Bức tranh điện hạt nhân trên toàn cầu

01/06/2022 06:40

Philippines muốn hồi sinh nhà máy điện hạt nhân sau vài thập kỷ, Pháp sắp xây thêm lò phản ứng, còn Đức kiên quyết đóng hết nhà máy năm nay.

"Ai có thể cưỡng lại một nguồn năng lượng thải ít CO2 hơn than đá tới 70 lần, ít hơn khí đốt 40 lần, ít hơn năng lượng mặt trời 4 lần, ít hơn thủy điện 2 lần và bằng điện gió?", Tập đoàn nhiên liệu hạt nhân Oraro (Pháp) đặt câu hỏi khi đề cập đến khía cạnh môi trường của điện hạt nhân trong một sự kiện gần đây.

Khi các nền kinh tế, đặc biệt là tại châu Á, đốt nhiều than đá hơn bao giờ hết để phục vụ tăng trưởng và đối phó thiếu hụt nhiên liệu, điện hạt nhân được cho là giải pháp khó có thể bỏ qua. Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine vài tháng qua càng khiến các nước lo ngại rủi ro khủng hoảng năng lượng, do giá dầu và khí đốt tăng vọt.

Đầu tháng 3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký sắc lệnh đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của nước này. Giới chức Philippines muốn giảm dần các nhà máy điện than để đạt mục tiêu về khí hậu và hồi sinh nhà máy điện hạt nhân duy nhất của họ - Bataan sau vài thập kỷ bỏ không. Việc này được đánh giá là cột mốc lớn với nền kinh tế thường xuyên thiếu điện và có giá điện đắt đỏ này.

Bataan hoàn thành năm 1984 với kinh phí 2,2 tỷ USD, công suất 620 megawatt và lẽ ra đã trở thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, thảm họa Chernobyl tại Ukraine và nhà độc tài Marcos bị lật đổ khiến chính phủ mới của Philippines thời đó quyết định đóng cửa nhà máy. Kể từ năm 2009, nơi này biến thành điểm du lịch, phần nào bù lại được chi phí bảo dưỡng.

Nhà máy điện hạt nhân Bataan tại Philippines. Ảnh: Reuters

Tại Trung Quốc, cuối tháng 3, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia (NEA) nước này thông báo sẽ duy trì tốc độ xây dựng và đảm bảo an toàn cho các dự án điện hạt nhân ven biển mới. Nỗ lực này nhằm giảm khí thải carbon và xoa dịu các lo ngại an ninh năng lượng do xung đột Nga – Ukraine.

Trung Quốc được dự báo vượt Mỹ và Pháp để trở thành nước vận hành năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới năm 2030, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14, nước này sẽ xây thêm 8 lò phản ứng hạt nhân mới mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc thuộc NDRC, để đạt mục tiêu trung hòa carbon, Trung Quốc sẽ phải nâng tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng lên 28%. Điều này đồng nghĩa công suất hạt nhân sẽ phải tăng gấp 10, lên 554 gigawatt năm 2050.

Cũng trong tháng 3, chính phủ Anh thông báo kế hoạch giảm phụ thuộc vào dầu và khí đốt bằng cách xây thêm 8 lò phản ứng hạt nhân mới. Việc này nằm trong chiến lược năng lượng mới của nước này. Mục tiêu của họ là đến năm 2050, khoảng 24 gigawatt điện sẽ đến từ hạt nhân, tương đương 25% nhu cầu điện dự báo.

Thủ tướng Anh Boris Johnson lý giải việc này sẽ giúp giảm giá điện và họ sẽ không bị Nga "bắt nạt". Anh hiện có 6 nhà máy điện hạt nhân, cung cấp khoảng 20% nhu cầu. Tỷ lệ này đã giảm dần từ thập niên 90. Một số lò phản ứng hiện tại sẽ phải đóng cửa trước năm 2030.

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Alvin Tan đầu tháng 4 cũng trình bày trước quốc hội nước này về điện hạt nhân. Ông đề cập đến mọi khía cạnh, từ độ an toàn, chi phí đến các yếu tố môi trường.

Chỉ riêng việc đề cập này đã là bước đột phá tại Singapore. Một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra rằng "các lò phản ứng truyền thống, kích thước lớn không phù hợp để triển khai tại Singapore". Tuy nhiên, thế giới giờ đã thay đổi. Các lò phản ứng ngày nay nhỏ hơn, có hệ thống làm mát tốt hơn, có thể tắt nhanh chóng và cho phép phản ứng kịp thời.

Đồ họa: Nikkei Asia

Đồ họa: Nikkei Asia

Năm 2021, Ba Lan, Romania và Ukraine – những nước từ lâu phụ thuộc vào các nhà máy điện than – cũng đã ký hợp đồng với các công ty Mỹ và châu Âu để có công nghệ lò phản ứng cỡ nhỏ này. Châu Âu gần đây ngày càng coi điện hạt nhân là cần thiết để chống biến đổi khí hậu.

Số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho biết tính đến tháng 10/2021, thế giới có 441 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại khoảng 30 quốc gia. Trong đó, Mỹ đóng góp nhiều nhất, với 93 lò phản ứng. Theo sau là Pháp (56), Trung Quốc (51), Nga (38) và Nhật Bản (33).

Nga vì thế không chỉ là cường quốc dầu mỏ và khí đốt. Theo nghiên cứu tuần trước của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, Moskva hiện là cái tên thống trị trong chuỗi cung ứng công nghệ phản ứng hạt nhân toàn cầu.

42 lò phản ứng trên thế giới hiện sử dụng công nghệ của Nga và 15 lò đang xây dựng cũng sử dụng công nghệ nước này. Vì thế, việc giảm hoặc chấm dứt phụ thuộc năng lượng vào Nga cũng không hề dễ dàng.

Pháp hồi tháng 2 công bố kế hoạch xây 14 lò phản ứng thế hệ mới cùng nhiều nhà máy điện hạt nhân nhỏ. Mục tiêu cũng là giảm phát thải khí nhà kính và giảm phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài.

Pháp muốn củng cố vị thế là nước sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đồng thời giúp tăng sức cạnh tranh của hãng điện quốc gia EDF trước các đối thủ Mỹ và Trung Quốc. Với chi phí ban đầu ước tính 50 tỷ euro (57 tỷ USD), kế hoạch của Tổng thống Emmanuel Macron là xây 6 lò phản ứng, bắt đầu từ năm 2028. Sau đó, họ có thể xây thêm 8 cho đến năm 2050.

Tại Mỹ, sản xuất điện hạt nhân không giải phóng bất kỳ khí nhà kính nào và được Bộ Năng lượng Mỹ phân loại là năng lượng "sạch". Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, các nhà máy điện hạt nhân hiện tạo ra 19% sản lượng điện cho nước này.

Các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ bắt đầu hoạt động thương mại năm 1958. Đến cuối năm 2021, nước này có 93 lò phản ứng với tuổi trung bình khoảng 40. Công suất phát điện đạt đỉnh năm 2012 vào khoảng 102.000 megawatt khi có 104 lò cùng hoạt động. Cuối năm ngoái, con số này còn khoảng 95.000 megawatt.

Dù có nhiều ưu điểm, điện hạt nhân vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi lớn trên thế giới. Một số quốc gia đã quyết định nói không với dạng năng lượng này. Bỉ cho biết đến năm 2025 sẽ đóng cửa toàn bộ 7 lò phản ứng. Trong khi đó, Tây Ban Nha sẽ bắt đầu quá trình đóng cửa năm 2027.

Còn với Đức, khi châu Âu đang vật lộn tìm lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch Nga, quốc gia này vẫn kiên quyết theo đuổi kế hoạch đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân còn lại cuối năm nay. Năm 2011, Đức có 17 nhà máy điện hạt nhân nhưng giờ chỉ còn 3, hiện đóng góp 5% tổng sản lượng điện của đất nước.

Trước đó, năm 2021, họ cũng đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân. Cả ba đều đang được tháo dỡ và không thể tái khởi động. Năm ngoái, 6 nhà máy điện hạt nhân tạo ra 12% sản lượng điện cho Đức.

Việc tái khởi động, nếu có, cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Lộ trình chấm dứt điện hạt nhân của Đức đã được đề ra hơn hai thập kỷ. Vì vậy, các nhà máy còn lại cũng đã lên lịch trình mua uranium đủ để vận hành đến cuối năm 2022. Cùng với đó, hầu hết nhân sự cũng đều có ý định chuyển công việc hoặc nghỉ hưu vào cuối năm nay, khi 3 nhà máy ngừng hoạt động.

Tại Nhật Bản, trong 60 lò phản ứng ở đây, 24 đã ngừng và 5 đang hoạt động. 5 lò khác đã được phê duyệt để khởi động lại nhưng bị tạm dừng để kiểm tra định kỳ và 3 lò đang được xây dựng. Phần còn lại chưa được chấp thuận tái khởi động.

Người Nhật Bản phản đối năng lượng hạt nhân rất mạnh sau trận động đất và sóng thần năm 2011 dẫn đến sự cố vỡ ba lò phản ứng ở Fukushima. Điện hạt nhân vì thế hiện đóng góp chưa đầy 4% sản lượng điện quốc gia, giảm so với gần một phần ba trước khi xảy ra thảm họa Fukushima. Nhật Bản hiện sử dụng hơn 70% điện từ nhiên liệu hóa thạch và khoảng 18% từ các nguồn tái tạo.

Có nhiều nguyên nhân khiến điện hạt nhân bị phản đối. Phổ biến nhất là thiếu giải pháp xử lý chất thải vĩnh viễn. Sản xuất điện hạt nhân sinh ra chất thải phóng xạ nguy hiểm. Các nhà khoa học cho rằng chất thải hạt nhân nên được lưu trữ sâu trong lòng đất, nơi chúng có thể tồn tại và mất đi tính phóng xạ trong nhiều nghìn năm.

Trong khi đó, tại Đức, Miranda Schreurs - Giáo sư chính trị năng lượng và khí hậu tại Đại học Kỹ thuật Munich cho rằng lý do là "năng lượng hạt nhân luôn gắn liền với chiến tranh". Với người Đức, hạt nhân gắn liền với bom nguyên tử ở Hiroshima, Nagasaki và Chiến tranh Lạnh. Điều này khiến họ phản đối điện hạt nhân từ rất lâu.

Còn tại Mỹ, điện hạt nhân lại phụ thuộc lớn quan điểm chính trị của từng bang. Ví dụ, ở California, thái độ chống hạt nhân mạnh mẽ đã góp phần vào việc ngừng hoạt động của lò phản ứng năng lượng hạt nhân cuối cùng tên Diablo Canyon tại đây. Ngược lại, ở Illinois, cơ quan lập pháp của bang lại bỏ phiếu chi tới 694 triệu USD để giữ cho các lò phản ứng hạt nhân duy trì vận hành.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức tranh điện hạt nhân trên toàn cầu