Thầy thuốc tận tụy, sáng tạo

11/06/2012 09:30

29 năm gắn bó với nghề y là 29 năm bác sĩ Mạc Văn Cường cống hiến, tìm tòi, sáng tạo, chữa bệnh cứu người...



Bác sĩ Mạc Văn Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn kiểm tra bệnh nhân sau mổ

Sinh năm 1955, sau 5 năm quân ngũ, chàng thanh niên Mạc Văn Cường quê Kinh Môn thi vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, năm 1983, bác sĩ Cường về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn. Với trình độ chuyên môn vững, sau một năm công tác, bác sĩ Cường được đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Ngoại. 4 năm sau, bác sĩ được bổ nhiệm Phó Giám đốc và năm 2006 là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn. 29 năm gắn bó với nghề y là 29 năm ông đã cống hiến, tìm tòi, sáng tạo, chữa bệnh cứu người.

Để thực hành y đức, hướng tới lợi ích của người bệnh, bác sĩ Cường và lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Kinh Môn đã khích lệ đội ngũ y, bác sĩ phát huy sáng kiến nhằm giảm sự đau đớn, giảm chi phí cho người bệnh. Thầy thuốc và kỹ thuật viên xét nghiệm tiến hành lấy máu một lần. Y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu cải tiến lắp máy thở xách tay và bình ô-xy vào xe cứu thương để chuyển bệnh nhân không tự thở được lên tuyến trên an toàn. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho bệnh viện cũng được bác sĩ Cường và lãnh đạo bệnh viện coi trọng, trong đó thực hiện một quy trình đào tạo liên tục. Đến nay đã có trên 50% số bác sĩ có trình độ chuyên khoa I và cao học. Mặc dù công việc quản lý bận rộn, song là bác sĩ phẫu thuật nhiều kinh nghiệm, bác sĩ Cường vẫn cầm dao trực tiếp mổ mỗi năm 200-300 ca. Trong 5 năm qua, Bệnh viện Đa khoa Kinh Môn là đơn vị có thành tích tiêu biểu trong ngành y tế. Cơ sở hạ tầng được xây dựng, nâng cấp, không còn nhà cấp 4, khuôn viên sạch đẹp. Bệnh viện được trang bị nhiều máy móc kỹ thuật mới, thu hút đông đảo bệnh nhân trong và ngoài tuyến huyện đến khám chữa bệnh. Hằng năm, bệnh viện được Bộ Y tế tặng danh hiệu bệnh viện xuất sắc toàn diện.

Nói đến bác sĩ Cường phải nói đến những công trình khoa học có giá trị được áp dụng trong thực tiễn: chẩn đoán sớm viêm ruột thừa sau manh tràng; tổng kết bệnh viêm ruột thừa trong 10 năm (1984-1993). Đặc biệt đề tài "Kỹ thuật lọc máu truyền hoàn hồi trong ổ bụng cho bệnh nhân bị mất máu do chửa ngoài dạ con vỡ" do bác sĩ Cường khởi xướng đã cứu sống nhiều bệnh nhân sốc mất máu nặng và tiết kiệm hàng chục triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Theo bác sĩ Cường, kỹ thuật lọc máu truyền hoàn hồi đã có từ lâu trong y văn thế giới. Về phía bệnh viện tuyến huyện, máu được phân bổ rất ít (mỗi nhóm máu thậm chí được 1 đơn vị), gặp những trường hợp mất máu nhiều, không có máu truyền bổ sung, bệnh nhân chắc chắn tử vong. Để giải quyết việc thiếu máu, bác sĩ Cường đã nghiên cứu các tài liệu khoa học, xây dựng kế hoạch áp dụng phương pháp này vào các ca chửa ngoài dạ con vỡ. Đề tài được áp dụng vào khoa sản của bệnh viện từ năm 2002 đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu máu truyền trong cấp cứu. Năm cao điểm đã xử lý 20 ca, năm ít cũng 10 ca, trong đó có những ca lọc và truyền lại 2,5 lít máu. Bác sĩ Cường nhớ lại: “Năm 2007, có một bệnh nhân là cô giáo dạy tiểu học ở thị trấn Kinh Môn bị chửa ngoài dạ con vỡ, nguy cơ tử vong rất cao. Ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, vừa tiến hành hồi sức vừa xét nghiệm, vừa huy động kíp mổ. Tôi trực tiếp đứng mổ. Khi rạch ra, ổ bụng bệnh nhân đầy máu. Việc trước tiên phải tìm khối chửa vỡ kẹp lại để cầm máu. Ngay sau đó, máu trong ổ bụng bệnh nhân được lấy đưa vào bộ phận lọc và nhanh chóng được truyền trở lại cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài gần 1 giờ, lượng máu được lọc, truyền hoàn hồi khoảng 2,5 lít”. 

Tâm sự về nghề, bác sĩ Cường chia sẻ: “Trách nhiệm của người thầy thuốc là cứu chữa người bệnh. Song với người thầy thuốc chân chính đằng sau trách nhiệm là lương tâm, tấm lòng nhân ái. Còn món quà lớn nhất của người thầy thuốc chính là sự tin yêu của người bệnh”. Mới đây, bác sĩ Cường phẫu thuật cho một bệnh nhân trên 80 tuổi bị thoát vị bẹn. Thấy sức cụ yếu, anh em đề nghị chuyển lên tuyến trên. Thế nhưng cụ cứ một mực đề nghị được ông mổ. Sau ca mổ, ông cụ mới tiết lộ, nhiều năm trước đây cụ đã nhập viện và đã được chính bác sĩ Cường mổ ruột thừa”.

Bác sĩ Hồ Sỹ Hoan, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn, có hơn 20 năm công tác với bác sĩ Cường cho biết: Từ công tác chuyên môn, đến công tác quản lý, bác sĩ Cường đều tận tụy, phát huy tốt phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ. Khi Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai, bác sĩ Cường là người đề xuất, khởi xướng những phong trào thiết thực trong cơ quan. Bản thân bác sĩ Cường đi đầu làm gương bằng những việc làm cụ thể, là chỗ dựa vững chắc cho anh em.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Thầy thuốc tận tụy, sáng tạo