Thế giới có trên 2,9 triệu ca mắc; trên 202.000 ca tử vong

26/04/2020 06:13

Tính tới 6 giờ sáng 26.4 (theo giờ Việt Nam), thống kê của trang worldometers.info cho thấy đã có 2.911.168 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 202.873 người tử vong.

Mỹ vẫn có số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới. Tính tới 6h sáng 26/4, Mỹ đã ghi nhận 954.610 ca mắc COVID-19, chiếm 32% tổng số ca của toàn thế giới. Trong 24h qua, Mỹ có thêm trên 29.000 ca mắc và trên 1.800 ca tử vong.

Đứng sau Mỹ là ba nước châu Âu gồm Tây Ban Nha (223.759 ca), Italy (195.315 ca) và Pháp (161.488 ca).

Bang New York hạ nhiệt, một số bang ở Mỹ bắt đầu nới lỏng phong tỏa 


Nhân viên y tế làm việc tại trung tâm y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 14.4.2020

Tại New York, ngày 25.4, Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo cho hay số người tại bang New York phải nhập viện do mắc bệnh COVID-19 đã hạ xuống mức tương đương 21 ngày trước. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng đang hạ nhiệt.

Ngoài ra, ông Cuomo cho biết sẽ cho phép các dược sỹ tại các hiệu thuốc thu thập mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 và cũng sẽ mở rộng việc xét nghiệm kháng thể, bắt đầu từ những người có phản ứng đầu tiên và các nhân viên làm việc trong lĩnh vực thiết yếu khác.

Trong khi đó, các bang Georgia, Oklahoma và Alaska của Mỹ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa đối với các doanh nghiệp đang oằn mình chống đỡ những tác động của dịch COVID-19. 

Chú thích ảnh

Một cửa hiệu làm móng tay mở cửa trở lại sau một thời gian đóng cửa vì dịch COVID-19 tại Atlanta, bang Georgia, ngày 24.4.2020

Theo đó, thống đốc các bang Georgia và Oklahoma đã cho phép các hiệu làm tóc và chăm sóc sắc đẹp mở cửa trở lại. Bang Alaska "bật đèn xanh" cho các nhà hàng phục vụ khách ăn tại chỗ, trong khi các cửa hàng bán lẻ và các cửa hàng kinh doanh khác cũng được phép mở cửa lại nhưng với một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, một số thành phố ở bang Alaska vẫn quyết định duy trì các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hiện nay.

Trước đó cùng ngày, phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhận định lạc quan về nền kinh tế nước này, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và sử dụng khăn che mặt. Cũng trong ngày, Tổng thống Trump ký thông qua dự luật trị giá 484 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện đang phải chịu sức ép lớn của dịch COVID-19, cũng như tăng cường năng lực xét nghiệm.

Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ liên bang Mỹ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 khi phải đóng cửa hoặc thay đổi hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chỉ trong hơn 5 tuần qua đã có 26 triệu người Mỹ mất việc làm - tương đương cứ 6 người dân Mỹ thì một người không có việc làm.

Trong khi đó, Đại học Johns Hopkins đánh giá số ca tử vong đã xuống mức thấp nhất trong một ngày tại Mỹ trong gần 3 tuần qua. Cho tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 toàn cầu cả về số ca nhiễm và ca tử vong. Mặc dù số ca tử vong giảm mạnh so với một ngày trước, các chuyên gia y tế cho biết để xác nhận xu hướng dịch bệnh đang theo đà giảm tại Mỹ thì số ca nhiễm và tử vong trong ngày đều phải duy trì ở mức giảm.

Châu Âu: Trên 120.000 người tử vong

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy ngày 20.4.2020

Châu Âu đã ghi nhận trên 120.000 ca tử vong do bệnh COVID-19, trong đó hơn 75% ở Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Anh.

Trong ngày 25.4, Chính phủ Tây Ban Nha xác nhận thêm 378 ca tử vong, cao hơn so với 367 ca một ngày trước đó. Theo Bộ Y tế, tổng số ca mắc COVID-19 tại Tây Ban Nha tăng thêm 3.995 ca trong 24 giờ qua lên 223.759 ca. Trước đó cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha khẳng định sẽ tiếp tục duy trì lệnh đóng cửa biên giới trên bộ với các quốc gia láng giềng như Pháp và Bồ Đào Nha đến ngày 10.5. Đây là lần thứ 3 chính phủ nước này gia hạn lệnh đóng cửa biên giới, bắt đầu áp dụng từ ngày 16.3 nhằm ngăn chặn đà lây lan của SARS-CoV-2.

Tại Anh, nước này ghi nhận thêm 813 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 20.319 ca trong số 148.377 ca mắc. Giới khoa học cảnh báo tỷ lệ tử vong tại Anh sẽ chỉ bắt đầu giảm mạnh trong vài tuần nữa. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh có thể tăng thêm hàng nghìn người khi nhà chức trách hoàn tất các số liệu thống kê đầy đủ hơn, bao gồm những ca tử vong tại viện dưỡng lão.  

Trong ngày 25.4, Pháp ghi nhận thêm 369 ca tử vong do nhiễm ARS-CoV-2, thấp hơn so với những ngày trước đó. Kể từ khi bắt đầu bùng phát hồi tháng 3 đến nay, số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp đã lên tới 22.614 người. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết Pháp đang thực hiện hơn 50.000 xét nghiệm/ngày trên toàn quốc. Mục tiêu là đạt từ 500.000 đến 700.000 xét nghiệm/tuần kể từ thời điểm lệnh phong tỏa được dỡ bỏ dần dần, dự kiến vào ngày 11.5.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một trung tâm y tế ở Kiev, Ukraine, ngày 15.4.2020

Tính đến sáng 26.4, Ukraine ghi nhận thêm 478 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.125 người. Trong vòng 24 giờ qua, Ukraine xác nhận thêm 9 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong của nước này lên 201 ca. Trong khi đó, thêm 181 bệnh nhân bình phục, đưa tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 782 người. Các địa phương có số người nhiễm nhiều nhất là tỉnh Chernivtsi (1.308 ca), thủ đô Kiev (1.159 ca), tỉnh Ivano-Frankivsk (700 ca), Ternopil (565 ca), tỉnh Kiev (519 ca)…

Trong khi đó, đà lây nhiễm SARS-CoV-2 tại nước láng giềng Belarus bắt đầu tăng tốc. Đến nay, Belarus ghi nhận tổng cộng 9.590 ca mắc, trong đó có 67 ca tử vong. Tuy nhiên, Belarus không áp dụng các biện pháp cách ly xã hội. Học sinh đã trở lại trường học sau kỳ nghỉ Xuân. Người dân vẫn đi làm và Chính phủ Belarus vẫn chuẩn bị cho cuộc diễu binh kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít (9/5).  

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố mọi nguồn lực cần thiết được huy động chống dịch bệnh COVID-19 và những nguồn lực này “phù hợp với mối đe dọa hiện nay”. Ông cũng cho biết nếu tình hình dịch bệnh xấu đi, các biện pháp thích hợp (hủy bỏ các sự kiện lớn, cách ly xã hội…) sẽ được áp dụng.

Chính phủ Ba Lan cho biết có kế hoạch mở cửa trở lại các khu thể thao ngoài trời từ ngày 4/5 tới và sẽ cho phép tổ chức các trận bóng đá cấp quốc gia từ cuối tháng 4. Đây là một trong những động thái nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội đã được áp đặt trước đó để phòng chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào bệnh viện ở Wolica, Ba Lan ngày 20.4.2020

Đầu tháng 4 này, Ba Lan đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế hoạt động do lo ngại những tổn thất về kinh tế trong nước. Theo đó, Ba Lan mở cửa trở lại các công viên và cánh rừng, đồng thời nới lỏng các quy định về số lượng khách đến mua hàng tại các cửa hàng. Tính đến 6 giờ ngày 26.4, Ba Lan đã thông báo 11.237 ca mắc COVID-19, trong đó có 524 ca tử vong.

Trong khi đó, Bỉ lên kế hoạch dỡ bỏ cách ly theo 3 giai đoạn. Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès thông báo Hội đồng an ninh quốc gia Bỉ đã quyết định các biện pháp dỡ bỏ cách ly xã hội vào tháng 5 như mở lại trường học, cửa hàng, dịch vụ, mang khẩu trang bắt buộc tại một số nơi công cộng, dựa theo đề xuất của nhóm 10 chuyên gia về khoa học và kinh tế. 

Bỉ sẽ bắt đầu thực hiện giai đoạn một nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 4.5. Thời gian đầu, các lĩnh vực sản xuất, bán buôn, giao thông (trừ phương tiện hàng không) sẽ trở lại hoạt động và 700.000 người sẽ tiếp tục đi làm. Hình thức làm việc từ xa tiếp tục được khuyến khích. Việc đeo khẩu trang là điều kiện bắt buộc với hành khách trên 12 tuổi đi tàu xe cũng như người đợi ở bến. Các hoạt động bên ngoài như thể thao hay câu cá được cho phép nhưng phải tuân thủ qui định tối đa chỉ 2 người không phải là thành viên trong một gia đình.

Châu Á: Hàn Quốc ngày thứ hai không có ca tử vong        

Chú thích ảnh
Khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 3.4.2020

Ngày 25.4, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận ngày thứ hai không có ca tử vong do mắc COVID-19, trong khi tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 80%.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết trong ngày 25.4, nước này chỉ có 10 ca nhiễm mới (chủ yếu là từ nước ngoài), nâng số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên 10.718 người. Số ca tử vong vẫn là 240, trong đó trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số ca được điều trị khỏi hoàn toàn tăng thêm 134 người, nâng tổng số ca được xuất viện lên 8.635 người, chiếm 80,5%. Hàn Quốc hiện có 1.023 ca nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh.

Ngày 24.4 vừa qua, Hàn Quốc đã công bố nội dung hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường bao quát 31 lĩnh vực khác nhau từ công việc đến sinh hoạt hàng ngày và các hoạt động vui chơi giải trí. Cụ thể, những trường hợp sốt trên 37,5 độ C hoặc có triệu chứng về hô hấp được yêu cầu không đến nơi làm việc mà phải nghỉ ngơi tại nhà, giữ khoảng cách trên 1m với người khác, đảm bảo không gian sinh hoạt thông thoáng, rửa tay và tiệt trùng thường xuyên. Trường hợp sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm hay xe buýt, cần tránh lên tàu/xe nếu thấy đã đông người và tránh nói chuyện với người khác. Các quán ăn và quán cafe duy trì hoạt động giao hàng, bán mang đi, trường hợp khách dùng đồ tại chỗ phải duy trì khoảng cách giữa các bàn trên 1m. Tuy nhiên, KCDC cho biết đó mới chỉ là bản dự thảo, cơ quan này sẽ tiến hành trưng cầu dân ý, thu thập ý kiến chuyên gia để chốt những nội dung cuối cùng.

KCDC nhận định diễn biến dịch bệnh ở Hàn Quốc đã phần nào được kiểm soát ổn định nhưng tình hình trên thế giới vẫn rất phức tạp nên buộc nước này phải đảm bảo các phương án đối phó lâu dài. Kể từ ngày 27.4, Hàn Quốc sẽ chính thức thực hiện quản lý các đối tượng vi phạm biện pháp "tự cách ly" bằng vòng tay điện tử. Trường hợp từ chối đeo vòng sẽ bị đưa đến các khu cách ly tập trung.

Bộ y tế Israel thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã lên tới 15.298, trong đó 199 trường hợp tử vong. Theo con số thống kê mới nhất, 127 bệnh nhân vẫn trong tình trạng nghiêm trọng, giảm 7,3% trong 24 giờ qua, gồm 99 người bệnh cần hỗ trợ thở máy, giảm 2,9% trong 24 giờ qua. Gần 40% các ca tử vong là ở các viện dưỡng lão. Đến nay đã có ít nhất 6.435 bệnh nhân phục hồi hoàn toàn.   

Tình hình tại ASEAN: Singapore chiếm 33% tổng số ca của khu vực

Riêng tại Đông Nam Á, tính tới hết ngày 25.4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận gần 38.000 ca mắc COVID-19 và 1.381 ca tử vong. Singapore vẫn là nước có số ca mắc cao nhất, còn Indonesia có số người tử vong cao nhất khu vực.

Chú thích ảnh

Biểu đồ so sánh ca mắc và tử vong ở ASEAN

Theo trang thống kê worldometers.info, ba quốc gia Đông Nam Á có nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất lần lượt là Singapore (12.693 ca), Indonesia (8.607 ca) và Philippines (7.294 ca).

Lào và Timor-Leste có số ca mắc COVID-19 thấp nhất, lần lượt là 19 và 24. Các nước như Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Brunei có số ca mắc COVID-19 dưới 300.

Về số ca tử vong, Indonesia và Philippines ghi nhận nhiều ca nhất, lần lượt là 720 và 494. Các nước còn lại đều có số ca tử vong dưới 100. Tại Đông Nam Á, Việt Nam, Lào, Campuchia và Timor-Leste chưa ghi nhận ca tử vong nào tính tới nay.

Chú thích ảnh
Kiểm tra sức khỏe cho lao động nước ngoài tại ký túc xá Toh Guan ở Singapore, ngày 8.4.2020

Cụ thể, tại Singapore, ngày 25.4, Bộ Y tế Singapore cho biết, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 618 ca mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở quốc đảo này lên 12.693 người.

Thái Lan đã có số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng trở lại trong vòng 24h qua, với 53 ca mới được xác nhận trong ngày 25.4, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 lên 2.907 người. Trong số các ca lây nhiễm mới được ghi nhận có 42 lao động nhập cư ở Songkhla. Thái Lan cũng xác nhận thêm một bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong lên 51 người.

Trước đó, trong khoảng hai tuần, số lượng các ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày ở Thái Lan đã giảm từ 54 ca hôm 9.4 xuống 13 ca trong ngày 23.4 và 15 ca trong ngày 24/4. Ngày có số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 được ghi nhận cao nhất là hôm 22/3 với 188 trường hợp.

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này xác nhận thêm 17 ca tử vong và 102 ca mắc. Như vậy, đến hết ngày 25.4, Philippines ghi nhận tổng cộng 7.294 ca mắc, trong đó có 494 người tử vong. Thêm 30 ca bình phục và xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh tại Philippines lên 792 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Manila, Philippines, ngày 22.4.2020

Theo Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire, số nhân viên y tế mắc COVID-19 ở Philippines đã lên đến 1.101 người. Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 25.4, bà Vergeire cho biết trong số các nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 có 434 bác sĩ, 400 y tá, 55 trợ lý điều dưỡng, 32 kỹ thuật viên y tế, và 21 kỹ thuật viên X-quang. Cũng theo bà Vergeire, 26 nhân viên y tế đã thiệt mạng vì COVID-19, gồm 20 bác sĩ và 6 y tá.

Chính phủ Philippines đang thuê khẩn cấp các bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên y tế và những nhân viên hỗ trợ y tế khác nhằm tăng cường cho đội ngũ y tế tuyến đầu hiện nay trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Tại Malaysia, nhà chức trách thông báo thêm 51 ca mắc và 2 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc được xác nhận ở quốc gia Đông Nam Á này hiện là 5.742 ca, trong đó 98 người tử vong, 3.762 bệnh nhân đã bình phục và 36 người đang bệnh nặng.

Tại Indonesia, ngày 25.4, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia - ông Achmad Yurianto - đã thông báo về 396 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 8.607 người. Số liệu chính thức cũng cho thấy Indonesia cùng ngày đã ghi nhận thêm 31 ca tử vong do SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng ở nước này lên 720 người.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới có trên 2,9 triệu ca mắc; trên 202.000 ca tử vong