Anh Nguyễn Văn Tư (32 tuổi) ở thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa là tấm gương tiêu biểu của thanh niên huyện Kinh Môn vượt khó, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Cơ sở sản xuất mỳ gạo của anh Tư tạo việc làm cho 5 lao động trong xóm
Năm 2013, anh Tư theo học nghề tráng bánh đa, làm mỳ tại 1 cơ sở thuộc phường Tứ Minh (TP Hải Dương), nơi có nghề sản xuất mỳ truyền thống. Với bản tính ham học hỏi, chịu khó nên chỉ trong một thời gian ngắn vừa học, vừa làm anh đã thành thạo tay nghề. Trở về quê nhà mở xưởng lập nghiệp, anh Tư bàn với vợ đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy tráng mỳ liên hoàn, mua dụng cụ về làm mỳ gạo. Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Tư gặp không ít khó khăn. Song anh không nản lòng, ngày ngày miệt mài bên dây chuyền sản xuất vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm làm sao tiêu hao ít nguyên liệu, nhiên liệu mà cho thành phẩm cao nhất. Lâu dần anh cũng tích lũy được kinh nghiệm làm nghề của riêng mình.
Theo anh Tư, để có những mẻ mỳ sợi đạt chất lượng là cả quá trình lao động qua nhiều công đoạn. Gạo phải trắng không bị hôi, sau khi vo sạch đem ngâm rồi đưa vào máy xay nhuyễn thành bột. Công đoạn này rất quan trọng, bột phải mịn và tơ trắng mới cho ra sợi mỳ mềm và ngon. Bột xay xong đem tráng thành bánh rồi phơi và thái. Công đoạn cuối cùng là cuộn mỳ thành từng nắm nhỏ và mang phơi khô.
Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất mỳ gạo của gia đình anh Tư tiêu thụ hết 300 kg gạo và cho ra 270 kg mỳ thành phẩm. Với giá 15.000 đồng/kg mỳ gạo, mỗi ngày, gia đình anh thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật nên mỳ gạo của gia đình anh Tư bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo được sự tin tưởng của khách hàng. Những mẻ mỳ sợi thơm ngon được gia đình anh Tư xuất bán cho các xã lân cận và giao cho nhà hàng, trở thành món ăn quen thuộc của mỗi gia đình.
Khách đặt hàng ngày một đông, anh Tư đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động trong xóm với mức thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Tận dụng những phụ phẩm như bột, mỳ vụn, vợ chồng anh Tư đào ao thả cá, nuôi 60 con lợn thương phẩm mỗi năm, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Trong khi rất nhiều thanh niên nông thôn rời xa quê hương tìm đường lập nghiệp thì anh Tư đã thành công trên chính mảnh đất quê hương mình.
THU XUÂN