Tuổi trẻ trong xã đã tích cực thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Mô hình VAC của gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc cho thu nhập kinh tế cao
Trong những năm qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp đã được Đoàn xã Nghĩa An (Ninh Giang) phát động sâu rộng, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia. Tuổi trẻ trong xã đã tích cực thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Một trong những thanh niên tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp ở xã là anh Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1982, thôn Trịnh Xuyên). Năm 2007, anh Ngọc bàn bạc cùng gia đình đề nghị địa phương cho đấu thầu hơn 1,4 mẫu ruộng trũng cấy lúa bấp bênh để chuyển đổi sang mô hình VAC. Thời gian đầu, anh đào 1 ao nuôi cá thịt với diện tích 8 sào. Do chưa có vốn và kiến thức nên hiệu quả chưa rõ nét. Được sự động viên, khuyến khích của Ban Chấp hành (BCH) Đoàn xã và ý chí vượt khó vươn lên, anh vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Ngoài tham khảo qua sách, báo, anh Ngọc còn tích cực tham gia các buổi hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi do Đoàn xã phối hợp tổ chức. Mới đây, anh còn được BCH Đoàn xã hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau 5 năm lập nghiệp, đến nay, mô hình sản xuất của gia đình anh được mở rộng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh đang quy hoạch đào thêm 1 ao với diện tích 5 sào cũng chủ yếu nuôi cá thịt như trắm, chép, mè, trôi… Trên bờ, anh dành khoảng 100 m2 để xây 5 gian chuồng nuôi gà, vịt thương phẩm và 2 gian chuồng nuôi lợn thịt. Gia đình anh thường xuyên nuôi từ 300 - 500 con gà, vịt, gần 20 con lợn, thu lãi 50 - 60 triệu đồng/năm.
Anh Phạm Nghĩa Đồi ở thôn Do Nghĩa lại chọn cho mình hướng đi khác. Học xong phổ thông rồi đi học nghề, năm 2009, anh về quê mở xưởng cơ khí. Xưởng của anh thường xuyên tạo việc làm cho từ 2-3 lao động, với mức lương bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa An có rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp. BCH Đoàn xã Nghĩa An luôn chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tập hợp, đoàn kết thanh niên theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để họ vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Tổ chức đoàn đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 24 hộ ĐVTN vay 730 triệu đồng phát triển kinh tế. Đoàn xã thường xuyên tổ chức cho ĐVTN tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất ở một số mô hình thanh niên làm ăn hiệu quả, từ đó động viên, thúc đẩy thanh niên hưởng ứng phong trào, tích cực phát triển kinh tế.
THU HIỀN