Các cơ quan chức năng và người dân huyện Thanh Hà đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung chăm sóc với hy vọng có một mùa vải thuận lợi.
Năm nay, hệ thống sơ chế, bảo quản vải ở xã Thanh Xá sẽ được đưa vào sử dụng
Nhiều doanh nghiệp đặt hàng sớmĐến nay đã có gần 10 doanh nghiệp liên hệ với các địa phương trồng vải ở Thanh Hà để chuẩn bị thu mua. Nhiều doanh nghiệp đã về ký hợp đồng đặt mua vải xuất khẩu. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh) sẽ tiêu thụ khoảng 90 ha vải ở các xã Thanh Bính, Thanh Xá, Thanh Khê và Thanh Thuỷ. Công ty TNHH Đầu tư xuất, nhập khẩu Tenda (TP Hồ Chí Minh) cũng cam kết tiêu thụ 5 ha vải ở xã Thanh Xá. Ngoài các doanh nghiệp, nhiều tư thương cũng đã đặt mua hàng. Nguyên nhân do năm 2015 vải Thanh Hà đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, châu Âu, tạo uy tín về chất lượng. Nếu như năm ngoái huyện Thanh Hà mới chỉ có 10 ha vải xuất khẩu thì nay đã tăng lên 90 ha. Diện tích vải xuất khẩu tập trung ở các xã: Thanh Bính, Thanh Xá, Thanh Khê, Thanh Thuỷ, trong đó có 20 ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ.
Thời gian qua, huyện Thanh Hà đã có nhiều cố gắng để tìm đầu ra cho quả vải. Huyện đã in ấn 1.500 thư mời, trong đó có 500 thư được dịch ra tiếng Trung Quốc nhằm kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước thu mua vải. Thời gian tới, huyện tiếp tục mời các doanh nghiệp tham dự hội nghị xúc tiến thương mại tại các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều hội chợ giới thiệu nông sản trên toàn quốc để tiêu thụ vải cho bà con.
Năm nay, hệ thống sơ chế, bảo quản của mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGAP tại xã Thanh Xá sẽ đi vào hoạt động. Hệ thống này rộng 28 ha do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, xây dựng từ năm 2013 với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Huyện đã tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đặt điểm thu mua vải tại khu vực này, hạn chế ách tắc giao thông trên đường tỉnh 390.
Huyện cũng đã chỉ đạo đơn vị liên quan giải toả vi phạm hành lang an toàn giao thông trên đường tỉnh 390 để bảo đảm đường thông, hè thoáng cho mùa thu hoạch. Điện lực Thanh Hà nâng cao đường điện bị chùng tại các xã Thanh Hồng, Trường Thành... Huyện có 3 bãi đỗ xe tại các xã Thanh Xá, Thanh Thuỷ và Thanh Bính, mỗi bãi chứa được khoảng 20-30 xe chở container có tải trọng lớn. Các cơ sở dịch vụ sản xuất thùng xốp, sản xuất đá cây bảo quản vải quả đều đã sẵn sàng cho mùa thu hoạch.
Tập trung chăm sócTheo UBND huyện Thanh Hà, sản lượng vải năm nay ước đạt khoảng 25.000 tấn, giảm 3.000 tấn so với năm ngoái do thời tiết không được thuận lợi. Anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn An Lão, xã Thanh Khê cho biết: "Gia đình tôi có hơn 2,5 mẫu vải thiều, trong đó có 1,5 mẫu thuộc vùng vải xuất khẩu. Năm nay, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ thu mua 1,5 mẫu nên chúng tôi đỡ lo lắng hơn. Tuy nhiên, vải xuất khẩu yêu cầu rất cao, các quy trình chăm sóc phải bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP và theo đánh giá chất lượng của công ty. Vì thế, gia đình tôi tập trung chăm sóc vải, tuân thủ đúng quy trình, khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện theo từng giai đoạn. Ngoài ra, qua kinh nghiệm, chúng tôi đã tỉa bớt cành lá để chất dinh dưỡng tập trung cho quả và theo dõi tình hình sâu bệnh để có cách phòng trừ kịp thời".
Nông dân xã Thanh Bính thu hoạch vải u trứng
Năm nay một số doanh nghiệp thu mua cả vải sớm để xuất khẩu. Gia đình ông Vũ Văn Mùi ở thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Bính có gần 1 mẫu vải sớm (vải u hồng), trong đó có 4 sào nằm trong vùng xuất khẩu. Nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, gia đình ông Mùi tập trung chăm sóc cây vải tốt hơn. Năm nay, sản lượng vải sớm của gia đình ông ước đạt hơn 3 tấn, tăng 5 tạ so với năm trước. "Trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày chúng tôi sẽ ngưng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để quả vải đến với người tiêu dùng an toàn hơn", ông Mùi nói.
Theo ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, để bảo đảm chất lượng và sản lượng vải đến khi thu hoạch, huyện đang tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn bám sát tình hình phát triển của quả vải, theo dõi diễn biến của thời tiết, sâu bệnh để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ kịp thời. Huyện sẽ tích cực làm cầu nối giúp bà con tiêu thụ vải thuận lợi hơn.
MINH NGUYỆT
Huyện Thanh Hà có 3.930 ha vải, trong đó có hơn 1.200 ha vải sớm, còn lại là vải thiều. Huyện cũng có hơn 3.000 ha vải sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó có khoảng 100 ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, châu Âu. Ngoài ra, vải Thanh Hà vẫn tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc khoảng 50%. |