Chuyến thăm lịch sử trong quan hệ Mỹ - Nhật

27/05/2019 13:31

Từ ngày 25 - 28.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Nhật Bản với vai trò là quốc khách đầu tiên của Nhật Hoàng Naruhito, vừa mới đăng quang ngày 1.5.


Giới quan sát nhận định đây sẽ là chuyến thăm lịch sử trong quan hệ Mỹ - Nhật

Nhật-Mỹ sẽ thảo luận nhiều vấn đề hợp tác

Trong chuyến thăm, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hội kiến với Nhật Hoàng Naruhito trước khi tiến hành hội đàm chính thức với Thủ tướng Shinzo Abe.

Thông báo tại cuộc họp giữa Chính phủ Nhật Bản và đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền ngày 14.5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai bên sẽ trao đổi kỹ lưỡng về nhiều vấn đề như: quan hệ kinh tế song phương; hợp tác hướng tới thành công của Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Osaka vào cuối tháng 6 và các vấn đề đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, nhất là vấn đề Triều Tiên.

Ông Abe cũng cho biết, trong chuyến thăm sắp tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ gặp gia đình những công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc hồi những năm 1970, 1980. Ông Abe nhấn mạnh Nhật Bản và Mỹ sẽ phối hợp xử lý vấn đề này. Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 11.2017, ông Trump cũng đã gặp gia đình các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.

Ngoài cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng xem các trận đấu Sumo tại nhà thi đấu Ryogoku Kokugikan ở Tokyo; chơi golf tại sân golf ở thành phố Mobara, tỉnh Chiba giáp Tokyo và thị sát căn cứ quân sự Yokosuka, thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa.

Những tồn tại trong quan hệ đồng minh

Trên thực tế, với Mỹ, Nhật Bản luôn là một trong những đồng minh chủ chốt ở châu Á. Nhật Bản có vị trí địa-chính trị quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ lâu là nơi đồn trú của hàng chục nghìn lính Mỹ, có thể nói thuộc phạm vi an ninh quốc phòng của Mỹ. Với những mục tiêu an ninh chung, hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản đóng vai trò sống còn đối với Mỹ. Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã xây dựng quan hệ gần gũi với Thủ tướng Abe và Nhật Bản cũng là chặng dừng chân đầu tiên của ông Trump khi thăm châu Á hồi tháng 11.2017.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản cũng được coi là nhà lãnh đạo nước ngoài tích cực nhất trong việc thúc đẩy quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ, coi đây là mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại và duy trì an ninh khu vực. Ông Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống đắc cử Trump sau cuộc bầu cử năm 2016 và là nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên thăm chính thức Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức. Tiếp đó tháng 4.2018, Thủ tướng Nhật Bản đã thực hiện chuyến thăm tới Mỹ nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh và tháng 6 cùng năm, Thủ tướng Nhật Bản đã tiếp tục thực hiện chuyến thăm chính thức tới Mỹ lần thứ ba.

Trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Abe là người có lập trường cứng rắn và được cho là đã “kề vai sát cánh” với Tổng thống Trump trong suốt năm 2017 khi ủng hộ chiến lược của Washington gây “sức ép tối đa” và tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên sau liên tiếp các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trong năm này. Củng cố liên minh Mỹ-Nhật nhằm đối phó với những động thái của Triều Tiên cũng như "dẫn dắt" phản ứng của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này, trở thành ưu tiên trong các cuộc gặp cấp cao Nhật Bản - Mỹ.

Tuy nhiên, những chính sách ngoại giao cũng như kinh tế thay đổi nhanh chóng của Tổng thống Mỹ Trump khiến Nhật Bản thấy bất an và đang phải rất vất vả để ứng phó. Nguy cơ tiềm tàng trong quan hệ kinh tế, thương mại và cả an ninh giữa hai đồng minh cũng gặp thách thức  sau những tuyên bố hay hành động cứng rắn của ông Trump. Việc Nhật Bản là đồng minh lớn duy nhất bất ngờ bị Mỹ bỏ ngoài danh sách các quốc gia được tạm miễn trừ hàng rào thuế quan mới đối với thép và nhôm sau quyết định áp mức thuế mới với hai nguyên liệu này của Tổng thống Mỹ Trump, là đòn giáng mạnh vào quan hệ thương mại song phương. Trong khi vẫn duy trì các mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản, chính quyền Mỹ cũng cảnh báo về việc có thể áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản nhằm ép buộc Nhật Bản có những nhượng bộ trong đàm phán thương mại.

Theo số liệu thống kê, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Nhật Bản trong năm 2018 đã lên tới 56,8 tỷ USD. Trong khi ông Trump coi FTA là công cụ giảm thâm hụt thương mại của với Nhật Bản thì ông Abe kêu gọi hai nước đảm bảo bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng là mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Dù thượng đỉnh Mỹ - Nhật cận kề, song quan hệ giữa hai cường quốc tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Ngày 18.5 vừa qua, nguồn tin giấu tên của Chính phủ Nhật Bản tiết lộ Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe có thể sẽ không đưa ra một tuyên bố chung, nhằm tránh để lộ khác biệt quan điểm trong vấn đề thương mại song phương và hạt nhân Triều Tiên. Theo đó, các nhà phân tích nhận định việc tìm kiếm thỏa thuận trong đàm phán thỏa thuận thương mại song phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nhận định trên không phải là không có cơ sở khi tại các cuộc đàm phán ở Washington (Mỹ) ngày 22.5, các quan chức Mỹ và Nhật Bản đã không thu hẹp bất đồng về các mức cắt giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp, trong đó có ô tô, và nông sản. Trong khi đó, đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Nhật Bản và Mỹ vẫn có một độ “vênh” nhất định. Nhật Bản khẳng định vụ thử tên lửa tầm ngắn mới đây của Triều Tiên vi phạm các Nghị quyết của Liên hợp quốc, trong khi Mỹ lại cho rằng nó không “phá vỡ lòng tin” giữa lãnh đạo Mỹ - Triều. Những khác biệt này khiến cả Mỹ và Nhật Bản tin rằng không nên đưa ra một tuyên bố chung ở thời điểm hiện tại.

Vẫn là cơ hội lý tưởng

Dẫu còn tồn tại những bất đồng song, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang, đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên vẫn bế tắc và quan hệ với các đồng minh khác của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU) hay Hàn Quốc vẫn gập ghềnh, Nhật Bản tiếp tục là chốt chặn vững chắc của Mỹ. Và không có gì lạ khi Mỹ tiếp tục thắt chặt quan hệ đồng minh Nhật Bản nhằm củng cố lợi ích quốc gia và ảnh hưởng quốc tế tại khu vực Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung.

Trong tuyên bố phát đi, Nhà Trắng khẳng định chuyến thăm này sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa người dân Mỹ và Nhật Bản, và sẽ làm nổi bật tầm quan trọng của quan hệ đồng minh và đối tác giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Trump sẽ là cơ hội lý tưởng để hai nước thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Xét về toàn cảnh, quan hệ song phương nói chung, quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe nói riêng vẫn được duy trì và sẽ tiếp tục được củng cố qua chuyến công du của nhà lãnh đạo Mỹ tới Nhật Bản ngày 25 đến 28-5 tới.

Đặc biệt những nghi thức đặc biệt và trọng thị mà Nhật Bản sẽ dành cho người đứng đầu nước Mỹ với vai trò là quốc khách đầu tiên của Nhật Hoàng Naruhito cho thấy Tokyo đặc biệt coi trọng quan hệ với Washington, bất chấp những rào cản còn tồn tại.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyến thăm lịch sử trong quan hệ Mỹ - Nhật