Làm tốt công tác tuyên truyền và kiên quyết xử lý là những biện pháp giúp huyện Thanh Miện hạn chế tình trạng vi phạm xây dựng trên đất trồng lúa.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên trên địa bàn huyện Thanh Miện có ít trường hợp
vi phạm xây dựng trên đất cấy lúa
Kiên quyết xử lýAnh Phạm Văn Kiên ở thôn Thọ Chương, xã Lam Sơn đã tự ý dựng 1 nhà trông coi ở khu vực đất chuyển đổi của gia đình. "Trước khi chuyển đổi, tôi đã được chính quyền xã tuyên truyền không được xây dựng công trình trên diện tích này. Nhưng do lo mất tài sản nên tôi đã làm lều để trông coi. Sau khi được xã nhắc nhở, tôi đã tự tháo dỡ công trình", anh Kiên nói.
Xã Lam Sơn có 60 hộ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo Nghị định số 35/2015/NÐ-CP với diện tích 16,7 ha. Toàn xã chỉ duy nhất hộ anh Kiên có công trình vi phạm trên đất chuyển đổi.
Nhờ xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, không để kéo dài như vậy nên các hộ còn lại đều nghiêm chỉnh chấp hành. "Các hộ có diện tích đất ở vùng chuyển đổi đều kiến nghị với UBND xã cho phép xây dựng lều để vật tư nông nghiệp, trông coi tài sản. Tuy nhiên, theo quy định không được phép nên xã kiên quyết từ chối. Các trường hợp vi phạm phải tự tháo dỡ nếu không sẽ bị xử lý theo quy định", ông Phạm Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lam Sơn cho biết.
Xã Hồng Quang có gần 18 ha đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có 6 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất lúa. Các hộ này đều đã tự tháo dỡ công trình vi phạm, không có trường hợp nào phải cưỡng chế.
Mới đây, huyện Thanh Miện đã thành lập 2 đoàn liên ngành để kiểm tra tình trạng vi phạm ở tất cả 19 xã, thị trấn. Kết quả cho thấy tình trạng vi phạm xây dựng vẫn diễn ra ở một số địa phương. Tuy nhiên, các hộ chỉ dừng lại ở việc xây dựng lều, lán diện tích nhỏ để vật tư nông nghiệp và trông coi, không có tình trạng xây nhà kiên cố trên đất chuyển đổi. Ðối với các trường hợp này, đoàn kiểm tra vận động các hộ tự tháo dỡ. Nếu các hộ không tự tháo dỡ, đoàn sẽ giao cho chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế.
Tuyên truyền từ đầuTừ năm 2016 đến nay, huyện Thanh Miện có 430 ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo Nghị định 35/2015/NÐ-CP của Chính phủ. Theo nghị định này, các hộ sử dụng đất cấy lúa không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại, không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất. Do đó, nếu hộ nào xây dựng công trình trên diện tích đất chuyển đổi này đều vi phạm quy định. Ðể không xảy ra các vi phạm, ngay từ khi cho phép bắt đầu chuyển đổi, các xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân.
Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: "UBND xã đã giải thích, tuyên truyền cho các hộ có nhu cầu chuyển đổi biết quy định về sử dụng và quản lý đất cấy lúa. Ðồng thời, yêu cầu các hộ ký cam kết không xây dựng trên đất chuyển đổi. Do vậy, cả xã có gần 10 ha đất chuyển đổi nhưng không có hộ nào vi phạm".
Khi xảy ra vi phạm, chính quyền các xã cũng kiên trì giải thích, thuyết phục để người dân tự tháo dỡ các công trình mà không cần cưỡng chế. Xã Hồng Quang còn cử người xuống hỗ trợ các hộ thiếu nhân lực tháo dỡ. Sự quan tâm này cũng là một động lực giúp các hộ đồng thuận với cách xử lý của chính quyền.
Tuy các trường hợp vi phạm đều đã đồng ý chấp hành quy định song người dân vẫn mong muốn có sự điều chỉnh để tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất.
Ông Trần Văn Thuyên ở thôn Ðông La, xã Hồng Quang có gần 8 sào ruộng ở khu vực chuyển đổi. Ông đã dựng lều rộng 10m2 trên diện tích chuyển đổi để vừa tiện cho việc trông coi vừa chứa vật tư nhưng buộc phải tháo dỡ ngay. "Tiền đầu tư vào khu chuyển đổi này không ít, nếu không trông coi thì khó bảo toàn được tài sản", ông Thuyên lo lắng.
"Các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất lúa đều bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra phần lớn các hộ đều kiến nghị Nhà nước xem xét cho phép được xây dựng nhà tạm trên đất chuyển đổi để trông coi. Theo tôi, Nhà nước nên có quy định cụ thể về việc xây dựng nhà tạm để người dân yên tâm canh tác. Vì toàn bộ tài sản, hoa lợi của người dân đều nằm trên đất chuyển đổi cách xa khu dân cư", ông Khổng Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện kiến nghị.
TRẦN HIỀN