Em viết bài thơ trên báo tường ca ngợi cuộc Cách mạng Tháng Tám và Bác Hồ vĩ đại, thầy đã đem ra đọc trước lớp và khen. Rồi ngẫu hứng, thầy ứng tác hai câu thơ tặng em: "Một đốm lửa sẽ bùng lên đám cháy/ Một tiếng gà sẽ gọi ánh bình minh!.". Thầy muốn mọi học trò trong lớp hãy noi gương em phát huy năng khiếu. Thầy khuyên chúng em phải chịu khó học môn văn mà môn thầy phụ trách lại là môn toán! Mãi sau này, bước vào con đường làm công tác khoa học em mới hiểu ý nghĩa sâu xa của câu "Nhà toán học sẽ không đầy đủ nếu không có chút thi sĩ". Những bài giảng, những công thức toán học khô khan thầy đã kỳ công chuyển thành văn vần để giúp chúng em dễ nhớ. Thầy muốn chúng em ham mê học được nhiều kiến thức chứ không phải học lấy nhiều chữ. Sự thông tuệ và tâm huyết của thầy đã làm cho học trò cảm phục và ngưỡng mộ.
Ngày 20-11 năm ấy, tốp học trò lớp em đến nhà chúc mừng thầy, mỗi đứa được cha mẹ cho mang theo một thứ quà tặng. Có nhiều thứ khá đắt tiền. Thầy nhận hết nhưng nhìn sắc mặt thầy, em cảm thấy có vẻ gì khác lạ. Thầy bật nắp tất cả những chai bia chúng em biếu thầy "khao" cả lớp. Thầy bắt mọi người phải uống hết, say cũng phải uống. Chúng em được đà chuốc nhau say khướt. Thế là có đứa phải nằm vật ra giường nhà thầy hàng tiếng đồng hồ. Khi mọi người đã tỉnh táo trở lại, thầy mới bảo: "Nếu không có các em, thầy không biết phải làm gì với hàng chục chai bia này. Người ta khi phải làm cái điều không muốn là thế đó!". Rồi thầy giơ lên cuốn sách mà trò nào đó tặng thầy và đọc luôn câu thơ của nhà bác học Lê Quý Đôn: "Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Không bằng kinh sử một vài pho". Thầy nói thêm: "Học trò biếu thầy một cuốn sách là cho thầy hai thứ, một là kiến thức, hai là lòng yêu mến". Tan cuộc, thầy bảo em nào mua bia phải thu lại vỏ chai mang trả nhà hàng mà lấy tiền về. Khi ấy em mới nhận ra trong chúng em, nhiều đứa nhà còn nghèo lắm, cha mẹ chúng phải đi nhặt rác, mua bán ve chai nuôi con ăn học.
Thấm thoắt đã hơn mười năm xa mái trường phổ thông em mới tình cờ được gặp lại thầy, trên chuyến xe khách từ Hà Nội về quê. Trông thầy không già đi mấy, tuy mái tóc đã muối tiêu, đuôi con mắt đã hằn mờ vết chân chim. Em cao lớn, thay đổi vóc hình khá nhiều sau những năm du học nước ngoài đã khiến thầy không nhận ra. Em đọc hai câu thơ thầy tặng em ngày trước, thầy đã vỗ vai em một cái thật mạnh và gọi tên em. Em bây giờ đã là một kỹ sư, một người quản lý làm việc trong công ty nước ngoài. Thầy bảo hai năm nữa thầy đến tuổi về hưu. Trong tiếng máy xe chạy, tiếng ồn ào của hành khách, thầy trò nói với nhau đủ thứ chuyện. Thầy học nhiều, thông tuệ, hiểu biết rộng, uyên thâm. Khối tri thức khổng lồ của thầy khiến em nghĩ mình vẫn là anh học trò tồi.
Trời nắng gắt. Xe dừng nghỉ ở đoạn đường thuộc vùng nông thôn, dưới bóng cây râm mát. Em và thầy dắt nhau tới chỗ người bán nhãn lồng rong với đôi sọt thồ đèo sau xe đạp. Chị bán hàng quắn quả chào khách. Thầy cũng mua một cân, bảo mang về làm quà cho đứa cháu nội. Thầy vặt hết mấy chiếc lá còn sót lại và bẻ những cọng quá dài vứt đi để bỏ vào túi cho gọn. Em ngồi xổm nhặt tất cả những thứ thầy và mấy người khác vứt ra đường nhựa bỏ vào túi ni-lông, nhìn trước, ngó sau như sợ ai đó trông thấy rồi mang theo lên xe. Xe chuyển bánh, thầy hỏi: "Em nhặt thứ này mang về làm gì?" Em bảo đây là thói quen của em khi sống ở nước ngoài. Thầy hiểu ngay đó là nếp sống của người dân một nước văn minh. Thầy bảo: "Thế là thầy đã có thêm một bài học. Từ nay, sau mỗi bài giảng hay những dịp trò chuyện với học trò, thầy sẽ đem chuyện này ra kể. Thầy cảm ơn em và những đạo luật của quốc gia đã đào tạo nghề cho em".
Tản bút củaVŨ QUỐC TÚY