Thay đổi thói quen tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính

04/06/2019 08:29

Hải Dương đứng thứ 5 toàn quốc về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2018.

Thông tin trong báo cáo do Bộ Nội vụ vừa công bố mới đây đem đến niềm vui nho nhỏ cho những người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước sau nỗi ngậm ngùi vì các chỉ số: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR INDEX) và hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 đều giảm so với năm trước và ở nhóm trung bình thấp trong cả nước.

Nhưng nếu xem xét thật đầy đủ các thông tin chi tiết trong báo cáo về SIPAS, lại thấy niềm vui này dường như chưa trọn vẹn. Theo kết quả điều tra xã hội học năm 2018, các kênh thông tin để người dân Hải Dương biết về quy định thủ tục hành chính (TTHC) như sau: qua công chức tại nơi nộp hồ sơ (74,58%); qua niêm yết công khai tại nơi nộp hồ sơ (26,88%); qua internet (3,96%); qua người thân, bạn bè (3,96%) và 0,83% qua các kênh khác. So với mức trung bình chung cả nước, người dân Hải Dương biết đến thông tin về TTHC qua cán bộ, công chức nhiều hơn và qua internet ít hơn. Trong khi đó, Hải Dương đứng thứ 18 cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, đứng thứ 20 cả nước về chỉ số hiện đại hóa nền hành chính (theo báo cáo PAR INDEX 2018) với điểm ứng dụng công nghệ thông tin đạt 4/4,5 điểm. Cũng theo báo cáo của ngành thông tin và truyền thông, năm 2018 tỷ lệ dân số dùng internet của tỉnh Hải Dương đã đạt khoảng 65%.

Tôi cho rằng việc người dân sử dụng internet đông nhưng lại biết thông tin về TTHC qua internet ít là một điều đáng buồn. Thói quen đến thẳng nơi giải quyết TTHC để được cán bộ hướng dẫn nên thay đổi bởi đã có kênh tư vấn tiện dụng hơn là internet. Chỉ với thao tác nhấp chuột, người dùng internet có thể có đầy đủ thông tin về TTHC mình cần trên cổng cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, có thông tin tư vấn của luật sư trên trang thông tin điện tử của các văn phòng luật hay trên các tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử của các ngành, địa phương…

Trong khi nếu vẫn dùng cách cũ vừa mất nhiều thời gian, vừa phiền đến nhiều người và cũng dễ bị cán bộ giải quyết TTHC tỏ thái độ khó chịu hoặc gây phiền hà với mình. Lấy một ví dụ đơn giản thế này, một công chức làm nhiệm vụ tiếp nhận giải quyết TTHC trong lĩnh vực A. Mỗi ngày, công chức này tiếp 10 công dân đến làm thủ tục, trong đó có 7 người hỏi trình tự, cách làm và phải trả lời, giải thích lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối cùng một quy trình cho 7 người khác nhau thì khả năng người đó nổi cáu hoặc tỏ thái độ không dễ chịu với công dân rất dễ xảy ra. Đó là chưa kể vì thiếu hiểu biết, công dân có thể bị ép tới tình huống phải mất thêm chi phí không chính thức mới giải quyết được TTHC. Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, khi đi làm thủ tục cấp lại hộ chiếu, trong phòng chờ, tôi chứng kiến nhiều người đi làm hộ chiếu phổ thông lần đầu đã được “cò mồi” dọa “làm bình thường phải 20 ngày hoặc lâu hơn mới được lấy” và gợi ý công dân “làm nhanh”, mất thêm từ 200.000-400.000 đồng/cuốn hộ chiếu để có thể nhận kết quả sớm hơn, chỉ mất từ 5-7 ngày. Ngay lúc ấy, tôi nhìn lên tường, nơi niêm yết TTHC, thấy thời gian thực hiện việc cấp hộ chiếu ghi “không quá 8 ngày làm việc”. Để chắc chắn, tôi "hỏi lại Google", kết quả vẫn là “không quá 8 ngày làm việc”. 

Làm gì để thay đổi thói quen tìm hiểu về TTHC của người dân từ kênh trực tiếp qua cán bộ sang kênh internet là vấn đề rất đáng quan tâm. Tỉnh ta đã có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, có tỷ lệ dân số sử dụng internet ngày một cao, chỉ còn thiếu biện pháp để thay đổi hành vi nữa thôi. Ở nhiều nước trên thế giới, việc đẩy mạnh thực hiện giao dịch TTHC qua internet đã buộc người dân phải tự tìm hiểu các quy định trên các cổng thông tin điện tử để có thể điền và gửi hồ sơ đúng quy định. Nên chăng chúng ta cũng cần một biện pháp mạnh như vậy ngay từ bây giờ?

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi thói quen tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính