“Thầy giáo làng” Lê Đình Hánh ở thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải (Ninh Giang) được nhiều người biết đến với công việc thầm lặng - dạy những “lớp” học trò nghèo.
Ông Hánh luôn tận tâm với công việc dạy học
Gặp ông Hánh trong ngôi nhà đơn sơ, chúng tôi được nghe ông tâm sự về cuộc đời mình. Thuở nhỏ, ông bị một căn bệnh về não, phải bỏ dở việc học hành. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp THPT, ông đã thi đỗ cùng lúc các trường Đại học Kinh tế kế hoạch và Đại học Kế toán tài chính. Nhưng cuộc đời của ông lại không thuận buồm xuôi gió như bao người khác. Căn bệnh quái ác đó vẫn hành hạ ông. Chân tay ông teo dần từng ngày, rồi ông không đủ sức khỏe để nhập học. Ông buồn và tuyệt vọng. 2 năm liền ông không giao tiếp với mọi người. Nhưng rồi ông đã vượt qua mặc cảm, quyết tâm giữ vững tinh thần, vươn lên.
Ông Hánh được địa phương tạo điều kiện cho làm kế toán tín dụng của xã, nhưng do căn bệnh lại tái phát, không đủ sức khỏe để làm việc. Cách đây 4 năm, ông ra ở riêng và quyết định dạy học cho vui cửa vui nhà. Năm 2005, ông Hánh bắt đầu dạy học cho 3 cháu ở Trường THCS Ninh Hải. Ông mua sách toán và ra thư viện xã đọc sách, bổ sung những kiến thức mới để truyền dạy đến các cháu. Từ đó, lớp học của "thầy giáo làng" được nhiều người biết và gửi con cháu đến học, có thời gian nhiều nhất là 20 cháu. Từ năm 2005 đến nay, lớp học của ông có trên 20 cháu thi đỗ THPT hệ công lập, trong đó có 50% số cháu vào lớp chọn. Hiện tại, ông đang dạy 4 cháu học lớp 8 và 5 cháu lớp 9. Mỗi tuần, ông dạy vào 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, buổi sáng dạy lớp 9, buổi chiều dạy lớp 8. Mỗi buổi ông dạy 3 giờ, truyền đạt cho các cháu những kiến thức cơ bản, là nền tảng để hiểu sâu kiến thức thầy cô dạy ở trường. Tuy khó khăn nhưng ông Hánh không nhận tiền của cháu nào. Ông tâm sự: “Có các cháu đến học, tôi thấy đỡ buồn hơn. Chính bọn trẻ mang lại niềm vui cho tôi. Có những đứa đi học đại học, thỉnh thoảng về ghé qua thăm là tôi thấy vui và thanh thản lắm”.
Cuộc sống của ông Hánh chủ yếu dựa vào ao cá đấu thầu của xã. Tính ra cũng chỉ được 5 triệu đồng/năm. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi nhận thấy trên khuôn mặt ông niềm lạc quan, yêu đời. Những việc làm của “thầy giáo làng” Lê Đình Hánh thật đáng quý.
MINH NGUYÊN