Vụ việc học sinh lớp 6, Trường THCS Văn Tố (Tứ Kỳ) bị 2 chiếc đinh trên cột đỡ xà nhảy cao đâm vào đầu trong giờ thể dục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc mất an toàn trong giờ giáo dục thể chất ở các trường.
Sức khỏe của em Trần Xuân Trường Sơn đã ổn định và đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Vụ việc hy hữu
Ngày 8.4 vừa qua, em Trần Xuân Trường Sơn, học sinh Trường THCS Văn Tố (Tứ Kỳ) gặp tai nạn kinh hoàng khi đang thực hiện bài nhảy cao trong giờ học môn thể dục. Sơn là người đầu tiên thực hiện bài tập nhảy. Khi Sơn chưa rơi xuống đệm thì đã có một học sinh khác tiếp tục nhảy làm cột đỡ xà đổ, hai chiếc đinh đỡ xà đâm vào đầu em. Ngay sau đó, Sơn được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) để phẫu thuật. Đến nay, sức khỏe của em đã cơ bản ổn định.
Bà Nguyễn Thị Chấn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Văn Tố thừa nhận một số dụng cụ phục vụ môn giáo dục thể chất của trường chưa bảo đảm tiêu chuẩn. Cột đỡ xà do nhà trường tự làm và sử dụng nhiều năm nay. Trang thiết bị dạy học cũng thiếu thốn do chưa có kinh phí mua sắm. Bà Chấn cho rằng đây là chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là nếu dụng cụ để phục vụ cho môn học bảo đảm tiêu chuẩn thì em Sơn có thể đã không gặp tai nạn. Theo quan sát của chúng tôi, cột đỡ xà của Trường THCS Văn Tố làm bằng sắt, không chôn cố định xuống đất, trên cột gắn nhiều đinh để đỡ xà giống như răng lược nên rất nguy hiểm.
Theo ông Lê Xuân Trường, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ, thực trạng chung ở các trường chưa đạt chuẩn quốc gia trong huyện đều chưa bảo đảm về sân chơi, bãi tập. Do khó khăn về kinh phí nên nhiều trường vẫn phải tự "thiết kế" dụng cụ cho môn giáo dục thể chất. Thầy giáo Phạm Văn Hợp, giáo viên dạy thể dục của Trường THPT Kim Thành II cho biết nhiều môn thể dục tiềm ẩn rủi ro như nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ. Nếu dụng cụ phục vụ cho những môn học này không bảo đảm tiêu chuẩn sẽ rất nguy hiểm cho học sinh.
Trụ đỡ xà ở môn nhảy cao tại Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà) được chôn cố định xuống đất, hạn chế rủi ro cho học sinh
Cần chủ động phòng tránh tai nạn thương tích
Nhiều trường học đã quan tâm bảo đảm an toàn trong giờ học thể dục. Để phục vụ môn nhảy cao, Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà) đã mua bộ trụ gắn cố định. Chiếc ốc vít có thể di chuyển lên xuống dọc trụ để đỡ xà với các độ cao khác nhau. Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên dạy môn thể dục của trường cho biết trong giờ học môn thể dục, giáo viên phải quan sát kỹ từng động tác của các em để uốn nắn cho đúng. Những môn liên quan đến thể chất đòi hỏi sức khỏe tốt mới học được, nếu em nào sức khỏe yếu hoặc ốm thì giáo viên cho nghỉ. Để nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh, thầy giáo Nguyễn Sinh Hiệp, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Hồng cho biết 5 năm trở lại đây, nhà trường đã đầu tư gần 200 triệu đồng để xây dựng sân chơi, bãi tập, mua sắm thiết bị cho môn thể dục.
Mặc dù cơ sở hạ tầng phục vụ cho giáo dục thể chất của Trường THPT Kim Thành II còn thiếu nhưng thiết bị cho môn học này luôn được nhà trường quan tâm. Ngoài môn nhảy cao, môn đẩy tạ cũng là một trong những môn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với học sinh. Vì thế, khi học môn này, học sinh phải đứng xa khu vực đẩy tạ. Theo thầy giáo Đào Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Thành II, việc bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu. Nhà trường luôn yêu cầu các giáo viên dạy môn thể dục cho học sinh khởi động kỹ, quan sát sức khỏe từng em trước khi vào môn học.
Đối với học sinh THPT, nhận thức của các em đã cao hơn trong môn thể dục. Em Bùi Thị Ngọc Hường, học sinh lớp 11I, Trường THPT Kim Thành II cho biết mặc dù cột và xà phục vụ môn nhảy cao của trường đều bảo đảm chất lượng, an toàn nhưng trong quá trình học ai cũng chú ý cao độ vì mọi người đều muốn thử sức ở những mức xà cao hơn. Chỉ một người thực hiện động tác nhảy tiếp xúc với xà, những bạn khác phải đứng xa quan sát để rút kinh nghiệm.
Ngày 10.4, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích; chủ động giám sát, phát hiện và có biện pháp khắc phục các tai nạn thương tích; phân công bộ phận kiểm tra định kỳ cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác giảng dạy, sinh hoạt trong nhà trường, dụng cụ phục vụ môn thể dục, phương tiện vui chơi ngoài trời...
PV