Căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm

26/06/2019 09:59

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục bị đẩy lên đỉnh điểm sau khi Mỹ thực hiện đúng như lời cảnh báo trước đó, bắt đầu áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với Iran kể từ ngày 24.6.


Căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự

Điều đáng nói là lệnh trừng phạt mới này nhằm vào Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei và văn phòng của ông này. Vì vậy động thái trên của Mỹ đã ngay lập tức vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ Iran.

Áp đặt lệnh trừng phạt mới

Nhằm đáp trả việc Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái của Mỹ hồi tuần trước, ngày 24-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, đồng thời khẳng định các biện pháp trừng phạt có thể chấm dứt vào ngày hôm sau, hoặc "kéo dài nhiều năm", phụ thuộc vào hồi đáp của Iran.

Sắc lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Đại giáo chủ Ali Khamenei, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và 8 quan chức cấp cao thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Phát biểu với báo giới sau lễ ký sắc lệnh hành pháp, Tổng thống Trump tuyên bố, sẽ không để Lãnh tụ tối cao Khamenei và các quan chức khác của Iran tiếp cận các công cụ tài chính. Tổng thống Trump đồng thời cho rằng, lãnh tụ Khamenei là một trong những người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với các hoạt động thù địch của Chính quyền Iran.

Ông Trump kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới là sự phản ứng “mạnh mẽ và tương xứng” với các hành động khiêu khích ngày càng gia tăng của Iran, bao gồm vụ bắn hạ máy bay do thám không người lái của Mỹ gần không phận Iran và các vụ tấn công tàu chở dầu tại eo biển Hormuz.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng cho biết, ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với các nhà lãnh đạo Iran, song Tehran đã từ chối một lời đề nghị như vậy, trừ khi Washington dỡ bỏ trừng phạt. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, Mỹ không muốn xung đột, cũng không cho phép Iran có vũ khí hạt nhân. Ông Trump cho biết Mỹ mong muốn một thỏa thuận với Iran.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, những cá nhân nằm trong danh sách bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lần này, như Lãnh tụ Khamenei hay Văn phòng của Tướng Alireza Tangsiri - chỉ huy Hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, đều là những người có liên quan đến vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ.

Theo ông Mnuchin, chính quyền Tổng thống Trump cũng sẽ đưa Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vào danh sách trừng phạt vào cuối tuần này.

Ông Mnuchin đồng thời thừa nhận Mỹ không tham vấn các đồng minh về chi tiết các biện pháp đã được lên kế hoạch.

Phản ứng của Iran và các nước

Ngay sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei; Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, cùng một số quan chức cấp cao khác của Iran, nước này đã đưa ra những phản ứng gay gắt.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt với các quan chức cấp cao nước này chứng tỏ Washington đang "lừa dối" về đề xuất đàm phán. Tổng thống Rouhani nêu rõ việc vừa kêu gọi đàm phán, vừa tìm cách trừng phạt cho thấy Washington không có thiện chí.

Bên cạnh đó, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh các lệnh trừng phạt nhằm vào Đại giáo chủ Ali Khamenei sẽ thất bại vì ông không có tài sản nào ở nước ngoài, đồng thời cho rằng lệnh trừng phạt mới nhất là dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của Washington.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi khẳng định với việc áp đặt các trừng phạt vô ích nhằm vào lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran (Đại giáo chủ Ali Khamenei) và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, Mỹ đã đóng vĩnh viễn "lối vào con đường ngoại giao". Ông Mousavi nhấn mạnh: "Chính quyền Mỹ đang phá hoại các cơ chế quốc tế đã được thiết lập để duy trì hòa bình và an ninh thế giới."

Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Iran cho thấy Washington không tôn trọng luật pháp quốc tế. Ông kêu gọi Mỹ phải chấm dứt "cuộc chiến kinh tế nhằm vào người Iran", đồng thời khẳng định Tehran sẽ không chấp nhận đối thoại với Washington khi vẫn bị đe dọa trừng phạt.

Các hãng thông tấn bán chính thức Fars và Tasnim của Iran cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được áp đặt đối với Tehran dựa trên "những lý do được thêu dệt".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ lần này cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đúng khi nói rằng các lực lượng Mỹ "không có phận sự" tại vùng Vịnh.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Trump kêu gọi các nước khác tự bảo vệ hoạt động vận chuyển dầu của mình, khẳng định Mỹ chỉ có lợi ích chiến lược hạn chế tại khu vực “nguy hiểm” này, thậm chí cho rằng Mỹ không cần hiện diện ở đây nữa.

Đề cập tới Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và các quan chức khác xung quanh Tổng thống Trump, những người đang thúc đẩy lập trường cứng rắn đối với Tehran, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói: "Rõ ràng 'Nhóm B' (ý chỉ Cố vấn Bolton và các quan chức khác) không đề cập tới các lợi ích của Mỹ, họ xem thường ngoại giao và thèm khát chiến tranh".

Trước những diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt với Iran là chưa từng có tiền lệ. Điều này đã hạ thấp giá trị của tuyên bố trước đó rằng Washington sẵn sàng khởi động đối thoại với Iran. Theo ông Ryabkov, Mỹ cần phải xem xét chính sách của mình khi gây sức ép với Iran, bởi nếu không Washington sẽ không bao giờ thực hiện được một cuộc đối thoại hiệu quả.

Trung Quốc cũng kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế. Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, Trung Quốc tin tưởng rằng việc gây sức ép tối đa sẽ không giải quyết được vấn đề, mà chỉ đem lại tác dụng ngược và dẫn đến bất ổn khu vực.

Những tác động tiêu cực

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã liên tục leo thang kể từ sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ ngày 20.6, còn Mỹ thì tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào một nhóm tình báo của Iran. Vì vậy, việc Mỹ áp các lệnh trừng phạt bổ sung với Tehran, trong đó nhằm vào Lãnh tụ Tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei và một số quan chức cấp cao khác, lần này được xem như một động thái tiếp tục đẩy sự căng thẳng giữa hai nước lên mức cao hơn và khiến cho triển vọng đàm phán ngày càng mong manh.

Kể từ sau khi quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) (hồi tháng 5.2018), chính quyền của Tổng thống Trump đã khôi phục lại các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhằm vào Iran, trong đó có các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại các thể chế tài chính của những nước thứ ba giao dịch với Tehran.

Trong năm 2018, các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran đã chính thức khôi phục kể từ ngày 6.8.2018 đối với hoạt động thương mại trong lĩnh vực xe ô tô và kim loại, và từ ngày 5-11-2018 đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng.

Tính đến thời điểm trước đợt trừng phạt mới ngày 24-6-2019 này, Mỹ đã áp đặt trừng phạt lên khoảng 1.000 thực thể Iran, bao gồm các ngân hàng, cá nhân, tàu bè và máy bay. Hồi tháng 5-2019, chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã ban lệnh cấm mua sắt, thép, nhôm và đồng của Iran, bên cạnh đó Mỹ cũng chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Tehran…

Mục tiêu của việc áp đặt các lệnh trừng phat này của Mỹ chính là cô lập nền kinh tế của Iran, nhằm "đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0”, từ đó kìm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Tehran cũng như sức ảnh hưởng về quân sự và chính trị của quốc gia Trung Đông này trong khu vực.

Dưới sức ép của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, thời gian qua nhiều "khách hàng" châu Âu và những khách hàng khác của Iran đã phải chật vật tìm cách bảo vệ các công ty của họ nếu muốn tiếp tục làm ăn với Iran nhưng không muốn bị Mỹ trừng phạt.

Trong khi đó, những biện pháp trừng phạt của Mỹ thực tế cũng đã đẩy nền kinh tế Iran vào cảnh khó khăn chồng chất khi nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu dầu bị sụt giảm mạnh. Viện Tài chính quốc tế (IIF) dự báo nền kinh tế Iran có thể sụt giảm tới 4% trong năm 2019.

Vì thế theo các nhà phân tích, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối Iran chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đối với nền kinh tế Iran vốn đã chìm trong suy thoái dưới sức ép từ các lệnh trừng phạt ngặt nghèo trước đó của Mỹ. Không những vậy, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ còn khiến thị trường quốc tế bị ảnh hưởng.

Theo các hãng vận tải quốc tế, các lệnh trừng phạt mới đã khiến rủi ro đối với vận tải biển ở vùng Vịnh tăng mạnh. Chi phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh cho tàu chở dầu qua khu vực vùng Vịnh đã tăng lên 500.000 USD trong khi chi phí trước đó chỉ là 50.000 USD. Trong khi đó, việc Mỹ siết chặt nguồn xuất khẩu dầu của Iran cũng đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trên thị trường thế giới…

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm