Thanh Miện phát triển giao thông nông thôn

29/09/2011 10:00

Những năm qua, Thanh Miện đã đầu tư xây dựng hệ thống đường GTNT tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất và đi lại của người dân.



Với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cùng sự đóng góp của nhân dân, hệ thống giao thông
 nông thôn Thanh Miện đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ


Huyện Thanh Miện có khoảng 600 km đường giao thông, trong đó đường giao thông nông thôn (GTNT) chiếm trên 90%. Những năm qua, cùng với nhiều nguồn khác nhau, huyện Thanh Miện đã đầu tư xây dựng hệ thống đường GTNT tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất và đi lại của người dân địa phương.

Đầu năm 2011, người dân thôn Hữu Chung (xã Hồng Quang), nhất là các em học sinh mỗi khi đi học hoặc có việc phải lên xã đều phải đi qua hai tuyến đường chỉ dài khoảng 2 km đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ lớp nhựa trên mặt bị bong tróc, ổ trâu, ổ voi xuất hiện dày đặc. Trước tình hình này, xã quyết định huy động kinh phí đầu tư xây dựng lại tuyến đường. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hồng Quang là một xã nghèo, tổng thu ngân sách hằng năm không đủ chi nên việc huy động vốn để xây dựng hệ thống đường giao thông gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, được sự chấp nhận của UBND tỉnh, xã đã tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất, với số tiền gần 4 tỷ đồng. Xã đã đầu tư xây dựng 3 tuyến đường liên thôn có tổng chiều dài 3,1 km. Đối với các tuyến đường thôn, xóm, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước rất hạn chế. Vì vậy, việc huy động sức dân là yếu tố quyết định. Nhận thức được điều này, những chủ trương của Đảng ủy, UBND xã đều được triển khai tới từng người dân. Khi người dân đồng thuận, việc huy động trở nên dễ dàng hơn. Riêng năm 2010, xã xây dựng được 9 km đường thôn, xóm với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp khoảng 2,8 tỷ đồng. Vừa qua, với việc hoàn thành 3 tuyến đường liên thôn, trên 22 km đường GTNT của xã đã được đổ bê - tông theo tiêu chuẩn GTNT, đạt tỷ lệ 92%.

Tại xã Ngô Quyền, ông Hoàng Kim Luận, Chủ tịch UBND xã cũng cho rằng: Với một xã thuần nông, thu nhập đầu người năm 2010 chỉ đạt khoảng 9 triệu đồng, việc huy động kinh phí xây dựng đường giao thông gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đảng ủy, UBND xã xác định muốn cải tạo được hệ thống đường GTNT đã xuống cấp, cách làm hay nhất là huy động sức dân, tạo được sự đồng thuận từ người dân. Nghị quyết của Đảng bộ được nhanh chóng triển khai xuống các chi bộ. Nhiều cuộc họp quân dân chính được tổ chức để lấy ý kiến của người dân. Tại các thôn, hầu hết người dân đều đồng tình với chủ trương cải tạo lại hệ thống đường thôn, xóm đã xuống cấp. Chỉ trong vòng 3 năm, gần 30km đường gạch nghiêng, đường đất đã được thay thế bằng đường bê - tông theo tiêu chuẩn GTNT. Ngoài 20% kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cùng với hàng nghìn ngày công lao động. Đến nay, gần 90% đường GTNT trong xã đã được đổ bê - tông hoặc trải nhựa. Nhiều thôn có 100% đường thôn, xóm được cứng hóa như thôn Phạm Tân, Văn Xá...

Cách làm của các xã Hồng Quang, Ngô Quyền cũng là cách làm chung ở nhiều xã trên địa bàn huyện Thanh Miện. Ông Nguyễn Viết Bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc xây dựng hệ thống đường GTNT có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, ngoài phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách huyện không đủ để cấp cho các xã. Vì vậy, việc xây dựng đường GTNT phải dựa phần lớn vào sức dân. Nhận thức được điều này, mọi chủ trương, chính sách liên tục được tuyên truyền sâu rộng. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển mạng lưới GTNT tại địa bàn dân cư được thực hiện tốt. Trong quá trình thực hiện đã công khai, minh bạch, bàn bạc dân chủ theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Huyện đã huy động mọi nguồn lực trong xã hội, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, cùng với sức dân đẩy mạnh phát triển GTNT phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, thị trấn. Ngoài ra, còn huy động tối đa các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội để tuyên truyền, vận động nhân dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, coi đó là một tiêu chuẩn để đánh giá, bình xét hằng năm. Đưa tiêu chí xây dựng GTNT là tiêu chuẩn để xem xét đảng bộ và chính quyền trong sạch, vững mạnh... Nhờ đó, từ năm 2006 đến nay, huyện đã xây dựng được 55,5km đường huyện (đạt 100%) và 90% đường liên thôn, đường thôn xóm đã được bê - tông hóa. Trong 2 năm 2009 và 2010, huyện đã đầu tư khoảng 11 tỷ đồng xây dựng đường GTNT, chưa kể hàng chục tỷ đồng đóng góp của người dân.

Phát triển GTNT đã đem lại cho nông thôn Thanh Miện một diện mạo khang trang. Đây là điều kiện thuận lợi giúp huyện Thanh Miện đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Miện phát triển giao thông nông thôn