​Davos 2019: Nền tảng cho thời đại mới?

25/01/2019 10:08

Tuy thiếu vắng nhiều lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, song theo nhiều chuyên gia, diễn đàn Davos năm nay quan trọng hơn bất kỳ diễn đàn kinh tế thế giới nào trong vòng 3 thập kỷ qua.

Chính phủ Mỹ đóng cửa, câu chuyện chưa được giải quyết khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ sự xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên WEF 2019. Chính phủ Pháp hiện vẫn phải đối phó với làn sóng biểu tình của phe Áo vàng (Gilets Jaunes) là lý do khiến Tổng thống Emmanuel Macron cũng không thể tham dự Davos năm nay. Tại châu Á, trái với nhiều phát biểu từ Bắc Kinh hồi năm 2017 và 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nằm trong danh sách những chính khách vắng mặt.


Liệu Davos 2019 sẽ định hình cấu trúc toàn cầu tương lai? Ảnh: World Finance

Tuy thiếu vắng nhiều lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, song theo nhiều chuyên gia, diễn đàn Davos năm nay quan trọng hơn bất kỳ diễn đàn kinh tế thế giới nào trong vòng 3 thập kỷ qua. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự “hỗn loạn” đang ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn thế giới, đó là những chủ đề xuyên suốt các cuộc họp diễn ra từ 22-25.1 tại Thụy Sĩ. 

Với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Davos 2019 thu hút khoảng 3.000 đại biểu, trong đó khoảng 50 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế tham dự.

Theo bản báo cáo rủi ro được WEF công bố, nềnthịnh vượng chung toàn cầu đang chịu nhiều ảnh hưởng từ sự suy yếu trong cấu trúc hợp tác quốc tế.

Dư luận thế giới thời gian qua đã ít nhiều bị tác động bởi những thông điệp của chủ nghĩa dân túy cũng như sự gia tăng của các phong trào cực đoan, đặc biệt tại nhiều quốc gia phương Tây. Để thiết lập nền tảng vững chắc cho một xã hội mới, cộng đồng quốc tế trước tiên cần giải quyết hài hòa những bất mãn từ nhiều tầng lớp người dân, vốn đã tích tụ nhiều thập kỷ qua. Theo nhiều nhà quan sát, nếu tác động từ những hội nghị chính trị không đủ lớn để mang lại một kết quả khả quan, sẽ khó có thể hy vọng thu hẹp khoảng cách xã hội.
Dựa trên uy tín từ WEF Davos, các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá tác động, triển vọng và thảo luận việc hợp tác, đối thoại để xử lý các vấn đề địa chính trị. Đồng thời thúc đẩy cải cách các khuôn khổ thể chế toàn cầu hiện nay để thích ứng với bối cảnh mới về chính trị, kinh tế và xã hội cũng như định hình các quy định, khuôn khổ thể chế mới nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu trên nhiều lĩnh vực.

Theo nhiều quan điểm, thế giới hiện không nằm trong “khoảng thời gian tươi đẹp nhất”. Tại phương Tây, kết quả nhiều cuộc bầu cử cho thấy xu hướng bảo vệ chủ nghĩa tự do, ngăn chặn việc nắm quyền từ các lực lượng chính trị cực đoan. Trong khi đó, chế độ chuyên quyền vẫn còn xuất hiện tại nhiều quốc gia phương Đông.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa hồi kết là một trong những yếu tố tạo ra làn sóng hoang mang trong dư luận thế giới. Trong bối cảnh đó, vấn đề Brexit vẫn đang được coi là “bài kiểm tra” dành cho “sự can đảm” từ phía chính quyền bà Theresa May lẫn “tôn chỉ” của Liên minh châu Âu. 

Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế chung toàn cầu sau cuộc suy thoái đang có nhiều dấu hiệu chậm lại. Hơn nữa, các cuộc chiến thương mại phần nào cho thấy sự “mong manh” trong cấu trúc kinh tế thế giới hiện nay. Nhiều thông điệp về rủi ro đe dọa thịnh vượng chung được nhiều tổ chức tài chính toàn cầu đưa ra, cùng với đó là viễn cảnh một cuộc suy thoái toàn cầu mới gần kề.

Thống kê từ chỉ số cạnh tranh toàn cầu gần đây nhất cho thấy Mỹ đã giành lại vị trí dẫn đầu. Những chính sách của Nhà Trắng dưới thời Donald Trump, theo đó, mang lại giá trị kinh tế lớn. Về phần mình, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm tốc. Trong khi đó, khu vực kinh tế Đại Tây Dương, nơi từng đứng trước cơ hội khởi sắc từ tham vọng của Emmanuel Macron, đang dần rơi vào suy yếu. Câu hỏi đặt ra là cộng đồng quốc tế sẽ đối phó với những thay đổi cấu trúc kinh tế hiện nay như thế nào.

Theo nhiều ý kiến, phong trào Áo vàng tại Pháp là hình ảnh đại diện cho một cộng đồng châu Âu rộng lớn hơn. Đồng thời khiến câu chuyện thiết lập một trật tự xã hội mới trở nên hợp lý. Theo đó, cấu trúc thế giới thời đại mới không chỉ bao gồm chính phủ và người dân, mà còn gồm những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị toàn cầu. Đó có thể là những tập đoàn xuyên quốc gia, những tổ chức quốc tế, hay những tổ chức phi chính phủ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy trỗi dậy, kèm theo đó là sự phân hóa xã hội ngày một sâu sắc, cộng đồng quốc tế cần hướng nỗ lực vào những vấn đề cần thiết nhằm định hình cấu trúc toàn cầu thời kỳ mới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chắc chắn sẽ biến đổi thế giới theo một chiều hướng nào đó trong thời gian ngắn sắp tới. Song để cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại hiệu ứng tích cực, các quốc gia cần chung tay giải quyết sự bất bình đẳng xã hội. Đồng thời khắc phục những vấn đề mang tính cấu trúc nhằm hướng tới kết quả tích cực.

Để đưa xã hội tiến gần hơn đến những khái niệm, quan điểm về toàn cầu hóa 4.0 cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR), cộng đồng quốc tế buộc phải phối hợp hành động trên nhiều phương diện. Đây được coi là giải pháp duy nhất nhằm lấy lại sự gắn kết xã hội, đạt được lợi ích chung trong bối cảnh sự bền vững toàn cầu đang bị đe dọa.

Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa là nguyên nhân gây ra nhiều xáo trộn trong xã hội, đe dọa trực tiếp đến sự tương quan trong cơ cấu nguồn lao động tương lai. Điều này phần nào giải thích cho kết quả một số cuộc bầu cử trên thế giới thời gian qua. Củng cố khả năng thích nghi với điều kiện xã hội mới là điều nhiều nhà lãnh đạo đang thực hiện. Chính phủ nhiều nước cung cấp cho người dân nhiều giải pháp toàn diện nhằm bảo đảm cuộc sống. Đồng thời giúp người dân có cơ hội cải thiện điều kiện sống, cải cách vấn đề việc làm. Đây được xem là hướng đi đúng đắn nhằm củng cố tính bền vững xã hội vốn đang lung lay và chia rẽ tại một số quốc gia phương Tây.

Nền quản trị toàn cầu hiện đang rơi vào khủng hoảng, chủ yếu do thế giới không đủ khả năng thích nghi và đáp ứng với thực tiễn đang diễn ra. Tuy nhiên, thay vì buông xuôi, cộng đồng thế giới cần phối hợp hành động, tận dụng giá trị công nghệ mang lại dựa trên những lợi ích chiến lược chung.

Trong bối cảnh thế giới ghi nhận nỗ lực chung của các nhà lãnh đạo nhằm “hàn gắn rạn nứt” trong quan hệ quốc tế năm 2018, vẫn còn đó nhiều thách thức đặt ra trước mắt. Công nghệ khiến thế giới kết nối gần nhau hơn bao giờ hết, song cũng chính công nghệ đã làm gia tăng quy mô nhiều vấn đề toàn cầu. Davos 2019 có thể không đủ khả năng đưa ra một lộ trình toàn diện nhằm xây dựng một xã hội mới trong thời đại mới, điều vốn cần thời gian và nỗ lực lâu dài. Tuy nhiên, với ý chí và động lực từ diễn đàn năm nay, “nền móng” nhằm thay đổi thế giới rất có thể sẽ được tạo dựng. Thế giới sẽ thay đổi, song theo chiều hướng nào là điều phụ thuộc vào tầm nhìn và quyết tâm từ tất cả các bên tham gia.

HÀ KIÊN(dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ​Davos 2019: Nền tảng cho thời đại mới?