Mới chỉ hơn 10 năm du nhập vào địa phương nhưng nghề làm hương đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở xã Thanh Quang (Nam Sách).
Người làm hương ở Thanh Quang có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng
Đưa nghề về làngNghề làm hương không phải là nghề truyền thống ở xã Thanh Quang mà mới chỉ được du nhập về địa phương khoảng hơn chục năm nay. Đa số các chủ hộ sản xuất, kinh doanh hương ở Thanh Quang đều học nghề làm hương truyền thống ở xã Quốc Tuấn lân cận. Sau đó, họ về mở xưởng sản xuất, dần dần mở rộng quy mô và truyền dạy nghề cho những người khác làm theo.
Điển hình trong số những hộ làm hương ăn nên làm ra ở đây là anh Trần Kim Cơ, 43 tuổi, ở khu trung tâm chợ Rồng. Đến thăm xưởng sản xuất hương của gia đình anh những ngày này, chúng tôi thấy không khí lao động tất bật của 20 lao động trong xưởng. Toàn bộ công việc lăn hương đã được hệ thống 15 máy “bắn hương” vừa được anh Cơ đầu tư làm thay tay người. Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng, anh Cơ cho biết: “Những năm 1992 - 1993, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, tôi lấy vợ là người xã Thanh Quang. Sau đó, tôi theo bố sang khu chợ Rồng thuê đất làm nghề cơ khí. Không phát triển được nghề cơ khí, tôi quay về nhờ bà ngoại ở xã Quốc Tuấn truyền dạy nghề làm hương. Sau khi nắm bắt được tất cả kỹ thuật làm hương, tôi quay trở lại khu chợ Rồng để mua đất mở nhà xưởng sản xuất hương với diện tích khoảng 370 m2. Lúc đó, việc sản xuất chủ yếu do vợ chồng tôi làm và chỉ thuê thêm một số lao động trong lúc nông nhàn. Đến năm 2012, sau nhiều năm sản xuất hương, vợ chồng tôi đã tích đủ vốn để mua đất, xây dựng nhà xưởng 1.000 m2, sân phơi hương và kho chứa hàng hơn 2.000 m2, 15 máy bắn hương với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng. Doanh thu của gia đình tôi mỗi tháng đạt khoảng 200 triệu đồng. Hương được tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh phía Nam”. Với việc đầu tư mở rộng sản xuất, hiện nay xưởng làm hương của anh Cơ thường xuyên giải quyết việc làm cho 20 lao động nữ từ 18 tuổi đến ngoài 50 tuổi với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/ tháng. Chị Bùi Thị Hiếu có hơn 10 năm làm hương ở xưởng của anh Cơ cho biết: “Nhờ anh Cơ đưa nghề làm hương về xã mà những phụ nữ không có nhiều sức khỏe như chúng tôi có việc làm và thu nhập ổn định. Hơn nữa, do chỉ phải làm nửa ngày nên chúng tôi vẫn có thời gian để chăm sóc gia đình, con cái và cấy lúa, chứ đi làm công ty gò bó lắm”.
Đầu những năm 2000, nhận thấy nghề làm hương ở xã Quốc Tuấn phát triển mạnh và cho thu nhập khá, anh Lương Quang Cẩm ở thôn Tống Xá đã quyết định sang xã Quốc Tuấn học nghề. Năm 2003 anh về nhà mở xưởng sản xuất hương. Xưởng của anh sản xuất các loại hương trầm, hương bắc đến hương bài. Ban đầu, ngoài giải quyết việc làm cho 4 lao động trong gia đình, xưởng của anh Cẩm còn giải quyết việc làm cho 7 lao động nông nhàn trong thôn. “Nghề làm hương rất phù hợp với phụ nữ lớn tuổi. Do đặc thù của công việc nên đa số chỉ làm nửa ngày nhưng vẫn cho thu nhập khá. Hiện nay, vừa sản xuất bằng máy, vừa thủ công, gia đình tôi sản xuất được khoảng hơn 9 vạn que hương/ngày cung cấp cho thị trường, giải quyết việc làm cho 16 lao động. Mỗi năm trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi từ 400 - 700 triệu đồng”, anh Cẩm cho biết.
Cần có quy hoạchHiện nay, ở xã Thanh Quang có 16 hộ có cơ sở sản xuất hương nằm rải rác ở các thôn: Linh Khê, Tống Xá, Lê Hà và Tông Phố. Thôn Tống Xá có đến 9 cơ sở sản xuất. Đồng chí Nguyễn Xuân Thảo, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết: “Hơn 10 năm trước, toàn xã mới chỉ có 3 cơ sở nhưng nay đã có 16 cơ sở sản xuất hương. Mặc dù mới du nhập về địa phương hơn chục năm nay nhưng nghề làm hương đã giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn cho khoảng 400 lao động trong xã với thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/ tháng. Mỗi năm, nghề làm hương đem về cho xã tổng thu nhập khoảng 4 tỷ đồng, chiếm 20% thu nhập từ tiểu, thủ công nghiệp. Tuy vậy, trong tư duy của cán bộ xã chưa tính đến việc xây dựng làng nghề làm hương. Thời gian qua, chúng tôi chủ yếu tạo điều kiện cho các hộ làm nghề sản xuất hương bằng cách cho họ thuê đất khi có nhu cầu mở rộng xưởng. Nhắc nhở các chủ cơ sở sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ. Thực tế phát triển của nghề có thể là tiền đề để địa phương hướng tới việc quy hoạch phát triển thành làng nghề trong những năm tới”.
Anh Lương Quang Cẩm kiến nghị: “Để tạo điều kiện cho nghề làm hương phát triển, xã cần sớm có quy hoạch. Trước mắt, xã cần quan tâm đến việc giải tỏa một số cột mốc chắn đường để tạo điều kiện cho ô-tô ra vào. Hơn nữa, chúng tôi đã thường xuyên nộp quỹ bảo trì đường bộ cho thôn, xã rồi thì xã nên bỏ việc thu phí mỗi lần xe ô-tô đi vào đường để tạo thuận lợi cho chúng tôi trong sản xuất, kinh doanh”. Việc chưa có quy hoạch phát triển trở thành làng nghề sản xuất hương ở xã Thanh Quang đã và đang gây không ít khó khăn cho các chủ cơ sở sản xuất hương ở đây. Do nhu cầu của khách hàng ngày càng lớn, các chủ cơ sở sản xuất phần lớn nằm rải rác trong các thôn nên hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Những hạn chế này cần sớm được khắc phục.
VŨ ÚY