Thanh tra các dự án BOT: 100% chỉ định thầu

19/08/2017 06:44

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai sót, bất hợp lý như đặt sai vị trí, giá phí quá cao tại các trạm BOT và BT.


Thanh tra các dự án BOT: 100% chỉ định thầu

Trạm thu phí Cai Lậy đang trở thành tâm điểm được dư luận quan tâm thời gian qua - ẢNH: Mậu Trường

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ GTVT.

Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra 7 dự án gồm: dự án BOT hầm đường bộ đèo Phước Tượng - Phú Gia; dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội); dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình...

Trong số này có 5 dự án BOT, một dự án BT, một dự án kết hợp cả BOT và BT.

100% chỉ định thầu

TTCP cho rằng trước thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia còn nhiều hạn chế, các dự án BOT, BT đi vào hoạt động đã góp phần mở rộng phương thức quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông mới, hiệu quả, người dân có thêm lựa chọn điều kiện giao thông thông thoáng an toàn hơn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện và quản lý một số dự án Bộ GTVT và nhà đầu tư còn nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Theo kết luận của TTCP, Bộ GTVT chưa thực hiện đúng quy định về việc xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Bên cạnh đó việc công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án, không đúng thời điểm ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Thực tế từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả những nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực.

Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án. Kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư có nhiều sai lệch nên vốn đầu tư xác định cho hợp đồng dự án không chính xác. Tại 7 dự án được thanh tra, TTCP phát hiện các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp không đúng thực tế với số tiền hơn 316 tỉ đồng.

Đặt trạm thu phí bất hợp lý

Theo kết luận của TTCP, Bộ GTVT chưa có nghiên cứu đánh giá tổng thể, toàn diện hiện trạng giao thông để từ đó cân đối, so sánh đầy đủ trên toàn hệ thống về sự cần thiết, về lộ trình đầu tư theo từng hình thức đầu tư.

Các dự án BT, BOT hầu hết thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn, đặt một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác (điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình…).

Từ đó đã phát sinh tình trạng người dân và phương tiện né trạm thu phí, đi vào đường ngang ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương và nguy cơ mất an toàn.

Mặt khác, việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án thiếu chuẩn, doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia  giao thông vì thời gian thu phí kéo dài.

Bộ GTVT khi phê duyệt các dự án đã ghép việc cải tạo với đầu tư xây dựng đường mới thành 1 dự án rồi đặt 2 trạm thu phí tại 2 nơi không hợp lý.

Cụ thể, Bộ GTVT ghép việc cải tạo nâng cấp QL6 với dự án đầu tư xây dựng mới đường Hòa Lạc – Hòa Bình và ghép việc cải tạo nâng cấp 7km QL 3 với đầu tư xây dựng đường mới Thái Nguyên – Chợ Mới thành một dự án rồi mỗi dự án đặt 2 trạm thu phí ở hai nơi không hợp lý.

Ngoài ra, việc xác định lưu lượng xe chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng lấy căn cứ áp dụng để thu phí cho cả thời kỳ khai thác rất dài, giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý.

Có dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới 30%) nhưng giá thu phí đã tương đương dự án đầu tư mới như BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ; đặt trạm thu phí ngoài vùng dự án như BOT đèo Phước Tượng - hầm Phú Gia; dùng trạm thu phí của tuyến đường này để hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác như BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Xuân Mai - Hòa Bình…

TTCP cũng chỉ ra những “bất thường” của dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1, trong khi dự án này chỉ sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ nhưng giá phí thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km).

TTCP kiến nghị Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Tài chính kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến nội dung vi phạm đã nêu tại quyết định thanh tra.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Thanh tra các dự án BOT: 100% chỉ định thầu