Brexit: "Sương mù" che lấp tương lai

23/10/2018 05:53

Một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 không thể đảo ngược những gì đã xảy ra về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU - Brexit).

Chính phủ Anh, người dân Anh và phần còn lại của châu Âu hiểu rất rõ về điều này.

Hoài nghi Brexit bao trùm khắp London. Ảnh: Business Insider

Không thể đảo ngược

Người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit hồi tháng 6.2016, song những diễn biến thời gian qua cho thấy nội bộ nước Anh có thể hướng tới cuộc trưng cầu dân ý lần 2. Dư luận Anh cho rằng cuộc trưng cầu dân ý mùa hè năm 2016 đã bị bao trùm bởi sự dối trá, các chiến dịch vận động bất hợp pháp, thậm chí đã có những cáo buộc về sự can thiệp từ Nga. Người dân và một phần giới chức Anh, đặc biệt là những chính trị gia thuộc Công Đảng đối lập đang thúc đẩy cho một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 nhằm đưa ra tiếng nói cuối cùng về thỏa thuận Brexit của Chính phủ Thủ tướng Theresa May với EU. 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, hiện tồn tại hai vấn đề đối với cuộc trưng cầu dân ý lần 2 đang dậy sóng chính trường Anh. Đầu tiên, việc Anh có thể ở lại EU hay không đã không còn nằm trong quyền quyết định của người Anh. Thứ hai, cuộc trưng cầu dân ý lần 2, nếu xảy ra sẽ chỉ có ý nghĩa nếu Anh có thể bỏ phiếu cho sự lựa chọn ở lại EU. Chính sự “tréo ngoe” này khiến giới quan sát tin rằng triển vọng về cuộc trưng cầu dân ý lần 2 rất khó xảy ra.

Hồi tháng 3.2017, 9 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ủng hộ Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đã thông báo cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk rằng nước Anh sẽ rời khỏi EU. Thông báo này được đưa ra theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon, trong đó đặt ra lộ trình và thủ tục cho các quốc gia thành viên có thể rời khỏi EU. Động thái này đã đánh dấu “bước đi lớn” của Anh, từ một vấn đề nội bộ trở thành một sự kiện tầm thế giới.

Dưới những điều khoản của Hiệp ước Lisbon, Anh và EU có 2 năm đàm phán về Brexit, và chỉ được nới rộng thời gian nếu cả Anh và EU đạt đồng thuận. Trong trường hợp đàm phán Brexit thất bại, các quốc gia thành viên EU sẽ “đơn giản” chấp thuận việc Anh rời khỏi liên minh này mà không có một thỏa thuận nào. Đó sẽ là viễn cảnh rất tồi tệ dành cho Anh. Quan trọng hơn, Hiệp ước Lisbon không có bất kỳ quy định rõ ràng nào về việc “tạm dừng quá trình đàm phán” hoặc “đảo ngược quá trình” rời EU. “Đâm lao phải theo lao”, Anh gần như chắc chắn bị loại khỏi EU theo cách này hay cách khác.

Điều này có nghĩa là Brexit đã trở thành một sự kiện, một quá trình không thể quay đầu. Quá trình này không chỉ được điều chỉnh bởi những quy định nội bộ Anh mà còn chịu sự ràng buộc pháp lý mang tính quốc tế. Các quyết định về Brexit không chỉ ảnh hưởng đến chính phủ và người dân Anh mà còn liên quan đến 27 quốc gia thành viên và các tổ chức đa quốc gia khác của EU. Rốt cuộc, Anh không thể đơn phương quyết định bất kỳ điều gì về Brexit.

Rời EU với "hai bàn tay trắng"?

Trong bối cảnh hiện tại, câu hỏi đặt ra là liệu một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về Brexit có thể xảy ra? Liệu những lựa chọn nào dành cho người Anh nếu trưng cầu dân ý? 

Một trong những “kịch bản” cho trưng cầu dân ý lần 2 là người dân Anh sẽ lựa chọn chấp nhận hoặc từ chối bất kỳ thỏa thuận Brexit nào giữa London và Brussels. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ chỉ khiến cuộc trưng cầu trở thành một hoạt động vô nghĩa. Nếu người Anh từ chối bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với EU, kết quả là London sẽ rời EU với “hai bàn tay trắng”. Đây là điều ngay cả chính quyền Theresa May lẫn người dân Anh không muốn. 

Kịch bản khác cho cuộc trưng cầu dân ý lần 2, vốn được giới phân tích đánh giá “quá tham vọng”: bỏ phiếu ở lại EU. Theo đó, người Anh sẽ bỏ phiếu hoặc chấp thuận một thỏa thuận cuối cùng đạt được giữa London và Brussels hoặc ở lại EU. Tuy nhiên, để kịch bản này xảy ra, cả hai sự lựa chọn này phải mang tính khả thi. Tuy nhiên, Chính phủ Anh không thể đơn phương quyết định lựa chọn “ra đi” hay “ở lại” EU. Thế khó này khiến viễn cảnh trưng cầu dân ý lần 2 gần như rơi vào “bóng tối”. 

Ngoài ra, một loạt những vấn đề phức tạp phải được xử lý triệt để giữa Anh và EU nếu các bên muốn tiến xa hơn. Thứ nhất, lục địa già phải đạt đồng thuận kéo dài thời gian đàm phán, vốn chỉ diễn ra trong 2 năm theo quy định nhằm hướng đến 2 kết cục riêng biệt. Một mặt, London và Brussels buộc phải tiếp tục hoàn tất những gì đã đàm phán trong 18 tháng qua về thỏa thuận Brexit. Mặt khác, Anh-EU sẽ phải đàm phán các điều khoản giúp London có thể ở lại liên minh. Chỉ khi Anh và EU đạt được đồng thuận cho cả 2 kết cục này, khi đó trưng cầu dân ý lần 2 mới có thể thực hiện. Đây là một quá trình có thể tiêu tốn nhiều năm đàm phán giữa Anh và EU, một chặng đường đầy rẫy chông gai nhằm tìm kiếm sự đồng thuận giữa Anh và 27 quốc gia thành viên khác của EU. Với những rối loạn nội bộ Anh thời gian qua, đường tới đích có thể sẽ khiến London phải trả một cái giá rất đắt.

Theo nhiều chuyên gia, việc Anh ở lại EU sau khi đã khởi động Brexit là điều rất khó đạt được. Song, một số khác lại cho rằng cử tri Anh chỉ cần “đơn giản” lựa chọn đưa nước Anh trở về “nguyên trạng” trước thời điểm mùa hè năm 2016. Tuy nhiên, có lẽ đây chỉ là lối suy nghĩ “viển vông”. Bánh xe Brexit đã chuyển động, và ở lại liên minh các quốc gia lục địa già đã không còn là điều phụ thuộc vào ý chí London. Đây là một vấn đề mở, phụ thuộc vào phán quyết từ Tòa án Tư pháp châu Âu hoặc thông qua một thỏa thuận chính trị nội bộ Hội đồng châu Âu. Song, cho dù bằng cách nào thì điều chắc chắn là Anh sẽ không thể tự quyết định.

Theo một hướng khác, nếu “quyền ở lại” của Anh được đặt ra như một vấn đề chính trị, câu hỏi đặt ra là liệu Anh sẽ phải “nộp đơn” gia nhập EU như bất kỳ quốc gia nào khác khi muốn trở thành thành viên EU hay không. Trong bối cảnh chính quyền Theresa May đã khởi động tiến trình đàm phán Brexit theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon, đây là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra. Ông Jean Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng một số lãnh đạo EU khác dường như hướng tới lộ trình này. Tuy nhiên, sau Brexit, việc Anh nộp đơn quay trở lại EU sẽ đặt ra những vấn đề phức tạp cho các nhà đàm phán. Đây chắc chắn không phải một quá trình nhanh chóng và suôn sẻ.

Nhiều thập kỷ qua, Anh đã được hưởng nhiều đặc quyền từ EU. Đặc biệt bao gồm việc giảm các khoản đóng góp tài chính chung, không tham gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu, không tham gia chính sách thị thực “không biên giới” Schengen. Nếu có thể ở lại EU, London buộc phải tìm cách duy trì những lợi ích cốt lõi này. Không ai tin rằng người Anh sẽ đồng ý ở lại EU nếu buộc phải từ bỏ những đặc quyền trước đây. Do đó, trưng cầu dân ý lần 2 cũng sẽ vô nghĩa nếu sự lựa chọn ở lại EU đi kèm với những điều khoản bất lợi.

Chặng đường đàm phán dài kỳ đang chờ đợi London phía trước. Rời EU với một thỏa thuận Brexit hoàn hảo hoặc ở lại EU với những đặc quyền như trước đều là những cục diện rất khó đạt được thời điểm hiện tại. Quá trình này phụ thuộc rất lớn vào quyết định nới rộng thời gian đàm phán từ EU, vốn đang bị chia rẽ bởi rất nhiều ý kiến trái chiều từ các quốc gia thành viên.

Chính quyền Theresa May dường như bị kẹt bởi chính quyết định Brexit. Điều gì sẽ xảy ra nếu bà May không thể duy trì chính phủ? Điều gì sẽ đến nếu người dân Anh yêu cầu một cuộc tổng tuyển cử? Nếu một chính phủ mới hình thành, liệu EU sẽ đồng ý gia hạn thời gian đàm phán hay không? Một loạt những vấn đề vô cùng phức tạp đang hiện ra trước mắt chính phủ cũng như người dân Anh, những người vốn đã trực tiếp cầm lá phiếu ủng hộ Brexit hai năm trước đây.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Brexit: "Sương mù" che lấp tương lai