Thất thu nước rươi đầu tháng 10

16/11/2016 05:11

Người dân ở các xã An Thanh (Tứ Kỳ), Vĩnh Lập (Thanh Hà) rất buồn và lo lắng khi mùa rươi năm nay đang đối diện với nguy cơ mất mùa rất cao...



Gia đình anh Phạm Mạnh Thắng ở thôn An Lao, xã An Thanh (Tứ Kỳ) cải tạo 6 sào đất bãi thành ruộng
 khai thác rươi nhưng ngay vụ đầu tiên đã mất mùa


Lần đầu tiên mất mùa

Mọi năm vào thời điểm đầu tháng 10 âm lịch, xã An Thanh (Tứ Kỳ) luôn có rất đông thương lái về thu mua rươi. Nhưng năm nay, rươi xuất hiện rất ít. Nước rươi tháng 9 đã "thua đậm", số gia đình thu hoạch được 50-70 kg chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại phổ biến từ 10-15 kg. Người dân nơi đây tuy có buồn đôi chút nhưng vẫn lạc quan, bởi như mọi năm đến tháng 10 mới là nước rươi cho sản lượng cao nhất. Song tất cả phải thất vọng khi nước rươi này gần như không có. Một số gia đình năm ngoái thu hoạch cả tấn rươi vào mùng 5 tháng 10 thì năm nay chỉ được vài kg, thậm chí không có để thu hoạch. Nhà anh Nguyễn Trung Thắng ở thôn An Lao có 17 mẫu ruộng chuyên khai thác rươi. Năm ngoái chỉ tính riêng mẻ rươi tháng 10 anh đã thu được 1 tấn, nhưng năm nay chỉ được vài kg. “Từ bé đến giờ chưa khi nào tôi thấy rươi tháng 10 lại thất thu như năm nay. Cứ nghĩ nước rươi này sẽ có nhiều nên gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng để thu hoạch nhưng nào ngờ... Bây giờ thương lái đang chào mua 600.000 - 700.000 đồng/kg rươi mà không có bán”, anh Thắng buồn bã nói.

Năm ngoái, thấy việc khai thác rươi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ ở thôn An Lao có diện tích đất bãi ngoài bờ sông đã phá bỏ cây ăn quả, thuê máy hạ thấp cốt đất và xây dựng mương dẫn nước vào để chờ đến năm nay sẽ thu hoạch. Anh Phạm Mạnh Thắng, một hộ dân trong thôn than thở: “Gia đình tôi đã đầu tư cả chục triệu đồng để cải tạo 6 sào đất này thành vùng khai thác rươi. Nước rươi tháng 9 còn thu được vài kg nhưng nước này thì rõ chán...”.

Vùng khai thác rươi ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) cũng bị mất mùa. Anh Lê Hữu Thắng ở thôn Tú Y có hơn 5 mẫu ruộng khai thác rươi từ năm 2014. Thời điểm này năm ngoái, anh đã thu được khoảng 4 tạ rươi, nhưng từ đầu vụ đến nay anh mới thu được khoảng 20 kg. Anh Thắng cho biết: “Năm nay, mật độ lỗ rươi không thua kém so với năm ngoái. Tuy nhiên, các năm trước chỉ cần xắn đất là đã thấy rươi thì năm nay rươi ở sâu cách mặt đất khoảng 70 cm".

“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm” là câu ca đúc kết của thế hệ đi trước nói về thời gian rươi nổi hằng năm. “Tháng mười mùng năm” cũng là thời điểm chính vụ rươi, chiếm khoảng 50-60% sản lượng rươi cả vụ. Tuy nhiên, thời điểm mùng 5-10 âm lịch vừa qua, những hộ khai thác rươi ở xã Vĩnh Lập đều không thấy rươi nổi như thường lệ. Bà con đang chờ con nước tiếp theo vào khoảng ngày 15 và 16-10 âm lịch với hy vọng rươi nổi để khai thác. Anh Trịnh Văn Lương cùng ở thôn Tú Y cho biết mặc dù đặt nhiều hy vọng là thế nhưng anh cũng không dám chắc rươi sẽ nổi hay lại mất nước rươi như ngày 5-10 âm lịch vừa qua.

Các thương lái thu mua rươi cũng buồn vì kế hoạch kinh doanh bị đổ bể. Trước khi vào vụ rươi, anh Nguyễn Văn Quang ở thôn An Lao đã đầu tư xây dựng hẳn nhà kho đông lạnh để thu mua rươi xuất bán sang Trung Quốc. Đến thời điểm này anh vẫn chưa xuất bán được chuyến hàng nào. Anh Quang buồn bã nói: “Rươi khan hiếm thế này nếu có cũng chả cạnh tranh được với các thương lái khác. Giờ đầu tư ra rồi đành phải chấp nhận thua thiệt thôi”.

Vì đâu?

Ông Phạm Văn Rồng, Phó Chủ tịch UBND xã An Thanh xác nhận chưa bao giờ rươi chính vụ lại mất mùa như năm nay. Toàn xã có 118 ha đất bãi ven sông, trong đó có 80 ha cho khai thác rươi. Sản lượng rươi hằng năm của xã luôn đạt trên 30 tấn, doanh thu 15 - 17 tỷ đồng, đóng góp 60 - 70% giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương. Vụ rươi năm nay dù đã trải qua 2 lần khai thác mà sản lượng đạt được không đáng kể. "Rất có thể do thời tiết năm nay ấm hơn cùng kỳ năm ngoái cộng với nước sông có biểu hiện trong chứ không vẩn đục màu phù sa như hằng năm nên mới xảy ra tình trạng này”, ông Rồng cho biết.

Cũng theo ông Rồng, trước kia đồng đất ngoài bãi sông gần như còn hoang hóa, nước sông lên xuống đều đặn, cứ có rươi thì nông dân ra vớt. Từ ngày rươi có giá, người dân đầu tư cải tạo bờ vùng, xây dựng các kênh dẫn nước. Đến mùa khai thác rươi, bà con không để con nước thuận theo tự nhiên mà be bờ ngâm nước trong ao để “thúc ép” rươi ngoi lên. Việc khai thác kiểu “tận thu” cộng với thời tiết không thuận lợi, môi trường nước bị ô nhiễm có thể là nguyên nhân khiến rươi mất mùa.

Nhiều hộ khai thác rươi ở xã Vĩnh Lập cũng nhận định nguyên nhân khiến sản lượng rươi giảm hẳn so với các năm trước đó có thể xuất phát từ yếu tố thời tiết. Năm nay, thời tiết ấm hơn mọi năm. Thông thường, thời điểm rươi chính vụ là khi trời đã chuyển rét hoặc se lạnh, gió đông, bầu trời chuyển âm u và có mưa nhỏ. Đó là dấu hiệu báo có rươi. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, trời vẫn có nắng ấm. Bên cạnh đó, năm nay nguồn nước bị mặn hơn trong khi đó con rươi ưa nước lợ.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thất thu nước rươi đầu tháng 10