Chính sách ngoại giao và “nước Mỹ trên hết” của Donald Trump

06/10/2018 10:50

Với sự pha trộn giữa cách tiếp cận cứng rắn và chiến thuật “ngoại giao mềm mỏng”, Tổng thống Donald Trump đã đạt được những thành công lớn.


Mỹ và chính sách ngoại giao phong cách Donald Trump. Ảnh: DW

Sau gần 2 năm ngồi trên ghế ông chủ Nhà Trắng, chính sách đối ngoại mang phong cách Donald Trump đã giúp Mỹ đạt một số lợi ích nhất định. Theo một số nhà quan sát, mặc dù còn nhiều thách thức Washington phải đối mặt, song cách tiếp cận các vấn đề quốc tế và nội bộ Mỹ đã thực sự phản ánh con đường đưa “nước Mỹ lên trên hết”. Các quốc gia đồng minh và bất đồng lợi ích buộc phải nhìn nhận tầm ảnh hưởng Mỹ một cách nghiêm túc hơn.

Thế giới quan kiểu Donald Trump

Trên trường quốc tế, những chiến dịch và cách thức hành động của Mỹ trở nên đáng chú ý hơn. Dưới thời Donald Trump, ngân sách dành cho các hoạt động quân sự được cải thiện đáng kể, đồng thời Mỹ tỏ ra sẵn sàng can thiệp quân sự vào bất kỳ điểm nóng nào nếu cần thiết. Minh chứng rõ nhất là tại “mặt trận Trung Đông”, nơi những lằn ranh đỏ Donald Trump vạch ra tại Syria có sức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với thời Barack Obama.

Nước Mỹ hiện tại có thể triển khai những hành động được cho là quyết liệt hơn so với chính quyền tiền nhiệm, đặc biệt khi Washington cho rằng lợi ích Mỹ bị đe dọa. Những vụ không kích nhằm vào Syria, mặc dù với số lượng hạn chế, nhưng đã giáng đòn tâm lý mạnh khiến Damascus nhiều phen chùn bước; hay việc cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine, vốn bị né tránh dưới thời Obama do lo ngại leo thang căng thẳng khu vực này cho thấy cách thức tiếp cận “không ngại va chạm” mà Donald Trump đang thực hiện. Nhà Trắng sẵn sàng sử dụng chiến thuật “sức mạnh quân sự” để đạt mục đích, cho dù đó không phải phương án cuối cùng.

Nước Mỹ, thông qua cách tiếp cận đa chiều phong cách Trump, đã giúp cường quốc này tạo ra nhiều con bài chiến lược đối phó với “các bên khó chơi” như Iran, Triều Tiên. Theo đó, Washington sẽ không từ bỏ các mục tiêu cốt lõi nếu không đạt được những lợi ích thay thế xứng đáng, thông qua áp lực về kinh tế và quân sự.

Tuy nhiên, Donald Trump vẫn còn đó nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo giới chuyên gia, Washington cần thiết lập nhiều hơn nữa sức ép ngoại giao tương xứng với cách tiếp cận đa chiều Donald Trump tạo ra. Ngoài ra, sự “bất nhất” trong hành động và lời nói nội bộ giới chức Mỹ vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhà Trắng đã triển khai Chiến lược An ninh Quốc gia hồi cuối năm 2017, song cho đến hiện tại, chính quyền Donald Trump dường như vẫn thiếu một khung chiến lược chặt chẽ nhằm xác định các mục tiêu ưu tiên quốc gia. 

Hình ảnh nước Mỹ thời kỳ Donald Trump toát lên sự tương phản rõ rệt. Trong khi nhiều quốc gia nhìn nhận Mỹ là một siêu cường “đầy sức mạnh”, một số quốc gia lại nhìn nhận Mỹ là một cường quốc “thất thường”. Một số ý kiến cho rằng chính quyền Washington không thể đánh giá các tình huống cũng như vấn đề quốc tế một cách khách quan, thiên về “cá nhân hóa” các mối quan hệ quốc tế, ngay cả trong mối quan hệ với các siêu cường. Donald Trump đưa nước Mỹ hướng đến hình ảnh một cường quốc thiếu nhất quán, thường đưa ra một số ưu đãi nhất định nhằm đạt được lợi ích. Điều này khiến Mỹ trở nên thực dụng hơn, nhưng đồng thời cũng là trở ngại trên con đường chinh phục các lợi ích chiến lược mà Donald Trump hướng đến.

Thời điểm là ứng cử viên Tổng thống, Donald Trump mang đến cử tri Mỹ một lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư bất hợp pháp, quan điểm đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn đối với các thương vụ đa quốc gia, giảm bớt tính nghiêm trọng trong đấu tranh chống biến đổi khí hậu, tránh sử dụng chiến thuật thay đổi chế độ và can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia khác. 

Donald Trump đã khiến thế giới phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về quan điểm ngoại giao Mỹ mới. Kết quả là, các cường quốc hay liên minh lớn trên thế giới, như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Iran, Triều Tiên đã “linh hoạt” hơn trong cách tiếp cận Mỹ, dù muốn hay không.

Với Nga, các biện pháp trừng phạt mà Washington dưới thời Obama triển khai là nguyên nhân chính khiến người dân Nga phẫn nộ. Trong bối cảnh đó, các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn dưới thời Donald Trump, chủ yếu tập trung vào các tập đoàn và giới thương gia thân Putin, tập trung làm rối loạn chính quyền Moskva. Ít nhất, những biện pháp trừng phạt mới mà Donald Trump triển khai nhằm vào Nga đã phần nào giúp Nga-Mỹ tránh một sự leo thang mới tại khu vực Syria và Ukraine.

Donald Trump và “nước Mỹ trên hết”


 Donald Trump và chiến lược “nước Mỹ trên hết”. Ảnh: Global Post

Đối với vấn đề an ninh quốc gia Mỹ, Donald Trump dường như nhìn nhận lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan, nguyên nhân chính dẫn đến sự kiện 11/9, vụ đánh bom tại giải điền kinh Boston và rất nhiều vụ tấn công khủng bố khác khắp nước Mỹ, là mối đe dọa hàng đầu. Ngoài ra, với Donald Trump, sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Âu khác cũng là một vấn đề lớn ảnh hưởng tới lợi ích Mỹ.

Một vấn đề lớn khác mà nước Mỹ dưới thời Donald Trump đang vấp phải, đó là về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhiều nhà quan sát cho rằng câu hỏi Trump đang muốn tìm lời đáp là liệu tổ chức này có phải một công cụ cần thiết để bảo đảm an ninh Mỹ hay không. Mức đóng góp chi phí quốc phòng bất công bằng giữa Mỹ và các thành viên NATO khiến Donald Trump không còn tin tưởng vào “sức mạnh NATO” trong vấn đề an ninh Mỹ. Thực tế là Nhà Trắng cam kết bào vệ các đồng minh NATO, trong khi các đồng minh Mỹ tại châu Âu hoàn toàn không cam kết hỗ trợ ngược lại siêu cường này.

Để bảo đảm hiệu quả trong các vấn đề quốc tế, Donald Trump hiện nắm trong tay những quân bài được cho là phù hợp nhất với chính sách của mình. Bất chấp dư luận đồng tình hay hoài nghi, việc bổ nhiệm Ngoại trưởng Mike Pompeo hay Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã phần nào giúp Washington “tươi mới” hơn trong các vấn đề quốc tế, đồng thời củng cố “sức mạnh nội bộ” cho chính quyền Donald Trump. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được cho là “quân bài chiến lược” trong tay Trump thời điểm hiện tại. Nhiều ý kiến cho rằng James Mattis là một sự kết hợp hoàn hảo giữa kinh nghiệm quân sự lâu năm và sự linh hoạt trong cách thức “đối đầu” các vấn đề khu vực và quốc tế. Song, làm thế nào để Donald Trump có thể sử dụng hiệu quả giới tinh hoa chính trị dưới trướng vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp thỏa đáng.

Triều Tiên tỏ ra nhượng bộ hơn trong đàm phán, phá hủy cơ sở hạt nhân, phóng thích tù nhân người Mỹ và cùng hướng đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 là một minh chứng cho thấy hiệu quả từ cách tiếp cận của Doanld Trump. Ngoài ra, mặc dù Nhà Trắng rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), song cho đến hiện tại, Iran vẫn tiếp tục thực thi các điều khoản thỏa thuận này. Theo nhiều nhà quan sát, người châu Âu và Nga không thể “đi quá xa” như cách Donald Trump có thể thực hiện trong việc buộc Iran phải nhượng bộ. Từ việc gia tăng giới hạn làm giàu uranium, kiểm soát tên lửa cho tới việc khiến cho Tehran phải thay đổi thái độ trong cách tiếp cận khu vực. Rõ ràng, nếu Donald Trump khiến Tehran nhượng bộ, đây sẽ là điểm khác biệt lớn với chính quyền Mỹ dưới thời Obama. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện tại là khía cạnh mới mẻ khác Trump tạo ra. Bắc Kinh dường như không sẵn sàng thay đổi chính sách thương mại và mở cửa thị trường nội địa tới mức người Mỹ mong muốn, song áp lực mà Trung Quốc đang gặp phải từ cuộc chiến thương mại với Mỹ phần nào khiến cường quốc châu Á này buộc phải “đi cùng đường” với Mỹ trong một số vấn đề. Và đó là điều Donald Trump mong muốn. Tại “chiến trường Trung Đông”, diễn biến thời gian qua cho thấy một giải pháp chính trị mang tính hợp tác đang được các siêu cường tính đến. Kịch bản về phương án phân phối quyền lực tại Syria, tránh can thiệp bằng sức mạnh quân sự dường như đang trở thành hiện thực. 

Với phong cách ngoại giao Donald Trump, mập mờ và thiếu nhất quán, vô hình chung giúp nước Mỹ trở thành siêu cường khó đối phó nhất trên thế giới. Là nhà lãnh đạo của “cường quốc đa chiều” duy nhất, Trump đã khiến phần còn lại của thế giới hiểu rằng bỏ qua lợi ích Mỹ đồng nghĩa với những rủi ro và hậu quả nặng nề. Trên thực tế, tất cả các quốc gia đều quan tâm đến mối quan hệ “mang tính xây dựng” với Mỹ. Không bên nào mong muốn lâm vào thế đối đầu với Washington. Kết quả là, sự pha trộn quyền lực từ “sức mạnh tuyệt đối” với phong cách ngoại giao bản sắc Donald Trump, nước Mỹ vẫn đang trên đà đạt được những thành tựu đáng kể. Và như Donald Trump phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng 9 vừa qua: “Chưa đầy 2 năm, chính quyền của tôi đã gặt hái được nhiều hơn gần như bất cứ chính quyền nào trong lịch sử đất nước”.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách ngoại giao và “nước Mỹ trên hết” của Donald Trump