EU cởi bỏ nút thắt về lãnh đạo chủ chốt

04/07/2019 07:47

Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất được danh sách ứng viên cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Sự đồng thuận này được cho là cần thiết vào thời điểm EU đang gặp khó khăn.

Lãnh đạo châu Âu đã thống nhất được các vị trí lãnh đạo chủ chốt của khối

Thống nhất danh sách đề cử các chức danh chủ chốt

Sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi tháng 5 vừa qua, EU đã đề cử các ứng cử viên cho 4 vị trí cao nhất gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU. Đây là các chức danh rất quan trọng, có vai trò định hình các chính sách trải dài trên các lĩnh vực từ thương mại, di cư cho tới khí hậu của khối kinh tế lớn nhất thế giới với 500 triệu dân.

Tuy nhiên việc đề cử này đã gặp phải sự bất đồng và mâu thuẫn trong nội bộ EU. Chính sự chia rẽ và phân hóa sâu sắc này đã chi phối hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của EU diễn ra tại Brussels, Bỉ ngày 20 và 21.6 khi lãnh đạo 28 nước EU đã không thể đi đến thống nhất để đưa ra được một danh sách ứng cử viên cho các vị trí hàng đầu của EU. Đặc biệt là sự bất đồng giữa hai trung tâm quyền lực Đức và Pháp. Thêm vào đó, sự phân tán lực lượng tại EP đã càng khiến cho câu chuyện nhân sự cấp cao vốn nhạy cảm và khó khăn lại càng trở nên bế tắc.

Tiếp đó, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Osaka, Nhật Bản ngày 28 và 29-6, một số nhà lãnh đạo EU đã chia sẻ các vị trí chủ chốt song vẫn không loại bỏ được bế tắc.

Sau bế tắc tại hai cuộc họp ở Brussels và Osaka, các nhà lãnh đạo EU đã dành 3 ngày liên tiếp cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 kể từ sau cuộc bầu cử châu Âu để tranh luận xem ai sẽ nắm giữ các vị trí hàng đầu của khối cho đến năm 2024.

Tối 2.7, tại Brussels, 28 nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu đã đi đến thống nhất về danh sách đề cử các chức danh chủ chốt của khối cho nhiệm kỳ mới, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng của Đức, bà Ursula von der Leyen, được giới thiệu làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Theo thỏa thuận, Thủ tướng Bỉ Charles Michel sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell làm Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp diễn ra căng thẳng trong 3 ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã hoan nghênh thỏa thuận khi lần đầu tiên có hai vị trí lãnh đạo then chốt của EU được dành cho phụ nữ. Ông bày tỏ "hoàn toàn chắc chắn" rằng lãnh đạo mới của khối sẽ không thay đổi quan điểm và không đưa ra những nhượng bộ đối với thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sau một cuộc thảo luận marathon, bà Ursula von der Leyen đã nhận được sự đề cử gần tuyệt đối cho chức danh Chủ tịch Ủy ban châu Âu với một phiếu trắng của bà Merkel và điều này phù hợp với quy tắc bầu cử của Đức. Bà Merkel khẳng định điều đó chứng tỏ rằng ứng viên người Đức này được thông qua mà không vấp phải một sự phản đối nào. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì nói rằng các đề cử cho các chức vụ hàng đầu của EU là "tích cực và đồng thuận", mang lại một khởi đầu mới tốt đẹp cho khối.

Như vậy, trong bối cảnh các lực lượng chính trị trong khối ngày càng phân tán, việc các nhà lãnh đạo EU thống nhất được danh sách đề cử các chức danh chủ chốt cho thấy sự cố gắng để cân bằng các mối liên kết chính trị cũng như những lợi ích của các khu vực khác nhau và lấp đầy khoảng cách về giới ở các vị trí cấp cao.

Theo luật định, để một ứng cử viên nhận được chấp thuận, họ cần sự ủng hộ của ít nhất 21 trong số 28 nhà lãnh đạo EU, đại diện cho 65% dân số của khối. Ngoài chức danh Chủ tịch Hội đồng châu Âu, các chức danh còn lại vẫn phải được sự đồng ý của Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ mới trong họp phiên toàn thể đầu tiên vào ngày 3 và 4.7.

Những nhiệm vụ đặt ra

Theo các nhà phân tích, cho dù đã cởi bỏ được nút thắt quan trọng là các vị trí lãnh đạo chủ chốt, song nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo châu Âu trong nhiệm kỳ 5 năm tới được dự báo là không ít chông gai đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang ngày càng trở nên đa cực và bất ổn. Trong đó, lĩnh vực quốc phòng và an ninh là định hướng phòng vệ châu Âu; vị thế của EU trên thế giới là định hướng ảnh hưởng của châu Âu; lĩnh vực kinh tế và số là định hướng khả năng cạnh tranh của châu Âu; về xã hội là vấn đề bình đẳng ở châu Âu và về môi trường là sự phát triển bền vững của châu Âu.

Giới phân tích cho rằng, mục tiêu của vấn đề phòng vệ châu Âu là hoàn thành việc xây dựng một EU an toàn. Vấn đề này cần có “hiệu lực” và “tiến tới một nền quốc phòng châu Âu thực sự” để sự hợp tác về quốc phòng trong các nước thành viên EU trở thành chuẩn mực chứ không phải là một ngoại lệ.

Về vị thế của EU, liên minh này cần định hướng sự phát triển của thế giới bằng cách kiên quyết khuyến khích và gắn bó chặt chẽ với một trật tự thế giới đa phương dựa trên các luật lệ với việc lấy Liên hợp quốc làm yếu tố trung tâm. Các ưu tiên khác là phát triển các mối quan hệ chặt chẽ với các nước láng giềng và củng cố vai trò của đồng euro ở quy mô quốc tế để tăng cường chủ quyền kinh tế và tiền tệ của châu Âu. Ngoài ra mối quan hệ với Mỹ, Nga, Iran và Trung Quốc cũng là một vấn đề quan trọng.

Liên quan đến khả năng cạnh tranh của châu Âu, EU cần cải thiện, hiện đại hóa và thực hiện đầy đủ mọi mặt của một thị trường chung, tập trung nghiên cứu và đổi mới sự chuyển đổi về sinh thái, xã hội, đầu tư vào năng lực số của châu Âu và thúc đẩy trí tuệ nhân tạo tại châu Âu cũng như tập trung cho con người. Việc phát triển kinh tế, tăng cường ảnh hưởng của EU cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Về các vấn đề xã hội và môi trường, EU cần rút ra bài học từ nhiệm kỳ 5 năm vừa qua là truyền tải tốt hơn nữa về các chính sách của EU. Để EU thống nhất, mạnh mẽ và dân chủ hơn, liên minh cần phải đưa ra những quyết định đúng đắn cũng như giải thích đúng về các quyết định này.

Trong 5 năm tới, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ phải tập trung vào vấn đề nhập cư và bảo vệ biên giới bên ngoài - yếu tố đảm bảo tính toàn vẹn của không gian chung của EU. Trong dự thảo chiến lược giai đoạn 2019-2024, được cho là hướng dẫn công việc của các thể chế châu Âu, các nhà lãnh đạo châu Âu đã khẳng định ưu tiên cho chính sách nhập cư. Trong mục "Bảo vệ công dân và tự do", văn bản dự thảo nhấn mạnh, mục tiêu của việc kiểm soát biên giới hiệu quả là để duy trì trật tự và luật pháp, đồng thời khẳng định thêm rằng các chính sách khác của châu Âu phụ thuộc vào hành động này. Theo dự thảo, trước hết, EU phải đảm bảo tính toàn vẹn cho không gian sinh tồn của mình. EU phải biết và đóng vai trò quyết định xem những ai được phép đặt chân lên lãnh thổ EU.

Nếu nhập cư thực sự là một vấn đề quan tâm đối với châu Âu, thì các chủ đề như tham nhũng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và việc làm cũng đứng hàng ưu tiên cao trong chính sách của EU. Về việc mở rộng khối, các chính sách của EU phải gắn liền với mong muốn giữ cho cánh cửa mở đối với những nước muốn và có thể gia nhập "gia đình" châu Âu. Cùng với đó, việc các lực lượng chính trị dân túy, cực hữu chống EU trỗi dậy và nước Anh đang trong tiến trình rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit tiếp tục là những thách thức đối với các nhà lãnh đạo EU trong nhiệm kỳ mới.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từng bày tỏ quan điểm rằng ông không quan tâm nhiều đến các vị trí lãnh đạo chủ chốt của EU mà điều ông chú trọng là việc họ sẽ làm những gì trong 5 năm tới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EU cởi bỏ nút thắt về lãnh đạo chủ chốt