Sáng 28-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Dự án Luật trưng cầu ý dân.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thị Tuyết Thanh phát biểu ý kiến
Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật trưng cầu ý dân; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và tập trung thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Cần thiết ban hành Luật trưng cầu ý dân
Báo cáo thẩm tra dự án Luật trưng cầu ý dân, Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo Báo cáo thẩm tra, dự án Luật trưng cầu ý dân đã được chỉnh lý, hoàn thiện, làm rõ nhiều vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh như: bổ sung quy định về những trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân, bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc trưng cầu ý dân…
Dự thảo Luật đã điều chỉnh việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; quyền đề nghị trưng cầu ý dân; thẩm quyền quyết định và tổ chức trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.
Đối với vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân (Điều 6), theo Báo cáo thẩm tra để như dự thảo Luật, tuy vậy một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa, như cần chỉnh lý lại quy định của dự thảo theo hướng Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp thay cho “những vấn đề về Hiến pháp” để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 120 của Hiến pháp năm 2013.
Về phạm vi trưng cầu ý dân (Điều 7), Dự thảo luật quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước để thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội; đồng thời phù hợp với nguyên tắc các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội.
Đối với vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định, hiện nay pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động (ví dụ như việc cần lấy ý kiến của nhân dân địa phương trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, lấy ý kiến nhân dân về xây dựng nhà máy điện hạt nhân…).
Tính chất và giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn này khác so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, đề nghị trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.
Ngoài ra, tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật trưng cầu ý dân, các nội dung như: Chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân (Điều 13); Cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân (từ Điều 20 đến Điều 25); Kết quả trưng cầu ý dân (Điều 51) hay Giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân cũng được làm rõ.
Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tập trung vào 8 nhóm vấn đề
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa số các đại biểu đồng ý với nội dung của báo cáo thẩm tra.
Tuy nhiên để hoàn thiện Dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo các đại biểu đã tập trung thảo luận 8 nhóm vấn đề gồm: Phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; Giải thích từ ngữ (Điều 3) cho đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn để các quy định của Luật bảo đảm tính khả thi như “ Vùng bờ ”, “ Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ ”, “ Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ”, “ Sự cố tràn dầu, hóa chất độc”, “Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo”; “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo” (Chương II); Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Chương 3); Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ (Chương 4); Quản lý tài nguyên hải đảo (Chương 5); Ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển (mục 2, Chương 6); Nhận chìm ở biển (mục 3, Chương 6); Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Chương 9).
Liên quan đến 8 nhóm vấn đề, đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên môi trường biển và hải đảo, kết hợp nhiều ngành nhiều lĩnh vực trên cơ sở một đầu mối.
Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã được nhiều nước có biển sử dụng. Đây là phương thức quản lý còn khá mới, nên việc thiết lập, thể chế hoá thành Luật rất cần điều chỉnh tên gọi dự án Luật quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, có như vậy mới làm rõ được tính định hướng, mục tiêu của việc ban hành Luật cũng như thấy được sự khác biệt cũng như tính bao trùm của Luật trong các luật chuyên ngành khác liên quan đến biển.
Bên cạnh đó, đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang cũng cho rằng, trong dự thảo Luật, vai trò của người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia khai thác, quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo khá mờ nhạt, việc phân cấp cho các địa phương có biển trong hoạt động liên quan đến lĩnh vực này chưa được đề cập nên cần xem xét bổ sung.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) khẳng định việc ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là cần thiết và đồng tình với các nội dung nêu trong báo cáo thẩm tra. Đối với Điều 4 của dự án Luật cần bổ sung thêm cụm từ "Nhà nước chịu trách nhiệm về quy hoạch tổng thể biển, hải đảo", vì việc quy hoạch tổng thể biển và hải đảo rất quan trọng và sau khi có quy hoạch tổng thể về biển và hải đảo, lúc đó mới phân cho các chuyên ngành làm quy hoạch chuyên ngành.
Ngoài ra, đại biểu Bùi Thị An cũng cho rằng: Thực tế việc quản lý tài nguyên biển và thềm lục địa bị chia nhỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý một mảng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý một mảng, Bộ Giao thông vận tải một mảng, Bộ Quốc phòng một mảnh hay Bộ Công an một mảng...
Việc phân cấp để quản lý chuyên sâu cũng tốt nhưng sự phối hợp giữa các Bộ cũng chưa tốt, còn chồng chéo nên để thực hiện tốt Điều 5 của Luật, Chính phủ nên nghiên cứu cho thành lập Bộ Kinh tế biển để khai thác, quản lý một cách có hiệu quả nhất ngành và lĩnh vực kinh tế này, bởi ngành kinh tế biển đóng góp khoảng hơn 50% GDP của cả nước.
Đối với những điều cấm tại Điều 8 của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) đề nghị “bỏ cụm từ không có giấy phép.” Còn đối với nội dung về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo tại Điều 10, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh đề nghị bỏ phần đầu vì chỉ mang tính đề dẫn.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải rà soát lại các nội dung, phạm vi, làm rõ quyền, nghĩa vụ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các ngành, các cấp, các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài đối việc bảo vệ tài nguyên môi trường biển, đảo.
Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường cùng Ban soạn thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu và hoàn thiện phù hợp với phạm vi điều chỉnh đã thảo luận.
Theo TTXVN