Khắc phục khó khăn về nhân lực, các địa phương ở huyện Thanh Miện đã linh hoạt huy động sức dân làm thủy lợi nội đồng.
Nhờ huy động sức dân nên hầu hết các tuyến kênh tại huyện Thanh Miện luôn thông thoáng
Với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp nên hệ thống kênh mương luôn thông thoáng, bảo đảm dẫn nước phục vụ sản xuất.
Đa dạng cách làm
Những ngày qua, tại xã Thanh Giang, phong trào làm thủy lợi nội đồng diễn ra khẩn trương. Tận dụng lợi thế trong thôn có máy xúc, ô tô tải, một số đội sản xuất đã vận động các cá nhân tham gia hỗ trợ máy để nạo vét kênh mương. Với những đoạn mương nhỏ, máy không thể vào, các hộ dân tự đứng ra nạo vét, sửa chữa. Nhờ có sự chung sức của nhân dân mà năm nào xã Thanh Giang cũng vượt chỉ tiêu làm thuỷ lợi.
Ông Vũ Đình Nguyễn, Chủ tịch UBND xã Thanh Giang cho biết: "Hằng năm, cấp trên đều cấp kinh phí cho địa phương làm thuỷ lợi nhưng ít. Để bảo đảm nhu cầu tưới tiêu và phòng chống ngập úng, các hộ dân đều tự nguyện đóng góp thêm từ 25.000-30.000 đồng/sào để làm thuỷ lợi. Chúng tôi còn vận động các ban, ngành, đoàn thể tập trung hội viên ra quân mỗi năm từ 1-2 lần nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy".
Xã Phạm Kha có diện tích chuyên canh rau màu lớn nên nhu cầu sử dụng nước tưới tiêu cao. Trong khi đó, một số tuyến kênh chính thường xuyên bị bồi lắng, xuống cấp, sạt lở làm cản trở dòng chảy. Để bảo đảm 100% kênh mương nội đồng được nạo vét 2 lần/năm, các thôn đều tổ chức họp dân, thống nhất mức đóng góp của các hộ theo diện tích đất nông nghiệp. Xã cũng tích cực vận động nguồn xã hội hóa để nạo vét, cứng hóa kênh mương.
Theo đại diện lãnh đạo xã Phạm Kha, do thấy rõ tầm quan trọng của hệ thống kênh mương trong sản xuất nông nghiệp nên người dân rất tích cực làm thuỷ lợi. Ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt, các hộ còn đóng góp hàng trăm ngày công lao động nạo vét kênh mương. Do đó dù xa nguồn nước và các cánh đồng đều ở vị trí cao nhưng gần 300 ha đất nông nghiệp của xã chưa bao giờ thiếu nước.
Không chỉ các địa phương mà các ban, ngành, đoàn thể của huyện Thanh Miện cũng thường xuyên tổ chức các đợt ra quân hỗ trợ người dân làm thuỷ lợi. Từ đầu năm đến nay, Huyện đoàn, Hội Phụ nữ và Hội Nông dân huyện đã phối hợp tổ chức gần 10 đợt ra quân vệ sinh kênh mương, thu hút hàng nghìn lượt đoàn viên, hội viên tham gia. Qua đó giúp khơi thông dòng chảy ở 36 tuyến kênh với tổng chiều dài trên 50 km; thu gom khoảng 40 tấn rác, rong bèo, cây cỏ; hơn 1 triệu m2 mặt nước được dọn quang bèo, rác, vật cản...
Chủ động cứng hóa kênh mương
Ông Đoàn Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Bắc cho biết với gần 300 ha đất nông nghiệp, xã có nhiều lợi thế trong phát triển lĩnh vực này. Gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, địa phương đã huy động gần 4 tỷ đồng để kiên cố hóa trên 3 km kênh mương nội đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 2tỷ đồng. Nhờ được bê tông hóa mà giờ đây người dân không còn phải vất vả đắp bờ, bơm nước vào ruộng như trước. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục huy động sức dân phấn đấu bê tông hóa các tuyến kênh nội đồng còn lại để chủ động nước tưới và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Toàn huyện Thanh Miện hiện có 52 km kênh cấp 1 và 422 km kênh mương nội đồng. Trong đó, 33 km kênh cấp 1 (đạt 63,5%) và trên 100 km kênh mương nội đồng (đạt 23,7%) đã được bê tông hóa. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu nước chủ động tại các xã, thị trấn đạt hơn 90%. Để đạt những kết quả trên, những năm qua, huyện đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới để cứng hóa các tuyến kênh. Nhờ nguồn nước bảo đảm, huyện đã hình thành được trên 50 mô hình sản xuất tập trung có diện tích từ 5-30 ha/mô hình cho hiệu quả sản xuất cao hơn từ 15-20% so với sản xuất đại trà. Giai đoạn 2020-2025, huyện phấn đấu tỷ lệ bê tông hóa kênh cấp 1 đạt 80% và kênh mương nội đồng đạt 47,4%.
"Từ các nguồn lực, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đã từng bước khắc phục khó khăn về nước tưới. Điển hình như công trình Trạm bơm Phạm Khê, Cao Lý và cứng hóa kênh mương cấp 3 ở các xã Ngũ Hùng, Hồng Quang, Ngô Quyền... đã giúp người dân dễ dàng tưới nước cho hàng trăm ha đất canh tác. Tình trạng người dân bỏ ruộng hoang do thiếu nước giảm rõ rệt, thậm chí do chủ động nguồn nước nhiều hộ còn mạnh dạn đưa giống cây mới có giá trị cao vào canh tác", bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết.
ĐỖ QUYẾT