Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là tất yếu?

26/07/2018 14:38

Áp đặt biểu thuế đơn phương và các biện pháp trả đũa đang khiến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung rơi vào vòng luẩn quẩn, dường như không có tia sáng nào cho một kết cục khả quan.

Kết cục nào cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? Ảnh: CNN

Cuộc chiến

Trước thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, giới chuyên gia đã nhận định về một loạt xung đột và căng thẳng tiềm tàng có thể xảy ra giữa hai cường quốc này. Đó là các bất đồng về vấn đề liên quan đến mối quan hệ song phương, vai trò khu vực và thế giới.

Khởi nguồn từ cuộc điều tra của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) trước cáo buộc liên quan đến việc Bắc Kinh đánh cắp các tài sản sở hữu trí tuệ Mỹ. Kéo theo đó là một loạt các biện pháp áp thuế quan nhằm trực tiếp chống lại Trung Quốc, đẩy căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung leo thang chóng mặt. Kết quả tất yếu của hàng loạt những căng thẳng và tranh cãi trước đó. Dẫu vậy, Trung Quốc không phải “kẻ ngáng đường” đầu tiên đối với những lợi ích kinh tế và thương mại Mỹ.

Năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, một bài báo được đăng trên Tạp chí Time với nội dung nói về một cuộc “xâm lăng kinh tế” của Nhật Bản. Năm 1985, 14 năm sau bài báo đó, một bài báo khác được đăng trên tạp chí New York Times với tiêu đề “sự nguy hiểm từ Nhật Bản” đã tuyên bố rằng 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật một lần nữa quay trở lại trong một cuộc tấn công rực rỡ nhất lịch sử trên mặt trận kinh tế khi từng bước “xóa sổ” ngành công nghiệp Mỹ. Và đó là những dấu hiệu đầu tiên về cuộc chiến thương mại Mỹ-Nhật thời điểm đó.

Khi nền kinh tế Nhật Bản từng bước hưng thịnh, trở thành thách thức lớn đe dọa trực tiếp đến kinh tế Mỹ. Khi sự thống trị về công nghiệp và tài chính của cường quốc này bị lung lay cũng là lúc Nhà Trắng thực hiện các biện pháp đáp trả thương mại. Một loạt các cuộc điều tra dồn dập, quy mô lớn đã được triển khai. Theo giới phân tích, “điều tra thương mại” là một trong những vũ khí hiệu quả nhất mà Washington sở hữu, khiến Tokyo buộc phải tham gia vào các hiệp thương mại mà phần có lợi thường nghiêng về Mỹ.
Những gì đã xảy ra trong những năm 70 và 80 thế kỷ trước phần nào lý giải cho cục diện cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày nay. Washington đã từng phát động “tấn công kinh tế” chống lại Nhật Bản. Nhật Bản là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực Đông Á, trong khi Trung Quốc lại là một thế lực đáng gờm, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, chính trị và tầm ảnh hưởng cả khu vực lẫn thế giới. Chính quyền Donald Trump theo đó khó có thể tỏ ra “nhân từ” với Bắc Kinh.

Người Mỹ từng lo lắng, thậm chí sợ hãi khi bị Nhật Bản từng bước gạt bỏ khỏi ngành công nghiệp. Bài học đó khiến Washington ngày nay luôn nâng cao cảnh giác, đặc biệt trước sức bật mạnh mẽ của công nghiệp Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia, những động thái gần đây cho thấy điều Mỹ nhắm đến là các chương trình phát triển công nghiệp của Bắc Kinh, đặc biệt là “đại kế hoạch Made in China 2025”.

Nước cờ chiến lược

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện tại liên quan đến hai vấn đề lớn. Đầu tiên, đó là thiếu sự nhượng bộ lẫn nhau về thuế quan, cách tiếp cận thị trường và đầu tư. Bắc Kinh đã đưa ra một số động thái nhất định nhằm hạ nhiệt tình hình, bao gồm việc bổ sung danh mục trong lĩnh vực dịch vụ, đơn giản hóa quy trình đầu tư, tập trung hơn vào các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nằm ở vấn đề thứ hai.

Đó là một loạt các xung đột tiềm tàng liên quan đến chuyển giao công nghệ và chính sách công nghiệp công nghệ cao, bao gồm “đại kế hoạch Made in China 2025”. Nhà Trắng yêu cầu Bắc Kinh phải từ bỏ chiến lược này vì cho rằng giúp bảo hộ trong nước và gây bất lợi cho các công ty nước ngoài. Đối với chính quyền Tập Cận Bình, đây là “chìa khóa” giúp cho Trung Quốc từng bước trở thành một cường quốc công nghệ cao. Theo giới chuyên gia, Mỹ - Trung khó có thể thỏa hiệp một cách ổn thỏa về vấn đề thứ hai này.
Đặt xung đột Mỹ-Trung vào một bức tranh lớn hơn trong mối quan hệ song phương giữa hai cường quốc, có thể thấy rằng vấn đề thương mại chỉ đơn thuần là một “nước cờ chiến lược”. Kể từ khi Trung Quốc trỗi dậy, những tranh luận về “mối đe dọa” mang tên Trung Quốc đã nổi lên và luôn là đề tài nóng trong nội bộ chính giới Mỹ. Washington luôn bế tắc trong việc tìm ra câu trả lời liệu rằng nên hợp tác với Bắc Kinh hay tìm mọi cách nhằm ngăn chặn họ.

Nhà Trắng dưới thời Bill Clinton đã chọn cách bắt tay với Trung Quốc. Và hàng thập kỷ sau đó, Trung Quốc không những chưa đạt được những “chuẩn mực tự do” về kinh tế và chính trị như Washington mong muốn mà còn vươn lên trở thành một siêu cường, sở hữu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mối đe dọa từ Bắc Kinh vì thế ngày càng trở nên hiện hữu. Nhiều chuyên gia phân tích tin rằng đây là một trong những căn nguyên khiến Donald Trump và bộ máy của ông “đi nước cờ” chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Song, cũng chính nước cờ này có thể sẽ đẩy Trung Quốc lại gần hơn với EU - liên minh hiện đang có mối quan hệ “chẳng mấy mặn mà” với Nhà Trắng.

Đường lùi cho xung đột Mỹ-Trung có lẽ sẽ rất xa vời. Một kết quả tốt nhất có thể nghĩ đến là khi Nhà Trắng và Bắc Kinh đạt được một số thỏa thuận nào đó và cuộc chiến tranh thương mại này kết thúc. Ngược lại, một loạt những động thái “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nhanh chóng nhấn chìm nền kinh tế chung toàn cầu. Quan điểm đối đầu thương mại hơn đối thoại vẫn được duy trì, ít nhất cho đến khi hai siêu cường này hứng chịu đủ hậu quả về chính trị và kinh tế. Lúc đó, cuộc chơi sẽ được vẽ lại.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là tất yếu?