Mỹ dời Đại sứ quán về Jerusalem: Lối tư duy nhiệm kỳ?

15/05/2018 10:51

Ngày 14.5, Mỹ chính thức khai trương Đại sứ quán tại Jerusalem. Sự kiện này được coi là “mốc son lịch sử” với Israel nhưng lại phủ bóng đen lên tiến trình hòa bình Trung Đông.

Mỹ dời đại sứ quán về Jerusalem: Lối tư duy nhiệm kỳ? - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong lễ khai trương đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem ngày 14.5 - Ảnh: REUTERS

Ngày 14.5 năm nay, người dân Israel có 2 lý do để tổ chức những buổi lễ hoành tráng nhất. Trước hết, đây là dịp kỷ niệm tròn 70 năm khai sinh nhà nước Israel hiện đại. Nhưng lý do thứ hai đặc biệt hơn là việc Đại sứ quán Mỹ chính thức dời từ Tel Aviv về Jerusalem, một động thái mà ý nghĩa biểu tượng của nó lớn hơn rất nhiều so với việc di dời địa điểm của một cơ quan ngoại giao nước ngoài thông thường.

Vắng mặt để phản đối

Quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel mà ông Trump đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái đã vấp phải phản đối của phần lớn dư luận thế giới. Hầu hết các nước đều cho rằng vấn đề về Jerusalem cần được quyết định trong một thỏa thuận hòa bình cuối cùng, một giải pháp hai nhà nước thông qua đàm phán ngoại giao sẽ đem lại hòa bình không chỉ cho Palestine và Israel mà cho cả khu vực Trung Đông.

Thế nhưng phát biểu trước các quan chức cấp cao trong buổi lễ tiếp đón phái đoàn Mỹ tới dự lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ mới ngày 13.5 gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan, con gái ông Trump - cô Ivanka và con rể ông Trump kiêm cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp tục kêu gọi các nước khác hãy "noi gương" Washington. "Hãy chuyển đại sứ quán của quý vị về Jerusalem vì đó là điều đúng đắn cần làm" - ông Netanyahu nói.

Theo thông tin từ Israel, tất cả 86 quốc gia có phái đoàn ngoại giao tại nước này đều được mời tham dự. Nhưng chỉ có 33 phái đoàn nhận lời, trong đó có Guatemala và Paraguay, hai nước cũng sẽ mở đại sứ quán của họ tại Jerusalem tháng này.

Người ta cũng thấy trong số đoàn nhận lời có đại diện của Hungary, Romania và Cộng hòa Czech, tuy nhiên tuyệt nhiên không có quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu.

Lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem bắt đầu đúng vào thời khắc 70 năm trước Tổng thống Harry S. Truman công nhận nhà nước Do Thái Israel. Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman, khi đề cập tới vị trí của đại sứ quán, đã nhấn mạnh "Jerusalem, Israel" và nhận được tràng pháo tay nhiệt liệt từ hơn 800 quan khách bên dưới.

"Israel là một quốc gia có chủ quyền như bao quốc gia khác, họ có quyền tự chọn thủ đô cho chính mình" - Tổng thống Trump nhấn mạnh trong đoạn video được chiếu tại lễ khai trương.

"Sự thật lịch sử" là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong buổi lễ. Các quan chức Mỹ, từ đại sứ Friedman đến Thứ trưởng Sullivan và con rể ông Trump - cố vấn Nhà Trắng Kushner đều khẳng định Washington cam kết với tiến trình hòa bình bền vững ở Trung Đông.

Ông Kushner, đặc phái viên về Trung Đông của Mỹ, nhấn mạnh việc dời đại sứ quán tới Jerusalem là bước đi cho thấy Mỹ là một quốc gia "đáng tin tưởng".

"Hãy nhớ thời khắc này, thời khắc của lịch sử. Cảm ơn Tổng thống Trump đã có đủ dũng khí để thực hiện lời hứa của mình" - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh trong buổi lễ. (BẢO DUY)

Để lại hậu quả lâu dài

Các nhà quan sát nhận định quyết định dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem của ông Trump một lần nữa khiến dư luận nhìn thấu suốt hơn cái có lẽ đã trở thành nguyên tắc định hướng trong chính sách đối ngoại của ông. Đó là lối tư duy bị cho là mang tính nhiệm kỳ, đưa ra những quyết định gây tranh cãi với lý do đặt nước Mỹ lên trên hết về ngắn hạn nhưng lại tiềm ẩn những hệ lụy về lâu dài với chính các lợi ích của nước Mỹ.

Cụm từ "mua trước, trả sau" có thể áp dụng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng với chính sách ngoại giao này. Trong trường hợp di dời đại sứ quán về Jerusalem, ông Trump luôn tự hào khẳng định ông đã có thể xây dựng một đại sứ quán mới với giá rất rẻ nhờ sự nhạy bén của một doanh nhân. Chẳng hạn, trong một sự kiện vận động tại TP Elkhart bang Indiana ngày 10.5, ông nhắc lại chuyện đã cắt giảm chi phí di dời này từ 1 tỉ USD xuống còn khoảng 400.000 USD.

Tuy nhiên, cái mà ông Trump hoặc không lường tới, hoặc không muốn nhắc tới, là "cái giá" khổng lồ về chính trị sau quyết định này mà có thể các lãnh đạo kế cận ông sẽ phải "trả". 

Giống như rất nhiều tổng thống tiền nhiệm, ông Trump nhậm chức với cam kết sẽ có một cách tiếp cận mới và hiệu quả hơn trong việc giải quyết xung đột Israel - Palestine để mang lại hòa bình cho Trung Đông. Tuy nhiên cho tới nay, chính quyền của ông vẫn chưa đưa ra được một kế hoạch hòa bình nào cho khu vực này, trong khi đó các quan chức Palestine cũng đã từ chối đối thoại với những người đồng cấp Mỹ ngay từ thời điểm ông Trump tuyên bố quyết định dời đại sứ quán Mỹ về Jerusalem tháng 12 năm ngoái.

Dĩ nhiên với những động thái như vậy, ông Trump đã khiến nước Mỹ "hổ thẹn" vì không giữ đúng vị thế của một bên trung lập trong bất cứ thỏa thuận nào liên quan tới hòa bình cho Trung Đông. Điều này cũng khiến việc đạt được một giải pháp ổn định lâu dài cho khu vực này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

D.KIM THOA (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ dời Đại sứ quán về Jerusalem: Lối tư duy nhiệm kỳ?