Thời gian qua, trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi về cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống hay thời vụ... để khắc phục những khó khăn về thời tiết, thị trường...
140 hộ dân xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) đã đề nghị UBND xã cho chuyển đổi đất trồng lúa
kém hiệu quả sang trồng rau màu
Xu hướng tất yếuVụ này, nhiều người dân xóm Vạn, thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) vẫn chưa dám tin những chân ruộng trũng thường xuyên ngập úng ngày nào lại có thể trồng được rau màu tươi tốt như hiện nay. Bà Bùi Thị Miên ở xóm Vạn cho hay: Trước đây, mỗi năm 2 vụ lúa thì may ra có thể thu hoạch được một vụ. Vụ mùa nơi này cứ động mưa là ngập trắng, nhiều người chán bỏ ruộng. Trước thực trạng trên, xóm tôi viết đơn đề nghị UBND xã cho phép được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu. Khi mang đơn đến UBND xã, nhiều người bảo chúng tôi làm chuyện nực cười. Bởi xưa nay chỉ chuyển từ đất trũng sang đào ao thả cá chứ mấy ai trồng màu. Thế nhưng, rau màu lại xanh mơn mởn, tươi tốt, cho thu nhập cao hơn nhiều so với cấy lúa.
Để làm được "chuyện nực cười" này, bà con nông dân xóm Vạn đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua đất màu nâng cốt ruộng, đồng thời nâng cấp hệ thống kênh mương để điều tiết nước phục vụ sản xuất. Nhiều gia đình ở đây còn lắp đường ống hiện đại để tưới tự động. Ông Nguyễn Văn Mịch, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn cho biết, cuối năm 2013, đầu năm 2014, 140 hộ dân ở 2 thôn Văn Thai và Uyên Đức đề nghị UBND xã cho phép được chuyển 7 ha đất chuyên cấy lúa sang trồng rau màu. Mỗi hộ ở đây đầu tư từ 5-20 triệu đồng để làm đường giao thông, thủy lợi, cải tạo ruộng. Sau gần 1 năm, lợi nhuận thu được từ trồng rau màu của bà con nơi đây cao gấp 3 lần so với cấy lúa. Cách làm này là cần thiết để giảm rủi ro do thời tiết, phù hợp nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Là vùng bán sơn địa, địa hình cao thấp khác nhau nên việc đưa nước vào đổ ải hay tưới dưỡng cho lúa xuân ở thị xã Chí Linh gặp nhiều khó khăn. Phường Hoàng Tân và các xã Hoàng Tiến, Hoàng Hoa Thám thường xuyên thiếu nước khiến năng suất lúa thấp. Để thay đổi, nông dân ở đây đã chuyển từ cấy lúa sang trồng những cây ưa cạn như: lạc, đậu tương, dong riềng. Riêng diện tích lạc xuân đã tăng từ 848 ha năm 2012 lên gần 1.000 ha năm 2014. Đặc biệt, nhiều hộ ở Hố Gồm (phường Bến Tắm) đã chuyển sang trồng cam, quýt, mít, bưởi, đào... Hằng năm, vụ xuân ở Chí Linh thường xuyên có khoảng 1.500 ha cây trồng cạn, chủ yếu là lạc, cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Chí Linh cho biết, do khả năng các hồ đập chứa nước thấp nên những xã phía bắc đường 18 thường xuyên có nguy cơ thiếu nước. Vào vụ xuân, lượng mưa không nhiều, nơi đây hay xảy ra hạn hán. Vì vậy, chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng những cây ưa cạn là phù hợp với điều kiện khí hậu, thủy văn nơi đây.
Những năm gần đây, diện tích lúa chất lượng cao ở tỉnh ta tăng nhanh. Trong ảnh: Nông dân xã Liên Hồng (Gia Lộc)
cấy giống lúa Bắc thơm số 7 vụ mùa
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua nhiều nơi đã có những chuyển đổi để phù hợp với điều kiện thời tiết, địa hình đất đai, nhu cầu của thị trường. Trong đó, nổi bật là việc chuyển từ gieo cấy lúa lai sang lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, khiến diện tích lúa chất lượng cao ngày càng tăng. Cụ thể, vụ xuân và mùa năm 2013, tỉnh ta luôn duy trì khoảng 30 nghìn ha lúa chất lượng cao, tăng hơn 4 lần so với năm 2006. Vụ xuân năm nay, diện tích lúa chất lượng cao tiếp tục được mở rộng thêm 118 ha. Từ sau năm 2015 trở đi, có thể Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ không chỉ đạo sản xuất lúa lai đại trà mà chỉ tập trung vào sản xuất lúa lai ở một số địa phương có nhiều lợi thế như: Kim Thành, Kinh Môn, Nam Sách... Nhu cầu tiêu thụ lúa lai giảm mạnh trong khi lúa chất lượng cao ngày càng được thị trường ưa chuộng đã khiến nhiều địa phương chuyển mạnh sang cấy lúa này, điển hình như ở Thanh Miện, Gia Lộc, Cẩm Giàng...
Tránh theo phong tràoChuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống và cách thức sản xuất là cần thiết để nâng cao giá trị kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cũng cần xem xét thận trọng để tránh phá vỡ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực. Thời gian gần đây, nhiều nơi trên địa bàn huyện Thanh Hà xuất hiện tình trạng tái canh cây vải, chủ yếu là cây vải sớm, trong đó nhiều nhất ở xã Vĩnh Lập. Vì tái canh cây vải nên vụ mùa năm nay một số địa phương ở đây đã không hoàn thành kế hoạch gieo cấy. Nhiều người đã đặt câu hỏi việc người dân ồ ạt trồng cây vải sớm như hiện nay liệu có tiếp tục đưa người dân Thanh Hà rơi vào điệp khúc "trồng - chặt, chặt - trồng" như mấy năm trước đây. Theo bà Vũ Thị Hà, Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương phải hết sức chú ý đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống và thời vụ, không thể chuyển đổi tràn lan, mạnh ai nấy làm. Các địa phương cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân đưa những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng nhưng phải trên cơ sở dự báo, dự tính nhu cầu của thị trường. Quan trọng hơn là phải bảo đảm cơ cấu thời vụ chung, không để ảnh hưởng đến vụ kế tiếp.
HẢI MINH
Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 nêu rõ, mỗi năm tỉnh ta phải bảo đảm tổng diện tích gieo trồng hơn 160 nghìn ha (hơn 100 nghìn ha cây lương thực và 40 nghìn ha cây thực phẩm, còn lại là cây ăn quả, cây công nghiệp hằng năm...). Thời gian tới, trồng trọt vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp cần có những thay đổi phù hợp để vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
|