Thanh Miện thường xuyên cung cấp thông tin, quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện để các DN tìm kiếm cơ hội đầu tư vào địa bàn. Đến nay, tất cả các dự án đầu tư vào địa bàn đều bảo đảm tiến độ.
Công tác giải phóng mặt bằng luôn được huyện Thanh Miện đặc biệt quan tâm
Những năm gần đây, huyện Thanh Miện đã thực hiện nhiều giải pháp xúc tiến đầu tư, tạo mặt bằng sạch để thu hút các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, "bức tranh" công nghiệp của huyện đã có nhiều khởi sắc.
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Thanh Miện thường xuyên cung cấp thông tin, quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện để các DN tìm kiếm cơ hội đầu tư vào địa bàn. Đến nay, tất cả các dự án đầu tư vào địa bàn đều bảo đảm tiến độ.
Ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết: "UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để các DN triển khai dự án bảo đảm tiến độ. Ngoài các chính sách thu hút đầu tư chung, huyện tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông quan trọng như đường tỉnh 392 B, 392 C...
Huyện chủ động đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện, hệ thống cấp thoát nước cho các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN".
Đại diện Công ty TNHH Vietstar ở CCN Đoàn Tùng cho biết: "Được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên sau khi nhận được quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực, máy móc, nhân lực để đưa nhà máy vào hoạt động sớm. Do nhu cầu sản xuất tăng cao nên vừa qua chúng tôi tiếp tục xin UBND tỉnh cho xây dựng nhà máy số 2 tại CCN Đoàn Tùng II". Nhà máy này có tổng số vốn đầu tư trên 115 tỷ đồng với công suất 6 triệu đôi giày dép/năm. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 2.000 lao động địa phương.
Để thu hút các DN đầu tư vào địa bàn, huyện còn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực có chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nhờ làm tốt công tác quản lý và tư vấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên năm 2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã đào tạo được hàng trăm học viên; tổ chức nhiều buổi hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, lao động tự do liên quan đến chương trình tuyển dụng của các DN trên địa bàn.
Cùng với quyết tâm của huyện, những năm qua, tỉnh cũng luôn quan tâm đến việc quy hoạch, phê duyệt quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn huyện Thanh Miện. Năm 2019, UBND tỉnh quyết định thành lập CCN Đoàn Tùng II với diện tích 46,5 ha. Hiện nay, huyện Thanh Miện có 4 CCN gồm: Cao Thắng (45,5 ha), Đoàn Tùng (35 ha), Đoàn Tùng II (46,5 ha), Ngũ Hùng - Thanh Giang (35 ha). 2 CCN Cao Thắng và Đoàn Tùng đã được lấp đầy 100%. CCN Đoàn Tùng II mặc dù mới xây dựng đã có 1 DN được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 DN đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Miện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện ước đạt 1.810 tỷ đồng, vượt 8,3% kế hoạch năm, tăng 28,6% so với năm 2018.
Năm 2019, Thanh Miện đã thu hút được 7 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Năm 2020, huyện tiếp tục trình UBND tỉnh cho thành lập CCN Tứ Cường - Chi Lăng Bắc với diện tích 75 ha, hoàn thiện hồ sơ xin mở rộng CCN Cao Thắng từ 45,5 ha lên 75 ha để thu hút thêm nhiều DN vào địa bàn. Hiện có nhiều DN đang xúc tiến các dự án đầu tư với số vốn lớn vào địa bàn.
Tiêu biểu như Dự án Nhà máy sản xuất, gia công bao bì Packco với tổng vốn đầu tư 414 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất, gia công bao bì, màng túi từ plastic với số vốn đầu tư 223 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất giày, dép số 2 của Công ty TNHH Vietstar với vốn đầu tư 115,7 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất và gia công linh, phụ kiện máy xúc với số vốn 70 tỷ đồng...
Hiện nay, các CCN của huyện đã thu hút được 22 dự án với tổng vốn đầu tư trên 4.440 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 40.000 lao động tại địa phương với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Với hệ thống hạ tầng giao thông dần được đầu tư hoàn chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng, các CCN của Thanh Miện đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Ông Bùi Trọng Thược, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Miện cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện tốt nhất cho các DN vào huyện đầu tư sản xuất, kinh doanh".
ĐỖ QUYẾT