường như con đường từ mong muốn này cho tới hiện thực vẫn còn rất dài.

Khó khăn chính đối với ông chủ Nhà Trắng khi thiết lập đối thoại riêng Mỹ-Triều trong một vài tuần lễ tới xuất phát từ đồng minh Hàn Quốc. Sự đầm ấm trong mối quan hệ song phương Hàn-Triều, một loạt các biện pháp cụ thể nhằm giảm bớt căng thẳng hai miền, cùng xây dựng sự thịnh vượng chung, hướng tới sự thống nhất hoàn toàn trái ngược với thái độ gây hấn và cứng rắn của phương Tây nhằm vào Triều Tiên. Chính Seoul đã khiến Washington lâm vào thế khó trước khi đối thoại Trump-Kim diễn ra.

Đối thoại Mỹ-Triều và nhiều kịch bản khó dự đoán. Ảnh: CNN

Theo nhiều nhà phân tích, nếu “thẳng tay” với Kim Jong-un, Donald Trump có thể sẽ trở thành một kẻ hiếu chiến và thích bắt nạt trong con mắt nhiều bên. Đồng thời, các chính sách của Nhà Trắng khi đó sẽ xung đột với lợi ích chung hai miền Triều Tiên. Song, nếu Washington nhượng bộ, điều này có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh cũng như vai trò và tầm ảnh hưởng của cường quốc phương Tây này tại khu vực. Một yếu tố quan trọng khác, Tổng thống Moon Jae-in, người chủ trương xoa dịu căng thẳng hai miền bằng các biện pháp ngoại giao suốt thời gian qua, đã làm hỏng kế hoạch gây sức ép của Mỹ nhằm vào Triều Tiên.

Sự tốt đẹp một cách đầy bất ngờ trong mối quan hệ liên Triều đã đặt Donald Trump dưới áp lực ngày càng gia tăng từ chính quốc gia đồng minh Hàn Quốc, buộc Washington phải thay đổi quan điểm, giảm bớt hiện diện quân sự tại khu vực và đặc biệt, khiến Nhà Trắng có thể phải nhượng bộ. Rất nhiều quốc gia đã không thành công trong việc khiến cho Trump phải “hành xử đẹp”, tuy nhiên Bình Nhưỡng có thể đã tìm ra cách nào đó.

Tổng thống Moon Jae-in ca ngợi Chủ tịch Kim Jong-un khi dã dũng cảm tạo ra sự đột phá lịch sử, song theo giới chuyên gia, một phần xuất phát từ ảnh hưởng và sự hỗ trợ của bà Kim Yo-jong, em gái đồng thời là “cán bộ đường lối” của Chủ tịch Kim Jong-un. Bà Kim đóng vai trò then chốt trong việc “phá băng” mối quan hệ hai miền tại Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang vừa qua, trở thành một trong số rất ít người Triều Tiên có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Và bà Kim, một lần nữa, luôn bên cạnh Chủ tịch Kim trong suốt thời gian diễn ra hội nghị liên Triều.
Trong một diễn biến khác, kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ làm hài lòng Bắc Kinh, vốn được Bình Nhưỡng viếng thăm không chính thức hồi cuối tháng trước nhằm chuẩn bị cho đối thoại liên Triều. Trong bối cảnh chính quyền ông Tập Cận Bình buộc phải tuân theo các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm vào Triều Tiên, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và nhập khẩu than đá, khiến Bắc Kinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc không hề muốn trực tiếp tạo ra cái cớ có thể giúp Mỹ “xâm phạm vào sân sau”.

Tại thời điểm Kim Jong-un diện kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các chuyên gia nhận định rằng Bình Nhưỡng đã được khuyên rằng thay vì gia tăng căng thẳng quân sự, cần tập trung khôi phục nền kinh tế vốn đang yếu ớt. Tuyên bố chung Panmunjom (Bàn Môn Điếm) dường như phản ánh “chiến lược mới” của Bình Nhưỡng.

Về cơ bản, hội nghị liên Triều lịch sử lần này có thể coi là một chiến thắng dành cho cá nhân Kim Jong-un. Donald Trump từng chế giễu và luôn có những phát ngôn gây kích động khi nói về Kim Jong-un như một nhà độc tài cai trị một quốc gia lạc hậu nhất thế giới. Sự xuất hiện một cách đầy thân thiện và cởi mở của ông Kim trong hội nghị liên Triều lần này đã hoàn toàn xóa bỏ hình ảnh đó. Điều đó khiến kế hoạch của Washington bị chệch hướng, ảnh hưởng đến thế ngoai giao ba bên Mỹ-Hàn-Triều, tác động trực tiếp đến đối thoại Mỹ-Triều dự kiến sẽ diễn ra vào một vài tuần tới. 

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàn-Triều và kế hoạch của Donald Trump