Thành tựu đổi mới ở Việt Nam đã phát triển sáng tạo “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”

24/02/2018 09:21

Học thuyết Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ 19. Đó là học thuyết lý luận hoàn bị, chặt chẽ và chính xác, cung cấp thế giới quan hoàn chỉnh trong nhận thức và cải tạo xã hội.

Tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" do C.Mác và Ph.Ăng-ghen soạn thảo, công bố tháng 2.1848 tại London (Anh), đến nay tròn 170 năm đã làm rõ học thuyết lý luận của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân

Tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" do C.Mác và Ph.Ăng-ghen soạn thảo, công bố tháng 2.1848 tại London (Anh), đến nay tròn 170 năm đã làm rõ học thuyết lý luận, mang tính cương lĩnh định hướng hành động của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân.

Đánh giá về giá trị “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, V.I.Lênin từng viết: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng cả một pho sách lớn; tinh thần của nó cho đến nay còn cổ vũ và thúc đẩy toàn bộ giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu của thế giới văn minh”. Đó là cuốn sách “gối đầu giường của mọi công nhân giác ngộ”.

Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăng-ghen, từ thực tiễn lịch sử và thực trạng, mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản đã chứng minh có cơ sở khoa học những điều kiện khách quan tất yếu dẫn đến cách mạng vô sản, theo đó “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều tất yếu như nhau”. Tính tất yếu, khách quan đó dựa trên những điều kiện hiện thực. Đại công nghiệp và thị trường thế giới càng phát triển, giai cấp vô sản trở thành lực lượng cách mạng có sứ mệnh lịch sử đánh đổ chủ nghĩa tư bản.

C.Mác và Ph.Ăng-ghen cũng đã tổng kết thực tiễn lịch sử, nhất là thời kỳ chủ nghĩa tư bản, xây dựng học thuyết lý luận cách mạng, tìm ra những quy luật phát triển của xã hội. Lý luận đó xâm nhập vào giai cấp công nhân, phong trào vô sản, từng bước giác ngộ, giáo dục, cách mạng hóa giai cấp vô sản, chuyển phong trào đấu tranh từ tự phát lên tự giác, từ đấu tranh kinh tế lên đấu tranh có ý thức và mục tiêu chính trị rõ ràng. Giai cấp vô sản cũng đã xây dựng đảng chính trị của mình là Đảng Cộng sản để đề ra cương lĩnh và lãnh đạo phong trào vô sản.

Đến giữa thế kỷ 19, những yếu tố khách quan đó đã phát triển. "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" làm nổi bật những yếu tố đó và báo hiệu một thời đại cách mạng mới. Giai cấp vô sản đã tỏ rõ sức mạnh và năng lực tổ chức của mình. Phát triển học thuyết Mác trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa đầu thế kỷ 20, V.I.Lênin đã hiện thực hóa tư tưởng của tuyên ngôn bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7.11.1917), mở ra thời đại mới của lịch sử loài người - kỷ nguyên quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Trong tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đề ra 10 vấn đề, như các giải pháp tạo dựng xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN); đồng thời chỉ dẫn “việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, nghĩa là phải sáng tạo theo sự phát triển của lịch sử và phù hợp với hoàn cảnh mỗi nước". Học thuyết của các ông không phải là giáo điều, là công thức bất biến.

Hướng theo tư tưởng của tuyên ngôn và Cách mạng Tháng Mười, CNXH đã được xây dựng ở nhiều nước. Liên Xô từng là một cường quốc XHCN, cùng với hệ thống XHCN thế giới. Hiện thực đó không thể phủ nhận. Sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu là do sai lầm chính trị của các Đảng Cộng sản cầm quyền và cả sự phản bội của thế lực nắm quyền lãnh đạo. Hiện nay, các nước kiên định con đường XHCN, trong đó có Việt Nam, với đường lối cải cách, đổi mới phù hợp đã đạt được những thành tựu to lớn.

Khi "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" ra đời (tháng 2.1848), Việt Nam là nước nông nghiệp, phong kiến lạc hậu. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và quốc gia phong kiến độc lập Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Từ đó, từng có nhiều phong trào nổi dậy đấu tranh đòi độc lập, nhưng đều thất bại. Đầu thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc ra nước ngoài tìm con đường giải phóng dân tộc. Người đã tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền bá lý luận đó vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Mùa xuân năm1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đề ra Cương lĩnh đúng đắn. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, giành độc lập và xây dựng chính quyền nhân dân; lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược giành độc lập và thống nhất, hoàn thành giải phóng dân tộc và đi lên CNXH. Hiện nay, Đảng ta đang lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH theo đường lối đổi mới.

Thành tựu đổi mới ở Việt Nam đã phát triển sáng tạo tư tưởng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Từ thực tiễn và nghiên cứu, tổng kết lý luận, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn, nhất là về mô hình 8 đặc trưng mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra. Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH.

PGS. TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC

(0) Bình luận
Thành tựu đổi mới ở Việt Nam đã phát triển sáng tạo “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”